Hoạt động mua, bán nợ tại các tổ chức tín dụng gặp khó do khung pháp lý chưa hoàn thiện. Ảnh: Tường Lâm
Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được trao qua, đổi lại trên thị trường và quay trở về báo cáo tài chính với tình trạng vẫn “xấu”.
Chưa quy định cụ thể về định giá nợ
Báo cáo tài chính quý III/2018 của các NHTM cho thấy, nợ xấu đang có xu hướng tăng mạnh so với cuối năm 2017, nhiều ngân hàng có mức tăng từ 21% đến hơn 50%. Xu hướng tăng vọt này có nguyên nhân chính từ việc nhiều ngân hàng tiến hành thu lại nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) khi đến hạn tất toán trái phiếu đặc biệt.
Bình luận về cách mua nợ xấu của VAMC và nhận lại nợ xấu của các NHTM trong thời gian qua, ông Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC thông qua sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua nợ chưa mang lại hiệu quả cao trong xử lý nợ xấu.
“Việc sử dụng trái phiếu đặc biệt khiến VAMC mới chỉ mua nợ theo giá trị sổ sách và bị động trong xử lý thu hồi nợ. Mặt khác, VAMC không phải trích lập dự phòng khi mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và cũng không chịu áp lực xử lý nợ xấu. Như vậy, việc xử lý nợ xấu này vẫn chủ yếu là Ngân hàng Nhà nước bơm tiền vào TCTD có nợ xấu lớn, dẫn đến quá trình xử lý nợ xấu chỉ tập trung vào vấn đề “kỹ thuật” và khó mang lại hiệu quả cao”, ông Đạt nói và lý giải thêm: “Kinh nghiệm ở hầu hết các quốc gia cho thấy các công ty mua bán nợ của các TCTD (AMC) thường phải mua lại nợ xấu của ngân hàng bằng tiền thật và sau đó tìm cách xử lý khoản nợ này. Ở khía cạnh khác, phương thức mua bán nợ của các AMC trực thuộc các NHTM hiện nay chủ yếu là theo thỏa thuận nên thiếu tính linh hoạt”.
Là một trong những NHTM có nợ xấu tăng cao trong thời gian qua, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nêu một trong những bất cập đáng chú ý nhất khiến việc xử lý nợ bị chậm là cách định giá khoản nợ. Cụ thể, Điều 12 của Thông tư 09/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua bán nợ của TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu việc định giá khoản nợ là dựa trên giá trị tài sản bảo đảm, tuy nhiên, Thông tư chưa quy định rõ là tài sản bảo đảm được định giá theo giá thị trường hay giá trị sổ sách.
“Mặc dù xác định khoản nợ là một loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường nhưng pháp luật về thẩm định giá lại không có quy định cụ thể nào về việc định giá khoản nợ. Vì vậy, nhiều tổ chức thẩm định giá độc lập không có cơ sở để tiến hành thẩm định giá khoản nợ, nên đã từ chối ký kết hợp đồng định giá với các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, việc tự định giá của TCTD hoặc việc thẩm định giá của tổ chức độc lập không tránh khỏi yếu tố chủ quan, thiếu thuyết phục, không nêu được các căn cứ khoa học của kết quả định giá”, ông Thắng nhấn mạnh
Bên mua e ngại, bên nợ thiếu hợp tác
Không chỉ trở ngại từ việc định giá các khoản nợ, pháp luật hiện hành mới quy định quyền của TCTD, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC, và còn khoảng trống với quyền của chủ thể mua nợ khác đối với các khoản nợ được mua. Điều này dẫn đến việc nhiều chủ thể, đặc biệt là tổ chức/cá nhân nước ngoài tỏ ra e ngại khi đàm phán mua nợ của các TCTD, làm hạn chế sự phát triển của thị trường mua bán nợ.
Mặt khác, theo ông Thắng, do khung pháp lý chưa hoàn thiện nên hoạt động mua nợ tại các TCTD, mà đặc biệt là tại các NHTM nhà nước, vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của các bộ phận chức năng khi thực hiện bán nợ. Cụ thể, trong một số trường hợp, bộ phận đề xuất, thẩm định cũng như cấp có thẩm quyền mặc dù thấy rằng việc bán nợ có hiệu quả hơn nhưng vẫn lựa chọn biện pháp khác để bảo đảm an toàn, không phải gánh chịu các phiền phức có thể phát sinh do đề xuất/quyết định với giá bán nợ thấp hơn giá trị khoản nợ.
Đáng chú ý, ngay cả khi việc mua bán khoản nợ đã diễn ra thành công, rủi ro đối với bên mua nợ vẫn còn rất lớn khi bên nợ không hợp tác. “Trong giai đoạn hành lang pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế như hiện nay, việc thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều vướng mắc pháp lý trong khi quyền và trách nhiệm của người mua, người bán nợ chưa được quy định rõ ràng”, ông Thắng nêu quan điểm và cho biết thêm: “Vì vậy, trường hợp bên nợ không có thiện chí hợp tác, con đường giải quyết tranh chấp chủ yếu sẽ phải qua tố tụng, mà trên thực tế, theo một số nghiên cứu, thời gian bình quân giải quyết tranh chấp giữa chủ nợ và con nợ tại Việt Nam qua tòa án thường mất 400 ngày, chi phí chiếm 29% giá trị khoản nợ”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC nhấn mạnh: “Xử lý nợ xấu cần tiến hành khẩn trương và quyết liệt, nợ xấu càng để lâu sẽ càng gây ra những hậu quả to lớn cho nền kinh tế. Để xử lý nhanh nợ xấu, cần đa dạng hóa các hình thức xử lý nợ trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch, hành lang pháp lý đầy đủ, có tính thực tiễn cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương”.
Theo báo Đấu thầu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy