Viwaseen: Nước xa có cứu được lửa gần?
27/05/2015 08:42:58
ANTT.VN - Có quyền thuê hàng chục nghìn m2 đất tại các vị trí đắc địa của Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) dự kiến chuyển hướng sang đầu tư bất động sản để tận dụng lợi thế quỹ đất của mình sau cổ phần hóa từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Tin liên quan

 

Gian nan con đường tăng vốn

Trước thời điểm cổ phần hóa, Tổng Công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) đã có giai đoạn “lột xác” khi chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty TNHH một thành viên (lộ trình được xác định từ 2010-2013). Vốn điều lệ theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tổng công ty là 750 tỷ đồng nhưng vốn thực góp của Nhà nước mới là 515,9 tỷ đồng.

Trụ sở hiện tại của Tổng công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam Viwaseen tại phố "vàng" Thủ đô

Đến thời điểm năm 2014 – khi bắt đầu quá trình “lột xác” lần 2, do kết quả kinh doanh của đạt thấp, phần lợi nhuận sau thuế không đủ đảm bảo theo phương án tăng vốn điều lệ mà Viwaseen đã xác định từ trước đó, nguồn vốn vẫn tiếp tục “dậm chân tại chỗ”.

Theo phương án cổ phần hóa lần đầu ra công chúng, Viwaseen giữ nguyên vốn nhà nước - chiếm tỷ lệ 71.38%, phát hành cổ phiếu bán đấu giá công khai 22.480.500 cổ phần với giá khởi điểm 10.200 đồng mỗi cổ phần để tăng vốn lên 800 tỷ đồng.

Theo dự kiến, Viwaseen sẽ dành 210 tỷ đồng đầu tư cho các tài sản dài hạn mới, trong đó vốn đối ứng cho dự án Trung Văn là 120 tỷ, dự án cấp nước sạch Đình Vũ 30 tỷ, góp vốn thực hiện đầu tư Nhà máy nước Suối Dầu – Nha Trang, Nhà máy nước Dung Quất – Quảng Ngãi 50 tỷ.

Thế nhưng, vào thời điểm IPO, cổ phiếu của doanh nghiệp ngành nước trực thuộc Bộ xây dựng này lại không phải là món hàng hấp dẫn với đa số nhà đầu tư. Kết thúc phiên IPO, Viwaseen chỉ bán được 945.600 cổ phần  – tương ứng 9,45 tỷ đồng với giá trúng thầu bình quân đạt 10.202 đồng.

viwaseen-tang-von-dieu-le

Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng của Viwaseen tiếp tục bị đẩy lùi 

Theo đó, kế hoạch tăng vốn lại được điều chỉnh một lần nữa, Viwaseen sẽ giữ nguyên vốn 580,186 tỷ vào giai đoạn 2015 – 2016 và tăng lên 800 tỷ vào năm 2017-2018.

Chuyển hướng từ cấp thoát nước sang bất động sản

Hoạt động với vai trò là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng với kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực cấp và thoát nước, Viwaseen lại có hàng loạt đề án bất động sản sau thời điểm cổ phần hóa.

Với lợi thế đặc biệt về quỹ đất tương đối lớn, Viwaseen quản lý 5 khu đất – trong đó có 4 khu đất tại Hà Nội với tổng diện tích lên đến 31.110 m2, dự kiến sẽ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản từ nhà ở thu nhập thấp đến cho thuê sàn văn phòng hay khách sạn.

Dự án nhà ở Hạ Đình với diện tích 11.271 m2 được Viwaseen dự kiến xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ chức năng văn phòng làm việc kết hợp với nhà ở để bán thành nhà ở thu nhập thấp. Tổng công ty cho biết, Dự án sẽ cung cấp ra thị trường 42.552 m2 nhà ở tại quận nội thành với tổng mức đầu tư  là 704 tỷ đồng.

Dự án nhà ở Hạ Đình của Viwaseen được cấp phép từ 2008 

Một khu đất vàng khác lên tới 1.282 m2 hiện đang được Viwaseen quản lý hiện đang làm trụ sở công ty tại 52 Quốc Tử Giám cũng sẽ được chuyển mục đích xây dựng văn phòng và khách sạn nhằm khai thác lợi thế đắc địa của bất động sản. Hơn 9.000 m2 đất tại Liên Ninh, Thanh Trì cũng sẽ được chuyển sang xây dựng tổ hợp văn phòng và nhà ở.

Trên thực tế, các khu đất này đề là đất Tổng công ty thuê của Nhà nước, trả tiền hàng năm với hợp đồng cho thuê từ ngày 1/1/1996, thời hạn 20 năm. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 6 tháng nữa Viwaseen sẽ hết quyền thuê những khu đất đắc địa này, phương án thuê đất tiếp theo vẫn chưa được Tổng công ty hé lộ.

Viwaseen có quá tham vọng?

Trung bình trong 3 năm (từ 2010 - 2012), cơ cấu vốn chủ sở hữu tài trợ hầu hết cho tài sản dài hạn. Tại thời điểm 31/12/2012, vốn chủ sở hữu là 515,9 tỷ sử dụng cho 488 tỷ đồng đầu tư tài sản dài hạn (tương đương 95% vốn chủ sở hữu) trong đó: 282,1 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết;  99,6 tỷ đồng đầu đầu tư tài sản cố định; 106,1 tỷ đồng hợp tác đầu tư khu cao ốc Văn phòng và căn hộ chung cư tại số 10 Phổ Quang, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Phần vốn chủ sở hữu ít ỏi còn lại là vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tuy nhiên, phần vốn lưu động này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vốn phục vụ SXKD, số vốn còn lại Tổng công ty chủ yếu sử dụng vốn vay tại các ngân hàng. Do vậy, chi phí tài chính hàng năm của Tổng công ty lớn – chiếm khoảng 7-8% tổng chi phí, làm giảm hiệu quả SXKD.

Tại lần họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu vào cuối tháng 6/2014, Viwaseen dự kiến tăng trưởng doanh thu vượt bậc giai đoạn sau cổ phẩn hóa khi tăng từ 904 tỷ (năm 2015) lên 1.427 tỷ (năm 2018). Lợi nhuận dự kiến cũng tăng gấp 3 lần từ 40 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng, trong khi mục tiêu lợi nhuận năm 2014 mới chỉ là 5 tỷ đồng.

Trông chờ vào tăng trưởng "doanh thu vượt bậc", có thể Viwaseen kỳ vọng vào các dự án bất động sản mà doanh nghiệp này làm chủ đầu tư dự kiến triển khai sau này. Tuy nhiên, tính ra, với độ trễ của việc đầu tư dự án bất động sản là 3-5 năm với số vốn đầu tư tương đối lớn, vấn đề thu xếp vốn của Viwaseen ngày càng đối mặt với những áp lực nặng nề. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty ngay sau thời điểm cổ phần hóa, thoát khỏi cái mác 100% vốn nhà nước vẫn là đảm bảo các dự án cấp thoát nước cho nhân dân lại chỉ được dùng từ vốn lưu động – phần vốn chịu ảnh hưởng khá lớn từ các biến động của nền kinh tế.

Với cơ cấu nguồn vốn hiện tại, kế hoạch tăng vốn liên tục thất bại mà lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Viwaseen chỉ còn 51% vào năm 2018, “viễn cảnh” của Tổng công ty sau khi gỡ bỏ chiếc áo nhà nước vẫn sẽ là dấu hỏi lớn.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến