Dòng sự kiện:
Xã thu thêm tiền đấu giá đất tạo vốn nông thôn mới có đúng quy định?
19/12/2017 10:38:33
Nhiều người dân phản ánh việc lãnh đạo xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy (Thái Bình) tự ý thu tiền các hộ đấu giá đất trúng thầu để tạo vốn xây dựng nông thôn mới khi chưa thông qua chính quyền huyện.

Phản ánh đến An ninh tiền tệ, nhiều hộ dân tại xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết, trong quá trình đấu giá các lô đất trên địa bàn, các hộ dân phải đóng cho chính quyền địa phương từ 100.000 đến 200.000 đồng/m2 góp phần vào xây dựng nông thôn mới.

Được biết, trong quá trình nhà nước đang khuyến khích các xã, phường, huyện tích cực xây dựng chương trình nông thôn mới đem lại sự ấm lo cho người dân. Hòa theo không khí như vậy, UBND xã Thụy Hà cũng là một trong những xã của huyện Thái Thụy có tiềm năng hoàn thành nông thôn mới và về đích năm 2014.

Theo tìm hiểu được biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Thụy Hà vẫn còn nợ đọng nhiều khoản tiền nên đã được sự cho phép của UBND huyện Thái Thụy bán đấu giá đất để chi trả nợ đọng.

Người dân địa phương phản ánh, trong quá trình đấu giá từ năm 2014 đến nay, ông Lê Duy Đổi, Chủ tịch UBND xã Thụy Hà đã tự ý ra “luật”: Mỗi hộ trúng đấu thầu đất thì phải đóng 100.000 đồng/m2, có lô là 200.000 đồng/m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Nếu trúng thầu lô đất mà không đóng khoản tiền trên thì người dân không được cấp sổ đỏ. Việc này đã khiến nhiều hộ dân bức xúc vì cho rằng, xã tự ý thu tiền không đúng quy định.

Ông Lê Duy Đổi, Chủ tịch UBND xã Thụy Hà.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Lâm (53 tuổi), trú thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, là người dân đấu giá trúng nhiều lô đất tại địa bàn xã Thụy Hà cho biết: “Do sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, không hiểu gì về luật đất đai và nghĩ đây là quy định của việc đấu thầu đất nên khi nghe phía chính quyền xã nói như vậy thì cứ làm theo. Sau khi các hộ dân chúng tôi tìm hiểu ra và lên hỏi về vấn đề này thì ông Đổi nói rằng đây là quy định của xã”.

Cùng trong tình cảnh tương tự, ông Dương, trú tại địa phương bức xúc: “Chúng tôi không đồng ý với quan điểm mà UBND xã Thụy Hà đưa ra vì đây là đấu giá đất chứ không phải xây dựng nông thôn mới. Nếu có phải nộp thì trên tinh thần tự nguyện chứ không được ép buộc”.

“Sau đợt chúng tôi đấu thầu thì còn nhiều đợt đấu giá tiếp theo nhưng phía UBND xã Thụy Hà lại bỏ, không thu khoản lệ phí như đã thu nữa. Cùng thời gian đó UBND huyện tổ chức đấu giá đất thuộc khu vực Trung tâm hội nghị thuộc địa phận xã Thụy Hà do huyện quản lý lại không phải nộp khoản lệ phí này”, ông Dương phản ánh.

Ông Lâm cho biết thêm, khi gia đình ông trúng lô đất đấu thầu tại khu vực thôn Trình Trại, xã Thụy Hà thì vị trưởng thôn này cùng với một số người dân đã tự ý dựng lên barie cao 1,8m, rộng 3m trái gây cản trở khó khăn trong công việc kinh doanh của gia đình ông. Tuy nhiên, nhiều tháng nay việc này vẫn tồn tại, không được phía chính quyền địa phương xử lý, gây bức xúc.

Trưởng thôn Trình Trại tự ý dựng barie không đúng quy chuẩn.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Duy Đổi, Chủ tịch UBND xã Thái Thuỵ.

Trước câu hỏi có hay không việc các hộ dân đấu giá đất thành công phải nộp số tiền là 100.000 đồng/m2, có lô nộp 200.000 đồng/m2 cho vào việc xây dựng nông thôn mới; không nộp thì không được cấp sổ đỏ, ông Đổi cho biết: “Không ai dám làm chuyện đó, vì đó là vận động chứ không phải ép buộc. Ở thời điểm giao đất là giao luôn sổ đỏ cho hộ dân. Về khoản tiền đóng góp xây dựng nông thôn mới thì từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, chính quyền đã phát động chung trong toàn xã về đường lối, chủ trương theo Nghị quyết của Đảng và các cấp”.

Ông Đổi cho biết thêm, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Thụy Hà đã có tuyên truyền chung, tổ chức hội họp với người dân về việc đóng góp. Do địa bàn xã Thụy Hà sát với trung tâm thị trấn, giá đất có giá trị tương đối cao nên xã vận động thêm khoản thu đóng góp xây dựng nông thôn mới.

“Mỗi m2 đất khi gia đình đấu giá trúng thầu thì phải đóng góp 100.000 đồng hoặc 200.000 đồng/m2 tùy lô đất. Các hộ dân khi đấu giá thì phải mua hồ sơ trước cả 1 tuần nhưng không ai có ý kiến gì về việc này. Tiền đóng này là để xây dựng nông thôn mới, từ người già đến trẻ đều phải đóng góp. Những hộ dân ở nơi khác về đây đấu giá đất trúng thầu thì phải có một đóng góp nhất định với địa phương về vấn đề này”, ông Đổi trần tình.

Khi được hỏi về việc đóng góp số tiền của các hộ dân đấu đất có được sự đồng ý của UBND huyện hay không và có buổi họp công khai với người dân không, ông Đổi nói: "Về việc đấu giá đất thì không có buổi họp nào cả, mà chỉ có chủ trương và nghị quyết của HĐND xã thôi. Cho nên, các hộ dân về đây đấu giá đất trúng thầu thì phải có đóng góp. Trong quá trình đấu đất thì các hộ dân không ai có ý kiến gì về việc này”.

"Những hộ không thu được thì có vận động người ta, những hộ cố tình không đóng góp thì phải chịu thôi", vị này nói.

Còn về việc dựng barie tại thôn Trình Trại mà người dân phản ánh, ông Đổi trả lời: “Việc dựng barie với chiều cao 1,8m là sai quy định. Phía chính quyền xã cũng đã ra văn bản, chỉ đạo xuống thôn tháo dỡ barie, hạn đến ngày 5/12 buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, trưởng thôn Trình Trại là ông Đào Thanh Sang lấy lý do nên phải lùi lại. Việc này là do trưởng thôn và người dân nhận thức không đầy đủ”.

Qua tìm hiểu, hiện ở thôn Trình Trại có nhiều hộ gia đình trúng thầu đấu giá đất, trong đó có 3 hộ kinh doanh bao gồm nhà ông Lâm, nhà ông Loan Khuông, nhà bà Thoan. Cụ thể, nhà ông Lâm chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng; nhà ông Loan Khuông mở gara, sửa chữa ô tô; nhà bà Thoan chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bà Thoan bức xúc: “Việc dựng barie cao 1,8m gây ảnh hưởng đến việc buôn bán của gia đình tôi. Cụ thể, mỗi khi nhà tôi xuất chuồng đàn lợn, chúng tôi phải lùa lợn ra mặt đường chính thì mới cho lên xe được. Điều này khiến việc kinh doanh của gia đình trở nên rất bất tiện”.

Liên hệ làm việc với UBND huyện Thái Thụy về vụ việc trên, ông Lê Văn Nghiên, Chánh văn phòng UBND huyện Thái Thụy hướng dẫn PV gặp ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thái Thụy.

Trao đổi về sự việc, ông Tuấn cho biết: “Vấn đề xã thu thêm 100.000 – 200.000 đồng/m2 đất khiến người dân không đồng tình, phía huyện cũng nắm bắt được nhưng không thấy phía xã có báo cáo lên. Chúng tôi sẽ cử người xuống tìm hiểu”.

Trung Anh – Huy Tưởng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến