Dòng sự kiện:
Xây sân bay 8.000 tỷ đồng ở Lai Châu, vẫn 'căn bệnh': Thích hoành tráng!
26/04/2016 14:55:56
Câu chuyện một "tỉnh nghèo” muốn xây một sân bay lớn với vốn đầu tư lên tới 8.000 tỷ đồng khiến một số chuyên gia kinh tế nghi ngại, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, đầu tư công thậm chí phải cắt giảm chứ không thể tăng như trước đây.

Tin liên quan

Tại cuộc họp trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu Nguyễn Khắc Chử đã đề cập tới việc “xin” Thủ tướng sớm cho xây dựng sân bay ở tỉnh này.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết, đây sẽ là sân bay vừa phục vụ mục đích dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng. Hiện chưa có tổng mức đầu tư cụ thể cho dự án này nhưng dự kiến sẽ vào khoảng 8.000 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 hết 4.000 tỷ đồng.

Lai Châu là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước với thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt mức 18,2 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 80% khu vực miền núi phía Bắc và bằng 40% cả nước. Câu chuyện một "tỉnh nghèo” muốn xây một sân bay lớn để thu hút thêm đầu tư cũng như để phục vụ quốc phòng ngay lập tức trở thành vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.

(Ảnh minh hoạ).

"8.000 tỷ đồng to lắm"

Trao đổi về đề xuất này, một lãnh đạo làm trong ngành hàng không từ chối bình luận về việc có nên hay không nên xây sân bay tại Lai Châu. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng: “8.000 tỷ đồng to lắm, xây sân bay Phú Quốc chưa cần tới 8.000 tỷ đồng. Theo tôi, Lai Châu không cần sân bay 8.000 tỷ đồng. 1.000 tỷ đồng là đủ làm sân bay cho máy bay A320 rồi. Cho ATR-72 lại càng đủ”.

Theo vị này, hầu hết các địa phương trong nước thích xây sân bay thật to và đắt tiền. Tuy nhiên, càng đầu tư nhiều tiền, giá phí tính trên đầu khách, trên chuyến bay càng cao, giá vé máy bay càng cao, càng... ít khách du lịch đến.

“Nói dưới góc độ sân bay dân sự thuần tuý, nên tham khảo các sân bay tư nhân ở Thái Lan (Koh Samui, Trat) để thấy tư nhân họ đầu tư sân bay thực dụng thế nào. Họ xây những sân bay rất đơn giản, ngân sách ít và hiệu quả đầu tư tốt. Mình xây sân bay to, hoành tráng cũng để làm gì đâu”, ông nói.

Một số chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ e ngại khi bàn về việc có nên xây dựng sân bay ở Lai Châu hay không, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, đầu tư công không còn nhiều vốn, thậm chí phải cắt giảm chứ không thể tăng như trước đây.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xây dựng riêng một sân bay cho Lai Châu tại thời điểm này là không cần thiết bởi ngân sách tỉnh không đủ cáng đáng trong khi ngân sách Nhà nước đang còn nhiều khó khăn. Việc xã hội hoá cũng không khả thi nếu xét về hiệu quả đầu tư lâu dài.

"Về mặt lợi ích kinh tế một sân bay tại Lai Châu có thể làm tăng hoạt động du lịch đến vùng này, nhưng chi phí bỏ ra rất lớn so với lợi ích đem lại trong ngắn hạn. Cần phân tích về lợi ích và chi phí bỏ ra để đi đến một quyết định hợp lý nhất", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: "8.000 tỷ không quá nhiều nhưng không bé chút nào. Nếu cho Lai Châu đầu tư sân bay thì lấy tiền ở đâu, tư nhân chắc chắn không được rồi mà có tư nhân muốn đầu tư thì cũng phải xem xét kĩ xem tư nhân đó là ai, còn vốn ODA cũng khó nên sẽ phải phụ thuộc vào ngân sách. Tuy nhiên, lúc này, đang rất căng thẳng về đầu tư bằng ngân sách, Lai Châu lại còn là một tỉnh nghèo phải cấp bù ngân sách chứ chưa tự chủ được".

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, việc đầu tư sân bay Lai Châu có thể tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế của tỉnh này và cả vùng. Tuy nhiên, bài toán kinh tế để sân bay Lai Châu có lãi vẫn là một thách thức, trong đó không ngoại trừ việc sẽ phải bù lỗ trong một thời gian nhất định khi đi vào vận hành.

Nên làm đường bộ cho tốt trước khi làm sân bay

Xét về quy hoạch, một chuyên gia cho rằng, Lai Châu cách Điện Biên không xa lắm, chỉ khoảng 200km theo đường bộ, hiện nay đã có sân bay Điện Biên nên việc đầu tư riêng một sân bay vào thời điểm này chưa nên tính tới.

"Nhu cầu thì ai cũng muốn, Lai Châu muốn, Cao Bằng, Lạng Sơn hay Hà Giang cũng vậy. Hiện đã có sân bay Điện Biên rồi, nếu có thêm sân bay ở Lai Châu chỉ có điểm thuận lợi là có thể bay thẳng từ Hà Nội lên Lai Châu chứ để tiếp nhận khách quốc tế là rất khó. Tuy nhiên, có mấy người đi từ Hà Nội lên Lai Châu. Bản thân Lai Châu hiện cũng không phải là tâm điểm về du lịch, đầu tư, công nghiệp...", một chuyên gia nói.

Vị chuyên gia này cũng phân tích, tuyến đường bộ từ Điện Biên sang Lai Châu hay Lào Cai sang Lai Châu hiện đã có nhưng chất lượng chưa tốt lắm. Do vậy, nếu có nhu cầu thực sự phát triển thì nên đầu tư tuyến đường từ Điện Biên sang Lai Châu hoặc Lào Cai sang Lai Châu trước khi tính tới sân bay.

"Đất nước này, cứ 200 - 300km thì cũng nên có một cái sân bay nhưng vấn đề là khi nào nên đầu tư. Như Hàn Quốc, họ làm được điều đó vì họ đã phát triển tới mức cao còn mình thì vẫn chưa cần như vậy. Muốn phát triển kinh tế, sân bay cũng không thay đường bộ được vì đường bộ còn vận chuyển hàng hoá. Hơn nữa, nếu tập trung đầu tư đường bộ vùng đó cũng vất lắm, tốt lắm rồi", ông nói thêm.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến