Dòng sự kiện:
Vụ nam sinh nhảy cầu nghi vì bị cấm yêu: Phân tích của chuyên gia tâm lý
09/12/2017 16:05:50
Chuyên gia tâm lý cho rằng, sự trưởng thành về tâm lý, xã hội và kinh nghiệm sống còn non nớt đã khiến một số em cảm thấy bế tắc, nghĩ quẩn, dẫn đến mất kiểm soát và hành động dại dột.

Như tin đã đưa, vào khoảng 7h ngày 9/12, người dân đi đường đã phát hiện một nam sinh nhảy từ cầu đường sắt Bạch Hổ, TP Huế xuống sông Hương. Khoảng 11h cùng ngày, sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của nam sinh này.

Danh tính của nam sinh được xác định là em L.Q.B.N (17 tuổi), trú ở phường Hương Long, TP Huế, là học sinh lớp 11 của một trường THPT trên địa bàn thành phố.

Lực lượng chức năng và đội tìm kiếm đã tìm thấy thi thể em N.

Theo người thân của N., nguyên nhân khiến nam sinh này nhảy cầu là do bị người lớn ngăn cấm chuyện yêu đương. Cụ thể, N. có quan hệ yêu đương với một nữ sinh lớp 11 ở tỉnh Quảng Trị nhưng gia đình không đồng ý. Trưa 8/12, sau khi bỏ nhà đi nhiều ngày, N. đã trở về nhà lấy xe đạp điện rồi tiếp tục đi đâu không rõ.

Đến khoảng 23h ngày 8/12, N. gửi tin nhắn cho chị gái và đến sáng 9/12 thì gia đình nhận được thông tin nam sinh này đã gieo mình xuống sông Hương.

Liên quan đến hành vi nhảy cầu của em N., trao đổi với PV, Thạc sỹ tâm lý học Đỗ Văn Nghĩa, Công tác tại trường Trung cấp Âu Lạc (TP Huế) cho rằng, N. đang ở độ tuổi học sinh trung học phổ thông (khoảng 16, 17, 18 tuổi). Ở độ tuổi này, các em xuất hiện nhiều đặc điểm mới trong sự phát triển tâm lý, điển hình trong đó là tình yêu nam nữ. Nhưng khoa học và thực tiễn cuộc sống đã khẳng định ở độ tuổi này, sự chín muồi về sinh lý, còn về tình dục đã đi trước một bước so với sự trưởng thành về tâm lý, về xã hội, kinh nghiệm sống. Bởi vậy, những điều kiện cần và đủ cho việc đi vào cuộc sống tình yêu nam nữ ở độ tuổi này chưa được hội tụ.

Hơn nữa, tình yêu ở độ tuổi này dễ “hiệu ứng nhiễm sắc”- chỉ nhìn thấy nét đẹp bên ngoài của người yêu và hiệu ứng “hiệu ứng phi cá tính hóa” – dễ dàng từ bỏ cái tôi của bản thân để làm đẹp lòng người yêu. Đó cũng là lý do chủ yếu giải thích tại sao nhiều mối tình đầu ở giai đoạn này dễ bị tan vỡ, dễ bị trở thành bi kịch.

Thạc sỹ Nghĩa cho biết thêm, với sự trưởng thành về tâm lý, xã hội và kinh nghiệm sống còn non nớt, thêm vào đó không có nhiều sự động viên, chia sẻ của những người xung quanh (các em thường bị chế giễu, trêu chọc, thậm chí là bị cấm đoán từ phía gia đình, người thân…) đã khiến nhiều em cảm thấy bế tắc, nghĩ quẩn, dẫn đến mất kiểm soát và hành động dại dột.

Chính vì vậy, người lớn cần biết về đặc điểm chung trong sự phát triển đời sống tình cảm của lứa tuổi và đặc điểm riêng trong sự phát triển của con em mình. Hãy dành thời gian nhiều hơn để nắm bắt hoạt động của các em. Đồng thời, hãy tôn trọng sự phát triển và sự độc lập của các em… Đây là những bước để chúng ta có thể “nói chuyện”, là cách để chúng ta trở thành “người bạn” của các em, là cách để các em chủ động chia sẻ bày tỏ tâm sự - phương pháp giúp các em giải tỏa, cân bằng cảm xúc và sớm định hướng cho hoạt động của mình một cách đúng đắn.

Lê Kông

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến