Dòng sự kiện:
Xã miền núi gặp khó vì chồng chéo quy hoạch, dự án 'mắc kẹt'
24/07/2025 08:12:18
Xã Thanh Kỳ (tỉnh Thanh Hóa) có hàng nghìn hecta rừng trồng nhưng không có cơ sở chế biến, dự án nhà máy gỗ vừa đề xuất tiếp tục ách tắc vì quy hoạch chưa thống nhất.

Xã Thanh Kỳ được thành lập sau khi sáp nhập hai xã Thanh Kỳ và Thanh Tân cũ. Đây là xã miền núi nghèo, đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số, đời sống phụ thuộc chủ yếu vào cây rừng.

“Gia đình tôi có một hecta keo, trồng gần 5 năm mới đến kỳ thu hoạch nhưng bán cũng không được bao nhiêu. Không có nhà máy, con cháu học xong lại phải xuống thành phố làm thuê”, ông Hà Văn Tân, người dân thôn Khe Cát, chia sẻ.

Người dân Thanh Kỳ sống chủ yếu dựa vào cây keo nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp

Theo chính quyền xã, Thanh Kỳ có hàng nghìn hecta rừng trồng, song chưa có cơ sở chế biến gỗ nào hoạt động. Người dân chủ yếu bán gỗ nguyên liệu cho thương lái nên hiệu quả kinh tế thấp. “Một nhà máy chế biến sẽ giúp tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho bà con”, ông Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Dự án chiến lược “mắc kẹt” ở khâu quy hoạch

Tháng 7/2025, Công ty CP BVN Thanh Hóa đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ và các sản phẩm gỗ tại Thanh Kỳ. Dự án nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, sản xuất viên nén phục vụ điện sinh khối và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.

Doanh nghiệp cho biết đã hoàn tất khảo sát, đo đạc và thỏa thuận chuyển nhượng đất với người dân vùng dự án; đồng thời triển khai chứng chỉ rừng bền vững FSC cho gần 10.000 ha rừng trồng, trong đó khoảng 4.000 ha tại Thanh Kỳ dự kiến được cấp chứng chỉ trong tháng 7.

Ông Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Kỳ mong muốn các cấp tháo gỡ về quy hoạch để địa phương có cơ hội thu hút đầu tư

Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai do vướng mắc quy hoạch. Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, vị trí dự án là đất rừng sản xuất. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất huyện Như Thanh giai đoạn 2021 – 2030 lại xác định là đất sản xuất kinh doanh. Sự chồng chéo này khiến dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

“Chúng tôi rất mong tỉnh sớm tháo gỡ để dự án được triển khai. Đây là dự án chiến lược, không chỉ nâng giá trị kinh tế mà còn giúp ổn định sinh kế lâu dài cho người dân”, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc điều hành dự án, nói.

Chính quyền xã Thanh Kỳ cũng kỳ vọng quy hoạch sớm được điều chỉnh để tận dụng lợi thế địa phương. “Nếu để dự án đình trệ, sẽ rất lãng phí tiềm năng phát triển của địa phương”, ông Sơn bày tỏ.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến