Xây nhà máy 38 triệu USD chui: Phải làm rõ trách nhiệm Ban quản lý dự án
23/10/2015 16:05:58
ATTT.VN – Trả lời phóng viên, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu vi phạm thì vẫn xử phạt thật nặng…

Tin liên quan

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Ảnh: Thiên Di)

Dự án “Nâng công suất nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội” đã hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2014, tuy nhiên mới chỉ có một trong hai công trình xử lý nước thải của Công ty này được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

Còn công trình trạm xử lý nước thải 525m3/ngày đêm của Công ty URC Hà Nội mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng nay cũng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, hiện tại vẫn chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành của Tổng cục Môi trường vì lý do: Công ty URC Hà Nội chưa được cấp giấy phép xây dựng vì đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của dự án trên các lô đất dùng cho xây dựng kho tầng và bãi tập kết rác thải chung của Khu công nghiệp.

Thay vì bị xử lý vì xây dựng trạm xử lý nước thải trên lô đất dùng cho xây dựng kho tàng và bãi tập kết rác chung của cả KCN khi chưa có giấy phép xây dựng thì Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội lại đề nghị UBND Tp.Hà Nội chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Thạch Thất – Quốc Oai đã có sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND Tp.Hà Nội. Và, hiện tại Công ty CP Đầu tư và phát triển Hà Tây đã hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đề nghị UBND Tp đôn đốc, chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện để thẩm định và trình UBND Tp phê duyệt. Trên cơ sở đó, BQL các KCN và Chế xuất Hà Nội kiểm tra công trình xây dựng của Cty URC Hà Nội, xác nhận công trình trên đất  để Tổng cục Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho giai đoạn vận hành của dự án mở rộng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV ANTT.VN, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Đối với tất cả các công trình, đặc biệt là công trình mới đều phải xin phép, vì yêu cầu rất ngặt nghèo, như: công trình phải phù hợp với quy hoạch, chỉ giới đường đỏ là bao nhiêu, cốt nền bao nhiêu, xây cao bao nhiêu, tỷ lệ, diện tích dưới đất bao nhiêu…

Với công trình xử lý môi trường, chất độc hại, chất cháy nổ, thì thủ tục xin phép yêu cầu cao hơn rất nhiều, tất cả phải do thiết kết và được thẩm định thiết kế, xin được cấp phép.

Tuy vậy, hiện tượng ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung vẫn còn xây dựng không phép, trái phép, và sai phép. Hiện tượng xây dựng không phép là một loại chắc chắn là phải xin phép, loại nữa là xây dựng trái phép là người ta biết chắc chắn là không được phép nhưng vẫn làm, trường hợp này tương đối ít…

Tất cả những trường hợp xây dựng trái phép, chưa được giới thiệu đã làm, các công trình này không nhỏ đâu, sự phân công của Thanh tra Xây dựng, chính quyền địa phương đều biết hết. Nên việc này thuộc trách nhiệm quản lý địa bàn của Thanh tra, trong quy đinh rõ ràng là phải có biện pháp xử lý ngay từ đầu để tránh hậu quả sau này.

Thưa ông, nhưng dự án sai phép lại xây dựng ở trong Khu công nghiệp thì trách nhiệm tham mưu, giám sát của các cơ quan này như thế nào?

Việc đầu tiên là phải hỏi giấy phép xây dựng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về quản lý nhà nước, trách nhiệm thứ 2 là chủ đầu tư họ làm sai là chưa được cấp phép đã làm. Ban quản lý KCN được giao trách nhiệm quản lý KCN phải xây dựng theo quy hoạch, nếu còn vướng mắc gì về chính quyền hay cưỡng chế, đình chỉ… thì phải báo cho thanh tra của phường, quận đó để họ làm việc.

Hết sức chú ý 2 trường hợp, thứ nhất người ta đã làm thủ tục mà có nhiều phiền hà trong cấp phép và quá cấp bách cho nên người ta buộc phải làm, loại thứ hai là tư duy rất nặng nề, trong thời gian vừa qua là xử lý không nghiêm là cứ làm - phạt - cho tồn tại, đã có khá nhiều trường hợp trong văn bản thanh tra vẫn cho phép: phạt – cho tồn tại, cái đó là cái cực kỳ nguy hiểm và gây ra một tác động cho bản thân chủ đầu tư là phạt – cho tồn tại, có khi phạt - cho tồn tại kinh phí còn thấp hơn kinh phí lo đủ hết tất cả thủ tục để mà có phép.

Có trường hợp chủ đầu tư có thể hiểu sai hoặc có thể hiểu nhầm, có trường hợp mục đích xây dựng không phải là vụ lợi nhưng cấp bách quá rồi nên họ mới làm . Trong trường hợp này, có thể chủ đầu tư khi sản xuất cần phải xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, nếu không làm xử lý nước thải còn bị đình chỉ nhà máy còn nặng hơn chót xây dựng mà chưa làm xong... Họ thà rằng bị phạt – cho tồn tại mặc dù đang tiếp tục hoàn thiện giấy phép, chắc chắn trường hợp này họ đang làm thủ tục, giấy phép. Tư duy của chủ đầu tư đó do thể chế, kỷ luật chưa nghiêm.

Với dự án mà URC xây dựng trên đất của khu tập kết rác thải của cả KCN, quan điểm xử lý của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi cơ quan nhà nước phải kiểm tra xem công trình này còn phù hợp với quy hoạch không, có ảnh hưởng gì đến môi trường và công trình xung quanh hay không, có nên cho tồn tại hay không…

Hiện BQL các KCN và chế xuất còn đề nghị điều chỉnh hợp pháp hóa công trình của URC này trong khi công trình này xây dựng đã lâu nhưng không bị xử lý, đề xuất này có chấp nhận được không, thưa  ông?

Trước hết phải xử phạt đã, xử phạt thật nặng, và làm rõ trách nhiệm của BQL dự án và trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra nữa. Cái này chính quyền phải đứng ra đó là UBND các phường, quận, ở đó.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Di – Thủy Tiên
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến