Dòng sự kiện:
Xét xử côn đồ gây rối tại biển Hải Tiến: 'Nhà hàng Hưng Thịnh phòng vệ chính đáng'
10/01/2020 09:06:16
Tại phiên tòa xét xử 11 đối tượng gây rối trật tự công cộng, trong phần tranh tụng, LS Nguyễn Thị Thúy Kiều cho biết, VKS không đủ căn cứ truy tố các bị cáo của nhà hàng Hưng Thịnh I về tội Gây rối trật tự công cộng

Giải thích về điều này, LS Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc công ty luật TNHH Bắc Nam cho hay, với tư cách là người bào chữa cho 6 bị cáo thuộc nhà hàng Hưng Thịnh I, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập chứng cứ, sau phần xét hỏi công khai tại phiên tòa và căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự, thì VKS tỉnh Thanh Hóa không đủ căn cứ để truy tố các bị cáo thuộc nhà hàng Hưng Thịnh I về tội gây rối trật tự công cộng.

Xét về mặt khách quan, hành vi khách quan, người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều hình thức khác nhau (luật quy định): dùng vũ khí, hung khí, hoặc có các hành vi phá phách, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng, hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng, đập phá các công trình nơi ở công cộng…

LS Nguyễn Thị Thúy Kiều trong phần tranh tụng tại phiên tòa ngày 9/1. Ảnh: Đoàn Tân.

Trong vụ việc đánh nhau vào đêm 8/6/2019, các bị cáo của nhà hàng Hưng Thịnh I chỉ phòng vệ chính đáng trong khuôn viên nhà hàng của mình, không chạy ra đến đường 40m (đường cổng chào Hải Tiến). Vì vậy, không có việc gây rối trật tự công cộng, các bị cáo ở đây có người ngủ trong nhà hàng, có những người sợ nhóm côn đồ đến đập phá nhà hàng phải chui xuống gầm bếp trốn.  

Họ là những người bị hại, bị tấn công, nên không thể nói người ta gây rối trật tự công cộng. Vì họ không có hành vi hò hét, đánh đập, đập phá, làm mất an ninh trật tự, gây náo loạn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, quần chúng nhân dân.

Bản thân họ là những bị hại và họ bị xâm phạm giấc ngủ, tính mạng, sức khỏe và thậm chí tài sản của mình thì lại trở thành bị cáo, bị bắt tạm giam, bị khởi tố, có nguy cơ đối mặt với mức án rất là cao là điều không thể chấp nhận được.

Theo quy định pháp luật, về mặt chủ quan, chủ thể phải biết rõ hành vi của mình ảnh hưởng tới trật tự an ninh, đến lối sống lành mạnh ổn định của xã hội. Nhưng camera an ninh của nhà hàng ghi lại, khi bị nhóm côn đồ chừng 40 người mang theo mã tấu, đao, kiếm, bom xăng tự chế, xe chở kẻng, xe chở đồng người bịt mặt kín, đeo khẩu trang đằng đằng sát khí tấn công trong nhà hàng chỉ có 10 con người. Họ buộc phải chống trả để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ, trong căn nhà của họ tại thời điểm họ đang ngủ. Nên theo LS Kiều không thể kết tội họ được.

Nữ luật sư cho rằng: "Đây không thể gọi là hành vi phạm tội được, theo quy định của bộ luật hình sự họ đủ căn cứ xác nhận họ đang có hành vi là phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật. Hơn nữa, vào thời điểm bị nhóm côn đồ tấn công, nhà hàng không còn bán hàng, nên không thể gọi là nơi công công cộng được.

Bị tấn công bằng dao kiếm, mã tấu, bom xăng, họ bắt buộc cầm bát đĩa ném trả lại là hành vi phòng vệ, tự vệ chính đáng được bộ luật hình sự thừa nhận tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Phòng vệ chính đáng thì không được coi là tội phạm".

Trong cáo trạng xây dựng hồ sơ theo hướng 2 nhóm: nhóm người Tiền Thôn và nhóm người của nhà hàng Hưng Thịnh I, xô xát đánh nhau do thù hằn, mâu thuẫn hiềm khích. Điều này là không đúng, không phản ánh đúng sự thật khách quan.

Đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa ngày 9/1. Ảnh: Đoàn Tân.

Cáo trạng thể hiện rõ ràng mấu chốt, nguyên nhân của mọi vấn đề xuất phát từ việc 2 người đánh nhau là Cường Cơ và Sỹ Gấu. 2 người va chạm giao thông ngoài đường và dẫn đến đánh nhau.

Sỹ Gấu chạy vào nhà hàng Hưng Thịnh để trốn sự truy sát, nhưng bị bị cáo Huy đuổi ra do Huy hiểu nếu gây hấn với nhóm thanh niên Tiền Thôn sẽ bất lợi cho nhà hàng, người thân, bản thân của mình. Sỹ Gấu chạy ra khu vực bãi biển cách xa nhà hàng Hưng Thịnh để ẩn náu. Sự việc đã dừng ở đó rồi.

Nhưng đến nửa đêm, nhà hàng Hưng Thịnh I lại bị nhóm côn đồ này kéo đến đánh. Đây là hành vị có mục đích, động cơ rõ ràng của nhóm thanh niên Tiền Thôn, tức là xâm hại tính mạng, sức khỏe, trật tự trị an đến cùng, không chỉ 1 lần mà 2 lần. Lần sau đông quân hơn, nhiều hung khí hơn, quyết liệt hơn.

Vì vậy với sự tấn công không tương xứng như thế, thì chỉ với bát đĩa, cốc chén có sẵn trong nhà hàng của mình để phục vụ khách hàng hàng ngày, người ta đáp trả lại thì đây không được gọi là hành vi tấn công, không thể cấu thành hành tội phạm được.

Bản cáo trạng đã đánh đồng địa điểm là vỉa hè và đường nội bộ khu du lịch Hải Tiến, đánh đồng với đường 40m cổng chào Hải Tiến. Cổng chào Hải Tiến mới là địa điểm nơi xảy ra vụ án chứ không phải trước cửa nhà hàng Hưng Thịnh I trong đường nội bộ của khu du lịch Hải Tiến được.

Rõ ràng nhóm người Tiền Thôn chuẩn bị công cụ, phương tiện, hung khí nguy hiểm: tuýp, dao, kiếm, giáo, mác, gậy gộc… tập kết bãi đất trống nhà hàng Phong Lưu và kêu gọi rất nhiều người đến nhà hàng Hưng Thịnh I để gây gổ.  

Điều này thể hiện rõ tại biên bản hỏi cung bị can ngày 27/6/2019, bút lục 265 thì bị cáo Lường Hữu Hùng khai: "Khi đi gần đến nhà hàng Phong Lưu, tôi nhặt 1 con dao mác cùng nhiều người khác cũng đều cầm hung khí tuýp, mã tấu kéo nhau ra ngã tư nhà hàng Cự Bài – Sao Hải Tiến. Lúc này tôi quan sát, nhóm tôi có khoảng 3 đến 40 người đều cầm hung khí gạch đá, vỏ chai bia, bom xăng để sẵn sàng đánh nhau với nhóm nhà hàng Hưng Thịnh".

11 bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Đoàn Tân.

Như vậy, ở đây thể hiện sự quyết liệt, cố ý, tấn công đến cùng rất nguy hiểm của nhóm thanh niên Tiền Thôn khoảng 30 đên 40 người tấn công chưa đến 10 người bao gồm phụ nữ, trẻ em vị thành niên trong nhà hàng Hưng Thịnh.

Việc cầm vài chai bia, cốc chén, cài thìa, cái đũa ném lại nhóm thanh niên Tiền Thôn trong chính căn nhà nơi mình đang ngủ, đang sinh hoạt thì đây không thể coi đây là hành vi vi phạm pháp luật, không thể cấu thành tội phạm và không thể kết tội được vì những hành vi chống trả nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình.

Khi bị tấn công họ tự vệ bằng cách ném lại, cáo trạng cho rằng họ đã ra ngoài đường để lùa đuổi đánh nhau là không đúng. Bởi tất cả các camera thu lại diễn biến sự việc không có hình ảnh thể hiện những người nhà hàng Hưng Thịnh I mà chỉ ghi nhận hình ảnh con người của nhóm người Tiền Thôn. Không có hình ảnh nào của phía nhà hàng Hưng Thịnh hết. Cụ thể, trong bút lục 882, 880, 597.

Trong các camera các đối tượng nhóm thanh niên Tiền Thôn tự nhận dạng đây là tôi tên gì, cầm cái gì ký hết hồ sơ vụ án, ký hết bản ảnh cơ quan điều tra trích xuất từ camera ra.

Riêng đối với nhóm thanh niên nhà hàng Hưng Thịnh I thì không có bất cứ hình ảnh nào, và các lời khai chỉ có một vài lời, một số người nhận tội tại phiên tòa này.

Tại lời khai của người làm chứng là Trương Vũ Hồng tại bút lục 417, về phía nhà hàng Hưng Thịnh I, chị chỉ thấy có khoảng 10 thanh niên, như vậy nếu cho rằng 2 nhóm lùa đuổi đánh nhau là hết sức vô lý.

Trước đó, vào ngày 8/1, TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử vụ án Gây rồi trật tự công cộng tại biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

11 bị cáo có liên quan đến vụ ángồm: Trương Phú Huân (SN 1982), Trương Phú Hoàng (SN 1986), Trương Quốc Lưu (SN 1990); Lường Hữu Hùng (SN 1997) và Bùi Việt Chiến (SN 1992), đều trú xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa; Lê Văn Phong (SN 1996) và Nguyễn Như Hải (SN 1998), đều trú xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa; Lê Văn Tình (SN1992, trú phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn; Nguyễn Văn Hiệp (SN 1991, trú thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa; Nguyễn Xuân Huy (SN 1988) và Cao Văn Bắc (SN 1987, Chủ nhà hàng Hưng Thịnh 1, đều trú xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.

Đoàn Tân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến