Dòng sự kiện:
Xử lý nợ xấu ở Sacombank sẽ chậm khi dự án rao bán nằm trong danh sách thanh tra
21/03/2019 12:07:54
Tốc độ xử lý các tài sản xấu là điểm quan trọng nhất tại Sacombank hiện nay. Tuy vậy, theo đánh giá của một công ty chứng khoán, quá trình xử lý nợ xấu tại ngân hàng có rất ít tiến triển.

Tháng 9 năm ngoái, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo bán đấu giá tài sản là dự án khu công nghiệp Phong Phú với giá khởi điểm là 7.600 tỷ đồng. Khu công nghiệp này có quy mô 134 ha, đã đền bù được 120 ha nằm tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, trên đường Nguyễn Văn Linh, cách Quốc Lộ 1A chỉ 3,7km.

Phối cảnh dự án KCN Phong Phú

Được biết, dự án này do Công ty cổ phần KCN Phong Phú làm chủ đầu tư, đây là một công ty con của Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), một doanh nghiệp bất động sản gắn liền với ông Trầm Bê, người từng là Phó chủ tịch HĐQT của Sacombank từ năm 2012 đến 2015.

Tuy nhiên đầu năm 2012, BCCI đã chuyển nhượng hết 70% cổ phần của mình tại Phong Phú cho Công ty Đầu tư KĐT mới Sài Gòn (Saigon NIC), một doanh nghiệp khác vẫn được cho là có liên quan đến ông Trầm Bê.

Một tài liệu của BCCI năm 2008 cho biết, sau khi đền bù đất được hơn 82% dự án đã tạm dừng hoạt động để điều chỉnh quy hoạch thành khu dân cư. Dù vậy, theo một quyết định năm 2014, khu công nghiệp này được chuyển đổi thành Khu phức hợp công nghệ cao.

Từ năm 2012, từng phần diện tích được đền bù đã được Công ty Phong Phú sử dụng để thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam. Sau khi ngân hàng này sáp nhập vào Sacombank, các khoản thế chấp trên trở thành tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của nhiều doanh nghiệp và cá nhân tại Sacombank.

Cuối năm 2016, một danh sách 15 cá nhân và doanh nghiệp vay vốn tại Sacombank đã được bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng quyền tài sản hình thành từ diện tích đất tại Khu công nghiệp Phong Phú.

Trong số này, Công ty BĐS Mười Đây, Công ty Cổ phần Long V là chủ đầu tư một phần diện tích KCN Đức Hòa III, Long An trị giá gần 10.000 tỷ đồng mà Sacombank mới bán thành công hồi đầu năm. Đây cũng là một tài sản liên quan đến ông Trầm Bê, phát sinh sau khi ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank.

Tuy nhiên, báo cáo của Sacombank cho biết ngân hàng chỉ nhận 920 tỷ đồng tiền đặt cọc và 8.280 tỷ đồng còn lại, bên mua tài sản trên được cho phép thanh toán chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm là 7,5%/năm.

Công ty “may mắn” mua được khối tài sản này không được tiết lộ, nhưng được biết Công ty Cổ phần Him Lam được thuê làm dịch vụ đối với tài sản này. Theo đó, vào tháng 3/2018, Him Lam đã đề xuất điều chỉnh công năng các khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III từ đất công nghiệp sang đất khu dân cư.

Him Lam là công ty bất động sản gắn liền với tên tuổi của ông Dương Công Minh, người đã rời ngân hàng Bưu điện Liên Việt để trở thành chủ tịch của Sacombank và dẫn dắt quá trình tái cấu trúc ngân hàng này từ giữa năm 2017.

Mấy năm trở lại đây, các khoản nợ xấu của Sacombank tăng nhanh sau khi ngân hàng này hợp nhất thêm Ngân hàng Phương Nam của ông Trầm Bê năm 2015. Thời gian gần đây, Sacombank đã liên tục rao bán các tài sản đảm bảo là bất động sản có liên quan đến ông Bê, người từng là Phó chủ tịch HĐQT của Sacombank trước khi dính vào vòng lao lý.

Tuy nhiên, quá trình đấu giá tài sản này của Sacombank gặp nhiều khó khăn. Mới đây UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án Khu công nghiệp Phong Phú. Đồng thời, dự án đứng trước nguy cơ tạm ngưng tổ chức bán đấu giá trong thời gian thanh tra, xử lý vụ việc.

Với việc được cho phép áp dụng một chính sách hạch toán dự phòng dựa theo năng lực thực tế, hiệu quả hoạt động thông qua con số lợi nhuận hàng năm của Sacombank trở nên khó dự báo.

Thay vào đó, tốc độ xử lý các tài sản xấu là điểm quan trọng nhất tại Sacombank hiện nay. Tuy vậy, theo đánh giá của một công ty chứng khoán, quá trình xử lý nợ xấu tại ngân hàng có rất ít tiến triển. "Tại thời điểm cuối tháng 6/2018, giá trị gộp của các tài sản xấu là 80,68 nghìn tỷ đồng", báo cáo phân tích Sacombank viết. Con số này tương đương khoảng 20% tổng tài sản của ngân hàng.

Khối tài sản xấu này bao gồm các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, các khoản phải thu hình thành từ việc bán tài sản bảo đảm với điều khoản trả chậm, lãi và phí dự thu...So với thời điểm cuối năm 2016, quy mô tài sản xấu tăng khoảng 10%. Riêng lãi dự thu của Sacombank tính đến giữa năm 2018 là hơn 20 nghìn tỷ đồng. Phần lớn trong số này được khoanh lại và phân bổ vào chi phí hoạt động của ngân hàng theo năng lực tài chính với thời hạn tối đa là 10 năm.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cần lưu ý rằng, lãi dự thu bản chất là không có tài sản đảm bảo và khả năng thu hồi là rất thấp. Vì vậy, khi các khoản lãi dự thu đáo hạn mà không thu được có thể trở thành khoản lỗ tối thiểu mà ngân hàng phải chịu. 

 

Mai An 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến