Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) cho thấy, đến cuối năm, doanh nghiệp này có tổng tài sản 52.673 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu kỳ. Trong số này, tiền mặt và tiền gửi được ghi nhận vào khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lên đến 23.049 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 19.713 tỷ đồng của thời điểm đầu năm. Chênh lệch lớn chủ yếu do công ty tăng lượng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn từ 17.413 tỷ đồng lên 20.136 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phát sinh hơn 150 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dài hạn.
Lượng tiền mặt và tiền gửi tăng mạnh so với đầu năm nhưng vẫn chưa phải con số cao nhất được ghi nhận trong năm qua. Trước đó, vào cuối quý III, tổng tiền mặt và tiền gửi của Vinamilk lên đến 25.886 tỷ đồng.
Tiền gửi tăng vọt mang về nguồn thu tài chính dồi dài cho doanh nghiệp đầu ngành sữa. Cụ thể, trong quý III/2023, Vinamilk ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính hơn 483 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ. Đến quý cuối năm, khoản mục này đạt 427 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế cả năm, doanh thu hoạt động tài chính lên đến 1.716 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.379 tỷ đồng của năm trước. Trong số này có 1.539 tỷ đồng là lãi tiền gửi, số ít còn lại đến từ chênh lệch tỷ giá hối đoái, thu nhập cổ tức và một số nguồn khác.
“Số dư tiền thuần hợp nhất tại ngày 31/12/2023 tiếp tục được duy trì ở mức cao, đảm bảo sức khỏe tài chính và giúp công ty thương lượng được mức lãi suất tốt nhất cả về tiền gửi kỳ hạn lẫn các khoản vay. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức 16,1%, tăng nhẹ so với mức 13-14% của các quý trước nhằm tối ưu chi phí sử dụng vốn”, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết.
Nguồn thu tài chính đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh cả năm. Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm đạt lần lượt 60.479 tỷ đồng và 9.019 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 0,7% và 5,2% so với cùng kỳ. Kết quả này hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu và 105% kế hoạch lợi nhuận. Như vậy, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp đầu ngành sữa lãi ròng khoảng 24,7 tỷ đồng.
Ngoài yếu tố liên quan đến lượng tiền mặt và tiền gửi dồi dào, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho rằng, một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hai chữ số là công ty thay đổi tỷ trọng và cơ cấu sản phẩm bán ra, đồng thời tiếp tục kiểm soát tốt chi phí đầu vào.
Nhận định chung về thị trường hàng tiêu dùng nhanh, lãnh đạo Vinamilk cho biết công ty nhận thấy mối lo về thu nhập và việc làm đang là mối lo hàng đầu, thể hiện qua sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng như ưu tiên sản phẩm hoặc kênh mua sắm có chương trình khuyến mãi hấp dẫn, sử dụng sản phẩm hay thế có mức giá phù hợp hơn, chọn bao bì có dung tích lớn để tiết kiệm.
Tổng nguồn vốn của Vinamilk hiện đạt 35.026 tỷ đồng. Trong năm 2023, công ty đã chi 8.152 tỷ đồng cho cổ tức. Lợi nhuận giữ lại tại thời điểm cuối năm là 3.926 tỷ đồng và lợi ích của cổ đông thiểu số là 3.329 tỷ đồng.
Tác giả: Minh Khôi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy