Xác minh thông tin 'tinh chất' biến nước lã thành cà phê
23/12/2015 21:00:14
Ngày 22/12, trên báo Thanh Niên số 356 (7304) có đăng tải bài viết “Tinh chất” biến nước lã thành cà phê đề cập đến thông tin về việc kinh doanh hóa chất, hương liệu pha chế cà phê không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác tại chợ Kim Biên - TP. Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo triển tổ chức điều tra, xác minh thông tin báo nêu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai các biện pháp xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có).

Bên cạnh đó, Cục yêu cầu triển khai công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng phụ gia thực phẩm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Tuyên truyền để người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng ý thức được việc mua bán, sử dụng các loại hoá chất không trong danh mục phụ gia thực phẩm cho phép, hoá chất không có nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm.

Kết quả xin thông báo về Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để Cục tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm .

Thông tin trên báo Thanh niên, thực tế, “đại dịch” cà phê từ hóa chất vẫn đang hoạt động công khai tại chợ hóa chất Kim Biên (Q.5, TP.HCM). Trên đường Vạn Tượng, bên hông chợ Kim Biên, khi nghe khách hỏi cà phê pha sẵn, thanh niên mặc áo thun đỏ ngồi trước sạp hóa chất X nói không có pha sẵn nhưng có đủ hương liệu để tự pha. Nói đoạn, thanh niên này nhanh nhẹn ra dẫn xe và hướng dẫn khách vào hẳn bên trong sạp để chọn.

Bà Xuân chủ sạp giới thiệu loại bình nhựa 1 lít, gọi là “cà phê chấm”. Nhìn kỹ, đây là chai nước đen đậm đặc mùi cà phê, mà theo bà Xuân hướng dẫn, chỉ cần “chấm vài giọt” vào ly nước lã, đã có ngay ly cà phê không khác gì cà phê thật. Bên ngoài chai nhựa này có in nhãn “tinh chất cà phê” với đủ mùi: robusta, moka, Brazil… Bà Xuân cho biết mua nguyên lít giá 380.000 đồng, còn mua lẻ 50.000 đồng/chai 100 gr.

Bà nói: “Ở đây toàn bán loại nguyên chất, 1 lít pha được dăm chục lít cà phê nước. Em lấy nguyên lít cho lợi, bán từ đây đến Noel gì mà không hết. Người ta toàn mua chị thùng 12 lít, chứ vài lít nhằm nhò gì. Chỉ cần vài “chấm” (giọt) là có ly cà phê thơm lừng rồi. Mấy quán cà phê văn phòng toàn lấy loại này, hương cà phê "thật" mà lời nhiều”.

Tích tụ dần và phá hủy một số chức năng gan, dạ dày

Thông tin trên báo Thanh niên, theo Hội Hóa học TP.HCM, “tinh chất cà phê” chế biến sẵn chủ yếu làm từ hóa chất công nghiệp, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân... rất hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu sử dụng thường xuyên, sẽ tích tụ dần và phá hủy một số chức năng gan, dạ dày, tiền căn của bệnh ung thư.

BS Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Phó khoa Dinh dưỡng an toàn thực phẩm cho biết, những tinh chất tạo bọt làm hấp dẫn cho ly cà phê là sodimum, lauryl sunfate, nghiêm cấm dùng trong thực phẩm. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, đây là chất độc không được ăn, uống, hút vào cơ thể người. Nếu sử dụng sẽ gây tổn hại cho đường ruột và gan.

Treo đổi trên báo Người lao động, TS-BS Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thuộc Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết trong quá trình sản xuất, việc gia giảm thành phần để tăng khẩu vị, độ béo cho cà phê là hoàn toàn bình thường nhưng đáng ngại nhất là việc trộn những thành phần hóa học tạo đắng, tạo độ ngậy, tạo màu sắc và trộn chất kích thích gây hưng phấn để đánh lừa người sử dụng rằng sản phẩm là cà phê thật. Để biết loại cà phê đặc sệt như báo chí phản ánh độc hại hay không độc hại, không thể đánh giá được bằng cảm quan mà cần phải kiểm nghiệm các thành phần có trong sản phẩm. Hiện sản phẩm này do Bộ Công Thương quản lý.

Cũng theo BS Hùng, chất caffein có trong cà phê là một loại chất kích thích nhẹ giúp tăng cường sự tỉnh táo và tập trung. Tuy nhiên, lạm dụng cà phê để kích thích, cố gắng làm việc khi cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ có thể gây những tác động xấu cho tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo Vnmedia.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến