Xăng dầu giảm giá liên tiếp, cước vận tải nơi giảm, nơi vẫn “chờ”
Ngày 22/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty xe du lịch Tình Nghĩa cho biết, sau khi giá xăng giảm, doanh nghiệp đã điều chỉnh giá cước theo giá xăng.
Giá xăng dầu liên tục "hạ nhiệt", cước vận tải nơi giảm, nơi còn "chờ"
Cách tính giá cước của doanh nghiệp dựa theo chi phí xăng, dầu theo số km xe chạy trong từng chuyến đi, áp dụng tuỳ từng loại xe. Trung bình các xe du lịch của đơn vị chạy 100km sẽ tiêu hao khoảng 32 lít dầu, hiện nay giá dầu đã giảm được khoảng 3.000 đồng/lít, tương đương với giá cước chuyến đi dài 100km sẽ giảm hơn 90.000 đồng so với khoảng 3 tháng trước.
Theo ông Nghĩa, việc giảm giá cước vận tải trên là do công ty chủ động giảm nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Lợi thế của công ty là doanh nghiệp vận tải du lịch không cần kê khai giá cước với cơ quan quản lý nên linh hoạt trong việc tăng, giảm giá cước theo giá xăng, dầu.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, đến nay, hầu hết các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội đều đã giảm giá cước, trung bình còn 14.500 đồng/km. Cụ thể, giảm khoảng 500 đồng/km đối với đoạn đường từ Km 0 - Km 30, từ Km 31 trở đi giảm đến 1.000 đồng/km.
Thậm chí, nếu khách đi đường xa 2 chiều, chiều về giá cước còn được giảm đến 80%, đủ để chi trả tiền xăng và phí cầu đường của chiều về.
“Mức giá cước này được Hiệp hội và các doanh nghiệp taxi trên địa bàn thống nhất giảm từ tháng 8/2022 nhằm đón ngưỡng giá xăng khoảng 22.000 đồng/lít. Đến nay, giá xăng vẫn neo gần 23.000 đồng/lít, khi nào giảm xuống dưới 22.000 đồng/lít, Hiệp hội sẽ tiếp tục họp để thống nhất giảm tiếp giá cước để mang đến sự công bằng cho khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh với các hãng xe công nghệ”, ông Hùng nói và cho biết: Giá cước vận tải taxi không thể điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày như giá xăng bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước các hãng taxi tốn rất nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện là 150.000 đồng/xe.
"Chi phí lớn là một chuyện, việc điều chỉnh cũng mất thời gian vì còn cần lên phương án giá điều chỉnh, gửi đề xuất đến cơ quan quản lý, thông báo cho các phương tiện tập trung để thực hiện kiểm định đồng hồ, dán niêm yết bảng giá mới", ông Hùng cho hay.
Đại diện hãng taxi G7 cũng cho biết, khi giá xăng dầu liên tiếp giảm sâu, từ ngày 22/8, giá cước taxi của hãng đã giảm từ 5-15% cho tuỳ từng loại xe.
Từ ngày 20/8, Công ty CP Xe khách Hà Nội cũng triển khai giảm giá trên hàng loạt tuyến buýt kế cận và xe khách liên tỉnh.
Cụ thể, tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Quế Võ (Bắc Ninh) áp dụng mức giá 55.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (tương đương giảm 8,3%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bắc Giang áp dụng mức giá 85.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (5,6%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Lạng Sơn và Bến xe Mỹ Đình - Bãi Cháy (Quảng Ninh) cùng có mức giá 110.000 đồng/vé, giảm 10.000 đồng (8,3%).
Theo khảo sát, xe khách cố định tuyến Hà Nội - Sa Pa của nhà xe Sao Việt cũng giảm giá vé từ 280.000 đồng/vé xuống còn 250.000 đồng/vé.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm giá cước mà có động thái “chờ” giá xăng dầu giảm thêm và ổn định hơn. Cụ thể, cũng tuyến Hà Nội - Sa Pa, nhà xe Hà Sơn - Hải Vân vẫn giữ giá cước 260.000 đồng/vé theo giá cước tăng từ tháng 3/2022 khi giá dầu đạt ngưỡng hơn 24.000 đồng/lít, cao hơn giá dầu hiện tại chỉ hơn 1.000 đồng/lít.
Đại diện nhà xe này cho biết, đơn vị đang lên phương án mức giá mới để giảm giá cho phù hợp trong thời gian tới khi giá xăng dầu giảm và ổn định hơn.
“Giá xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành tuy nhiên giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua kết hợp với đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến vật tư của ngành vận tải tăng mạnh theo. Cho đến nay, giá xăng dầu tuy đã giảm nhưng giá các vật tư cho phương tiện thì vẫn còn tăng. Cơ sở để điều chỉnh giá cước không chỉ căn cứ vào giá xăng, dầu mà còn phụ thuộc vào giá vật tư nên doanh nghiệp cũng cần cân đối trước khi thực hiện điều chỉnh giá”, đại diện hãng xe Hà Sơn - Hải Vân cho biết thêm.
Tại Yên Bái, theo Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Yên Bái, thời điểm giá nhiên liệu tăng liên tiếp, trên địa bàn có 2 đơn vị vận tải kê khai tăng giá cước gồm một đơn vị taxi và một đơn vị vận tải khách tuyến cố định.
Từ cuối tháng 6/2022, giá xăng dầu liên tục “hạ nhiệt”, Sở GTVT Yên Bái đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải rà soát, cân đối các yếu tố đầu vào tính toán lại giá cước để có sự điều chỉnh phù hợp, đặc biệt đối với 2 đơn vị kê khai tăng giá cước trên. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị này vẫn chưa kê khai điều chỉnh giảm giá cước theo giá xăng dầu.
Tại Ninh Bình, đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT thông tin: Thời gian vừa qua, chỉ có một đơn vị vận tải trên địa bàn kê khai tăng giá cước và đến nay Sở đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở điều chỉnh theo giá xăng dầu nhưng vẫn chưa thấy thực hiện.
Tại Lào Cai, trong số hơn 10 doanh nghiệp vận tải kê khai tăng giá cước thời điểm giá xăng dầu tăng liên tiếp (chủ yếu là doanh nghiệp taxi), đến nay cũng mới chỉ có một vài đơn vị đề xuất giảm giá cước.
“Phòng Quản lý vận tải chỉ có thể nhắc nhở các doanh nghiệp rà soát, cân đối để kịp thời điều chỉnh theo giá xăng, dầu chứ không thể bắt các doanh nghiệp phải giảm giá cước. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ, giá xăng dầu đã giảm nhưng vẫn biến động bất thường, chu kỳ 10 ngày cứ kỳ tăng kỳ giảm rất khó nắm bắt. Do đó, cần có độ trễ để tính toán mức giá phù hợp với giá nhiên liệu trong thời điểm tới”, đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Lào Cai cho biết.
Thống kê của Bộ GTVT cho biết, ở lĩnh vực đường bộ, đến thời điểm hiện tại khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đ/km) tương đương từ 4,5% đến 12%; Khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26% đến 14,7%; các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.
Grab và Be vẫn neo giá cước cao, chưa điều chỉnh theo giá nhiên liệu thời điểm hiện tại
Grab, Be vẫn neo giá cước cao, chưa điều chỉnh theo giá nhiên liệu
Ghi nhận của PV, khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, loạt doanh nghiệp vận tải trong đó có các hãng xe công nghệ đồng loạt tăng giá cước để bù lỗ, song đến nay, vẫn chưa có động thái giảm giá dù giá xăng, dầu đã liên tục giảm.
Khảo sát thực tế, khoảng 17h ngày 22/9, với cung đường 4,1km từ Nguyễn Công Hoan về Phạm Hùng, trên app Grab báo giá cước Grabcar (loại xe 4 chỗ) 109.000 đồng còn app Be báo giá cước BeCar (loại xe 4 chỗ) 85.000 đồng.
Mức giá cước này không những không giảm so với thời điểm tháng 3/2022 khi Grab và Be thông báo tăng giá cước (từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng một km đối với 2km đầu tiên và từ km tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng của Grab và từ từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng đối với 2km đầu tiên, cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng; cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng của Be).
Thậm chí còn cao hơn thời điểm ngày 11/7 khi giá xăng đã dần “hạ nhiệt”. Bởi ngày 11/7, PV đặt xe cũng với cung đường trên, app Grab báo giá cước GrabCar 97.000 đồng còn app Be báo giá cước Becar 78.000 đồng.
Nhiều khách hàng bức xúc cho biết đã chuyển sang sử dụng taxi truyền thông do cước taxi công nghệ không hề có sự điều chỉnh sau khi giá xăng, dầu đã giảm sâu, thậm chí còn tăng hơn so với mức giá tăng theo công bố ở một số khung giờ và biến động liên tục.
“Điều này gây bất công với người tiêu dùng. Bởi khi giá xăng tăng, với lý do để bù đắp chi phí đã điều chỉnh cước tăng thêm, mong khách hàng đồng hành. Đến khi xăng giảm lại chậm trễ trong việc giảm tương ứng, như thế là không sòng phẳng”, chị Đoàn Linh (trú tại quận Cầu Giấy) nói.
Cần có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai lại giá cước để kiểm soát cước vận tải
Đề xuất sửa Nghị định kê khai về giá
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường.
Đối với vận tải taxi, vận tải khách tuyến cố định và xe buýt, Nhà nước yêu cầu phải kê khai giá. Các doanh nghiệp vận tải thuộc các loại hình này tự kê khai và đăng ký giá với Nhà nước.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, doanh nghiệp vận tải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự đăng ký và kê khai giá cước và thực hiện đúng giá vé đã kê khai. “Kê khai giá là việc của doanh nghiệp vận tải, nếu thấy việc kê khai bất hợp lý hoặc bán vé cao hơn giá kê khai cơ quan Nhà nước sẽ yêu cầu kê khai lại hoặc xử lý theo quy định”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, để góp phần bình ổn giá tiêu dùng, Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị doanh nghiệp vận tải rà soát, giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm giá xăng dầu.
Nói về cách kiểm soát giá cước, ông Thủy cho hay, doanh nghiệp đăng ký kê khai tăng giá cước ở thời điểm giá xăng dầu tăng cao nhất.
Vì thế, khi giá nhiên liệu giảm sâu như thời điểm hiện nay, nếu thấy giá vé bất hợp lý, sở GTVT các tỉnh, thành phố cần yêu cầu doanh nghiệp rà soát kê khai lại giá cước.
“Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai lại. Khi sửa các nghị định về kê khai giá, có thể kiến nghị bổ sung nội dung: Khi các yếu tố đầu vào hình thành giá thay đổi, nếu doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh giá, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại”, ông Thủy nói.
Tác giả: Yến Chi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- bình điện xe nâng
- Bảng giá chuyển nhà trọn gói Kiến Vàng Hà Nội
- chuyển nhà thành hưng
- Thông tin Sơn Hải Limousine Pinterest
- mã hs là gì
- Thuê dịch vụ bốc xếp tại Hà Nội uy tín
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy