Xây sân bay Long Thành: Bài toán khó có thể giải được
15/11/2014 15:55:04
ANTT.VN – Trong phiên thảo luận về sân bay Long Thành tại hội trường QH chiều qua 14/11, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhận định “ bài toán khó nhưng có thể giải được”.

Tin liên quan

Theo đó, ĐB Trương Văn Vở chỉ ra một loạt các dự án cao tốc đã và đang phát triển như Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa, Phan Thiết – Lâm Đồng kết nối với TP.HCM như điểm cộng về tính khả thi của sân bay Long Thành. Ông cho rằng, bài toán ở đây là dự án tầm cỡ sử dụng quy mô lớn, sự lo ngại của ĐBQH là về khả năng nguồn lực, áp lực trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, hiệu quả đầu tư là đúng.

ĐB Vở cho rằng, bài toán này tuy khó nhưng có thể giải được với điều kiện ngay tại kỳ họp, QH thống nhất xem xét cho chủ trương lập dự án để kỳ họp sau xem xét quyết định đầu tư. Ông phát biểu: “Đừng sợ vì nợ mà không dám làm gì cả, nhất là đầu tư phát triển dài hạn, quan trọng là đảm bảo trả nợ, an ninh tài chính, tránh lãng phí nguồn lực”.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, hiện hàng không quốc tế đang bùng nổ, sắp mở của bầu trời ASEAN dẫn đến xu hướng dùng sân bay trung chuyển, nếu nước ta không có sẽ bị phụ thuộc, chưa kể sự bùng phát hàng không giá rẻ sau khi mở cửa bầu trời.

Bên cạnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải và không thể mở rộng phạm vi vì nằm giữa thành phố đông dân, không kết nối đường xá, nếu mở rộng sẽ phải làm mới hạ tầng đô thị, thay đổi cấu trúc thành phố, di dời dân. Sự quá tải của Tân Sơn Nhất không chỉ quá tải ở dưới đất mà cả trên không.

ĐB Thường đặt câu hỏi, “Nhưng tại sao lại lo lắng về Long Thành? Đâu đó có những vết gợn như dùng đất Tân Sơn Nhất làm sân golf, nợ công cao, tham nhũng còn phức tạp, chất lượng dịch vụ ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất... Nhưng không thể vì thế mà không đầu tư, không đầu tư thì không thể phát triển”.

Đại biểu QH Nguyễn Phi Thường (Ảnh: Vnexpress)

Ông Thường đề nghị Chính phủ làm rõ "3 điểm mờ". Đó là nguồn vốn bắt buộc phải đa nguồn. Đây cũng là bài toán khó nhất, trong đó trước hết là 8 tỷ USD cho giai đoạn 1, chủ yếu là ngân sách và ODA mà Chính phải bảo lãnh. Như thế khả năng trả nợ là vấn đề. Thứ hai, cân nhắc kỹ phân kỳ đầu tư. Thứ ba, phương án khai thác còn mờ nhạt về sản lượng, số lượng khách, làm thế nào thu hút khách từ các sân bay lớn trong khu vực?

Phát biểu tại cuộc họp, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, dự án đã nằm trong quy hoạch tổng thể từ 10 năm trước nhưng nay mới được đưa ra QH là quá muộn. Tại Đồng Nai, nhiều công trình thành phần đã được xây dựng xong nhưng người dân vẫn sống trong tình trạng dự án treo và điều này ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Chúng ta đánh giá cao dự án do Chính phủ trình nhưng không thể không quan tâm các ý kiến phản biện xã hội”, ĐB Quốc nói và đề nghị cần tranh thủ mời các chuyên gia, tổ chức độc lập cả trong và ngoài nước để thẩm định khách quan, để có thể trả lời tự tin các mục tiêu sẽ trở thành khả thi mà Chính phủ trình bày.

Đại biểu Trần Du Lịch " bắt buộc phải có một sân bay quốc tế thứ 2" (Ảnh: Sài Gòn giải phóng)

Còn theo ĐB Trần Du Lịch (Tp.HCM), việc thông qua chủ trương xây dựng dự án là quyết định khó khăn của QH. Nếu làm không hiệu quả trước áp lực nợ công thì không được, không làm thì quá tải Tân Sơn sau này, thấy rõ "kẹt rồi" mà không kịp làm sân bay mới, vì cũng mất 10 - 20 năm, thì có trách nhiệm với đất nước.

Là người tham gia xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Lịch dứt khoát “bắt buộc phải có một sân bay quốc tế thứ 2” và chuỗi đô thị vùng này sẽ được nối kết bởi Long Thành, giao thông đối ngoại của TP.HCM sẽ không đặt ở Tân Sơn Nhất.

Kiều Chinh (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến