Vinalines: Ngổn ngang câu hỏi trước thềm IPO
20/01/2015 11:24:03
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã hoàn tất quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa trong quý I/2015. Tuy nhiên, tại thời điểm này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời thấu đáo.

Tin liên quan

Theo kết quả mới nhất vừa được định giá, giá trị thực tế của công ty mẹ Vinalines tại thời điểm 31/12/2013 đạt số nguồn xấp xỉ 21.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 8.300 tỷ đồng. Con số chênh lệch sau khi xác định lại tăng lên hơn 2.900 tỷ đồng. Đây là kết quả để Bộ GTVT phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinalines, làm cơ sở để phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Cụ thể, trong lộ trình IPO, Vinalines sẽ IPO 5 doanh nghiệp là cảng Nghệ Tĩnh, cảng Sài Gòn, cảng Cam Ranh, cảng Năm Căn và cảng Cần Thơ. Đồng thời, Vinalines cũng đã thoái vốn được 17/37 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành.

Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết, tới thời điểm hiện tại, Tổng Công ty đã cổ phần hóa được 7 trong số 12 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa, với 6 đơn vị thành viên đã IPO như cảng Khuyến Lương, cảng Quy Nhơn, cảng Hải Phòng, cảng Nha Trang, cảng Đà Nẵng và cảng Quảng Ninh.

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, các cảng IPO như thế nào, theo ông Sơn, trên thực tế còn rất nhiều vấn đề cần xem xét. Những câu hỏi như vì sao nhiều cảng tọa lạc ở các khu vực "đất vàng” nhưng vẫn làm ăn bết bát, như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn. Phải chăng đang có những "cuộc chiến” giữa các nhà đầu tư và chủ sở hữu một số cảng biển có vị trí chiến lược tại Việt Nam. Các nhà đầu tư muốn gây sức ép với Chính phủ và Bộ GTVT giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại các cảng này xuống dưới mức 50%. Ở góc độ quản lý, tất nhiên Chính phủ và Bộ GTVT chưa thể chấp thuận đề nghị này, vì sẽ ảnh hướng tới quy hoạch chiến lược cảng biển nói chung.

Hay câu hỏi vì sao VietinBank, một "chủ nợ” của Vinalines, đang muốn xin được hoán đổi nợ thành cổ phần cảng? Phải chăng, trong tư cách "chủ nợ lớn” và được "bật đèn xanh” cơ chế chuyển nợ thành cổ phần, VietinBank có thể lựa chọn nhận tỷ lệ rất lớn cổ phần tại các cảng có nhiều lợi thế kinh doanh như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn.... Tác dụng cổ phần hóa, và nguồn lợi thu lại từ cảng biển, về lâu dài là rất lớn.

Chỉ riêng hai câu hỏi trên, IPO tại các cảng biển phải chăng vẫn sẽ là câu chuyện "bình mới rượu cũ”. Giảm bớt "cục nợ” của Vinalines sẽ chỉ là xoay chuyển hình thức nợ, chứ chưa thực chất có phương án đề giảm nợ, hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững?

Hiện nay, một trong những vấn đề "giờ G” IPO của Vinaliens đó là việc bán các tàu già, tàu cũ. Đây là một chủ trương đúng nhằm giúp Vinalines giảm bớt các khoản nợ. Tuy nhiên, trên thực tế có một số tàu Vinalines mới mua được vài năm, hoặc có những tàu công xuất không phù hợp với đơn hàng Việt Nam nên buộc phải đưa đi cho thuê lại (chủ yếu giá rẻ) ở thị trường nước ngoài. Vấn đề này cần giải quyết thế nào? Đàm phán bán tàu và tái cơ cấu đội tàu ra sao? Thêm những câu hỏi, chưa có sự trả lời thấu đáo.

Đây rõ ràng là bài toán nan giải. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường- Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ Vinalines cho biết, Nhà nước có thể bán 65-70% cổ phần tại các doanh nghiệp hàng hải. Bởi vận tải biển là ngành mà Nhà nước chủ trương không cần nắm cổ phần chi phối. Tức là tới đây sau IPO, Vinalines sẽ chủ động vấn đề vận hành, điều tiết kinh doanh theo thị trường. Thế nhưng, điều này có đi ngược với Quyết định 37 của Thủ tướng ban hành hồi tháng 6-2014 về tiêu chí, phân loại danh mục doanh nghiệp nhà nước, đối với ngành vận tải biển, nhà nước vẫn nắm giữ từ trên 50 đến dưới 65% cổ phần.
Cổ phần hóa là thời điểm tốt nhất để cải tổ nhân sự, đặc biệt là nhóm nhân lực đại diện phần vốn nhà nước tại Vinalines đến Công ty con, các đơn vị thành viên. Nhóm này sẽ có trách nhiệm trách nhiệm thực hiện chung các mục tiêu của đại hội cổ đông, đưa ra các quyết sách cụ thể để "bịt” các lỗ hổng rò rỉ vốn nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần mới. Điều này tuy không ảnh hưởng tới lộ trình thi tuyển Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines vào tháng 8/2015, nhưng liệu "cây gậy” có dám vung lên, khi một thời gian dài, Vinalines là "cái nôi” của nhiều con cháu trong ngành?

Một vấn đề nữa là hiện Vinalines đang có một số nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, vậy trong quá trình cổ phần hóa họ sẽ được phép mua là bao nhiêu % cổ phần? Mặt khác, sau khi IPO xong, báo cáo hợp nhất của Vinalines dự kiến sẽ lỗ vài nghìn tỷ đồng, vậy sẽ phải điều hành như thế nào để chặn lỗ? Một tổ chức nhân sự đại diện vốn nhà nước tại các Công ty con và đơn vị thành viên, nguồn vốn nhà nước vì thế sẽ bị hao hụt.

Quan trọng vẫn là dám quyết, dám làm. Bản thân Vinalines còn ngổn ngang những câu hỏi vì sao trước "giờ G” IPO. Chỉ có sự chuyên nghiệp và bài bản, một ngành mũi nhọn tiềm năng, mới có thể thêm một lần "sống dậy”.

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến