Dòng sự kiện:
Vụ OceanBank: OGC “cất nhời”, PVN thì sao?
19/05/2015 17:15:02
ANTT.VN – Liên quan đến vụ việc mất vốn tại OceanBank, dưới “sức ép” của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HSX), OGC đã bước đầu “cất nhời”, tuy nhiên, đối với những VNT, ĐT&XD Sông Đà và PVN – những doanh nghiêp chưa niêm yết, ai sẽ là người khiến họ phải “lên tiếng” và khi nào?

Tin liên quan

Ngày 15/05/2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (HSX: OGC) đã có Công văn số 120/2015/CV-OGC phúc đáp văn bản số 584/SGDHCM-NY ngày 27/4/2015 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) để lý giải về việc OceanBank không còn là công ty liên kết.

Theo đó, sau khi có quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng/1 cổ phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), OGC không còn sở hữu 20% vốn điều lệ tại Oceanbank và Oceanbank không còn là công ty liên kết của OGC.

Do ảnh hưởng của sự kiện nêu trên, tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán hợp nhất và báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2014 của OGC sẽ giảm giá trị ước tính 971 tỷ đồng. Đồng thời, chúng tôi vẫn duy trình tình hình quản trị và hoạt động sản xuất kinh doanh của OGC bình thường”, công văn nhấn mạnh và kết luận.

Tuy nhiên, trên thực tế, con số thiệt hại của OGC có phải chỉ gói gọn ở 971 tỷ đồng?

OGC: Thiệt đơn, thiệt kép

Liên quan đến sự việc này, theo báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2014, khoản đầu tư của OGC vào Oceanbank trị giá 971 tỷ đồng (tương ứng với 20% cổ phần Oceanbank). Với việc giá trị cổ phần tại Oceanbank được mua lại với giá 0 đồng, giá trị đầu tư của OGC và Oceanbank giảm về 0. Theo đó, OGC sẽ phải ghi nhận khoản lỗ hoạt động đầu tư trị giá 971 tỷ đồng trong kỳ hoạt động kinh doanh tiếp theo. Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2014, OGC đang có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên 370 tỷ đồng. Giả sử năm 2015, mức lợi nhuận của OGC tương tự như 2014 (trên 400 tỷ), với khoản lỗ tài chính như trên nhiều khả năng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của OGC sẽ có số âm tại thời điểm cuối năm 2015.

Một cổ đông lớn khác của Oceanbank là công ty TNHH VNT cũng có số cổ phần sở hữu tương đương OGC là 20%. Công ty TNHH VNT là một công ty thuộc sở hữu của cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm. Khi NHNN mua lại với giá 0 đồng, VNT cũng sẽ ghi nhận một khoản lỗ đầu tư trị giá 971 tỷ đồng tương đương OGC. Theo báo cáo tài chính được cung cấp tại thời điểm cuối năm 2013, công ty TNHH VNT có mức vốn chủ sở hữu trị giá hơn 737 tỷ đồng. Với việc phải ghi nhận khoản lỗ trên, giá trị vốn chủ sở hữu của công ty TNHH VNT ghi nhận dưới mức 0 đồng.

Hệ lụy từ quyết định "quốc hữu hóa" Oceanbank của NHNN  có thể sẽ gây ra những thiệt hại "khổng lồ" cho Tập đoàn Đại Dương với hàng loạt những khoản nợ khó đòi liên quan đến Oceanbank và Công ty TNHH VNT

​Lo ngại hơn đối với OGC, hiện tổng giá trị khoản phải thu của OGC đối với công ty TNHH VNT là trên 1.140 tỷ đồng. Với việc công ty TNHH VNT âm vốn chủ sở hữu, OGC sẽ phải trích lập một khoản dự phòng giá trị khoản phải thu lớn trong các kỳ hoạt động kinh doanh tiếp theo của mình.

Ngoài ra, OGC cũng có khoản phải thu trị giá trên 800 tỷ đồng đối với công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà - công ty sở hữu 6,65% cổ phần tại Oceanbank. Nhiều khả năng, OGC sẽ phải trích lập thêm 1 khoản dự phòng tương tự như đối với trường hợp của công ty TNHH VNT.

Còn PVN, VNT, ĐT&XD Sông Đà?

Thông tin trong Báo cáo Quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương năm 2014 cho thấy, tính đến 31/12/2014, Oceanbank đang có tổng số vốn điều lệ (VĐL) là 4.000 tỷ đồng, trong đó có 4 cổ đông lớn sở hữu trên 5% VĐL, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC): 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; Công ty TNHH VNT: 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà: 26,61707 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,65%.

Như vậy, tương tự như OGC và VNT, hai cổ đông lớn còn lại của OceanBank là PVN và CTCP Đầu tư & Xây dựng Sông Đà cũng đã vướng phải một “trái đắng” quá lớn.

Đánh giá sơ bộ, với quyết định mua lại OJB với giá 0 đồng của NHNN, khoản vốn đầu tư 266 tỷ đồng Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà; 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bỗng “không cánh mà bay”.

Đặc biệt hơn, đối với trường hợp PVN, trên vai trò là một Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 18-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ), câu chuyện mất vốn sẽ chẳng đơn thuần chỉ là “được ăn thua chịu”.

Mặc dù việc góp cổ phần theo hướng lời ăn lỗ chịu nhưng chắc chắn lãnh đạo của PVN sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhà nước. Việc lấy vốn của Nhà nước đầu tư không hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm hoặc là hình sự hoặc phải bồi thường. Việc này cơ quan chủ quản sẽ quyết định dựa trên kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm đã từng chia sẻ như vậy khi đề cập đến sự việc.

Liên quan đến trách nhiệm trong việc làm “thất thoát” nguồn vốn Nhà nước tại PVN (tuy nhiên, vẫn chưa xác định được khoản tiền 800 tỷ đầu tư vào OceanBank của PVN được lấy từ nguồn nào), Khoản 4, Điều 59 tại Nghị định số 149/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định:

Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc PVN không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm:

a) Để PVN lỗ;

b) Để mất vốn nhà nước;

c) Quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không tu hồi được vốn đầu tư; không trả được nợ;

d) Không đảm bảo tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở PVN theo quy định của pháp luật về lao động;

đ) Để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định.

Khi nào PVN sẽ chính thức lên tiếng về câu chuyện mất vốn tại OceanBank?

Trở lại với câu chuyện Oceanbank, khoản thiệt hại tài chính khổng lồ trong thương vụ chắc chắn sẽ gây ra  “cú shock” không nhỏ cho hoạt động của những OGC, VNT, Đầu tư & Xây Dựng Sông Đà và kể cả PVN.

Dưới “sức ép” của SGDCK TPHCM, OGC đã bước đầu “lên tiếng”, tuy nhiên, đối với những VNT, ĐT&XD Sông Đà và PVN – những doanh nghiêp chưa niêm yết, ai sẽ là người khiến họ phải “lên tiếng” và khi nào?

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến