Dòng sự kiện:
Vụ nghi vấn lợi dụng cải tạo trang trại để bán đất: Bài học nhãn tiền đã có?
03/05/2019 08:00:38
Vì sao lại có bất cập này? Có hay không chuyện doanh nghiệp ở Quảng Nam lợi dụng chủ trương cải tạo mặt bằng trang trại để khai thác đất? Câu trả lời là có! Những bài học nhãn tiền đã từng xuất hiện.

Như báo điện tử An ninh Tiền tệ và Truyền thông đã phản ánh trong bài viết “Quảng Nam: Nghi vấn một doanh nghiệp lợi dụng cải tạo trang trại để bán đất”  và "Quảng Nam: Dân khốn khổ vì xe tải chở đất hoành hành"thể hiện những nghi vấn, bức xúc đầy cơ sở của người dân xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam về quá trình làm trang trại của bà Nguyễn Thị Thắm, trú thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành. 

Theo người dân địa phương, năm 2016, bà Thắm xin làm trang trại nông lâm kết hợp ở xã Tam Mỹ Đông với diện tích 12ha. Để làm trang trại, bà Thắm xin cải tạo mặng bằng. Từ đây, xuất hiện lượng đất dư thừa thì bà Thắm tiếp tục xin được tận thu bán làm vật liệu san lấp.

Để thực hiện tận thu đất trang trại này, bà Thắm ngay lập tức lập ra công ty TNHH Thương Mai Dịch vụ Hưng Đức Vinh. Tréo nghoe và oái oăm thay, bà Thắm với công ty Hưng Đức Vinh lại ký hợp đồng với nhau. Chẳng khác nào phải bà cầm bút ký với tư cách chủ trang trại, tay trái bà ký chức danh Giám đốc Hưng Đức Vinh.

Dư luận hoài nghi việc núp bóng trang trại để bán đất ở Tam Mỹ Đông

Chưa hết, dù mang danh tận thu đất dư thừa từ cải tạo trang trại. Nhưng, bà Thắm đóng cọc ghi tên mỏ đất cho trang trại mình. Thực tế, bà Thắm cũng thừa nhận rằng, vốn bà xin cải tạo, lấy đất san lấp cho cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Nhưng do thủ tục không kịp nên đành “ngậm ngùi” lỡ hẹn. Thế rồi, từ năm 2018, khi đã xin được thủ tục đến nay xe tải ùn ùn đuổi bắt nhau ra vào trang trại này để lấy đất đi san lấp.

“Họ đi đào đất đồi rồi chở đi bán. Ai đời cải tạo mặt bằng gì mà cứ đào chỗ này sang chỗ kia, gặp chỗ khó thì bỏ dở. Cải tạo mặt bằng thì phải làm toàn bộ, gặp đất, gặp đá gì cũng phải san lấy mặt bằng chứ… Mà cũng chẳng ai đi chọn từng quả đồi lớn để san bằng làm trang trại cả”, một người dân bày tỏ mối băn khoăn với chúng tôi.

Thực tế, khi quan sát tại khu vực đồi do bà Thắm khai thác, tận thu đất cũng chỉ rõ, nhiều quả đồi lớn được đào bới lấy đất chỉ còn trơ lại lớp đá cứng. Thử hỏi với lớp đá trơ cứng còn lại này làm sao có thể trồng cây, làm trang trại. Bất cập, khuất tất mà dư luận nghi ngại là có cơ sở!

Vì sao lại có bất cập này? Có hay không chuyện doanh nghiệp ở Quảng Nam lợi dụng chủ trương cải tạo mặt bằng trang trại để khai thác đất? Câu trả lời là có! Những bài học nhãn tiền đã từng xuất hiện nhưng dường như UBND tỉnh Quảng Nam mà đặc biệt là ngành TNMT vẫn chưa rút ra được bài học và kinh nghiệm trong cấp phép loại dự án kiểu lồng ghép, tận thu khoáng sản như vậy.

Trang trại hay mỏ đất?

Năm 2016, sở TNMT tỉnh Quảng Nam cũng tham mưu cho UBND tỉnh cấp quyền tận thu đất từ việc cải tạo trang trại cho Công ty CP Đầu tư Thiên Tân Thành. Đây là trang trại nuôi heo ở thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Và rồi, khi doanh nghiệp này hoạt động cải tạo, tận thu không bao lâu, thì dư luận Đại Lộc đã lên tiếng mạnh mẽ. Họ cho rằng, Thiên Tân Thành đã lợi dụng vỏ bọc trang trại để khai thác đất trắng trợn, ngang nhiên. Trong khi đó, chẳng ai thấy ngành TNTM, chính quyền kiểm tra, xử lý.

Trước những phản ánh mạnh mẽ của dư luận, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc và xác định. Kết luận thanh tra số 21/KL-TTT tháng 9/2018 thể hiện, công trình này đã khai thác, đào múc đất nham nhở trên diện tích đất được cấp phép. Qua đó, cho thấy mục đích chính của doanh nghiệp là khai thác đất để bán, không thực hiện san lấp mặt bằng để thực hiện đầu tư dự án; chưa xây dựng bất cứ hạng mục kết cấu hạ tầng nào của dự án. Thậm chí là có cả hiện tượng trộm đất trái phép.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, Sở TN&MT thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp, xây dựng công trình của doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao. Không tiến hành thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án đối công ty dẫn đến dự án chậm tiến độ hơn 2 năm nhưng không bị xử lý.

Trong quá khứ, ở tỉnh Quảng Nam đã từng xuất hiện nhiều hiện tượng lợi dụng cải tạo trang trại để bán đất.

Về cấp cơ sở, UBND huyện Đại Lộc bị thanh tra kết luận chưa thực hiện hết trách nhiệm được phân công liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp, xây dựng công trình; thiếu chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động của dự án, dẫn đến Thiên Tân Thành đào múc đất nham nhở tại dự án.

Phòng TN&MT huyện Đại Lộc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý việc khai thác đất tại dự án; không có biện pháp tham mưu, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác trái phép đất tại các khu vực lân cận, để tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn...

Sau cùng, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan công an điều tra tiến hành điều tra và xử lý vụ việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Nhâm Thân

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến