Tin liên quan
VPBank - Chủ sở hữu Tòa nhà số 05 Điện Biên Phủ
Thu hồi nợ chưa hiệu quả
Xem xét hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các NHTM đưa ra tại hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm” do Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Thông tin từ NHNN cho biết, trong 4 năm qua, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2012: 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013: 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014: 143,55 nghìn tỷ đồng; năm 2015: 186,89 nghìn tỷ đồng), trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý chiếm 55,4%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%.
Theo Phó Thống đốc NHNN - Nguyễn Kim Anh, ngoài các giải pháp bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp… xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu vì hơn 90% khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, biện pháp xử lý tài sản bảo đảm (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả chỉ đạt khoảng 13,91 nghìn tỷ đồng, cho thấy việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, bản chất kinh tế của quyền xử lý tài sản bảo đảm tại NHTM là quyền đối với tài sản bảo đảm nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra. Những quy định pháp lý mang tính đặc thù về quyền và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất đai nói riêng, bất động sản (BĐS) nói chung cũng như hệ thống quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của TCTD khiến việc xử lý tài sản bảo đảm của TCTD gặp không ít khó khăn.
Thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm của hệ thống TCTD thời gian qua cho thấy còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của TCTD nhận bảo đảm. "Các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, có những khoảng trống đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan", Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Cần hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch
Do những quy định pháp luật chưa chặt chẽ nên nhiều “con nợ” của các NHTM bỗng chốc biến thành “chủ nợ”, nhất quyết không rời các tài sản bảo đảm khiến cho việc thi hành, cưỡng chế thu hồi nợ của nhiều ngân hàng gặp không ít khó khăn. Ông Thiệu Ánh Dương, TGĐ Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản - Techcombank chia sẻ: Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm gặp khó khăn hơn do chính quyền địa phương không đồng thuận. Và đến nay, hàng trăm tài sản bảo đảm nằm phơi sương mà TCTD không làm gì được. Ông Dương dẫn chứng, tháng 10/2016, Techcombank đã tiến hành thu giữ một tài sản bảo đảm tại Hà Nội của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày. Mặc dù ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; Hoặc yêu cầu TCTD không được thực hiện việc thu giữ; Thậm chí yêu cầu TCTD ra khỏi địa điểm có tài sản và nhiều trường hợp yêu cầu TCTD trả lại tài sản bảo đảm đã thu giữ xong.
Trường hợp gần đây nhất là của VPBank trong việc thu giữ tài sản bảo đảm tại số 5 Điện Biên Phủ - Hà Nội cũng là ví dụ điển hình cho việc khó khăn trong thu hồi nợ thông qua xử lý tài sản bảo đảm. Mặc dù Công ty ATS đã ký các biên bản bàn giao tài sản đã gán nợ cho VPBank theo quy định pháp luật và bất động sản tại số 5 Điện Biên Phủ đã được đăng ký sang tên cho VPBank vào ngày 24/8/2016 nhưng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm vẫn gặp những trở ngại từ phía bên vay nợ.
Ông Nguyễn Thành Long - Phó Tổng giám đốc VPBank cho hay, quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các NHTM thực sự gặp rất nhiều khó khăn bởi sự không hợp tác của khách hàng. Với trường hợp ATS, chúng tôi mất rất nhiều năm không thu được một đồng nợ lãi và gốc nào, ngay cả khi phải đưa ra tòa, có bản án của tòa và có biên bản bàn giao nhưng công ty vẫn vi phạm thỏa thuận, đi ngược phán quyết của tòa. Thậm chí sau khi có công văn của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội khẳng định không có cơ sở xem xét lại vụ việc, trên cơ sở đó ngân hàng đã được UBND TP. Hà Nội sang tên tài sản thì công ty vẫn tiếp tục kiện cáo và xuyên tạc sự việc, gây cản trở quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng.
"Ngân hàng chúng tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, sẵn sàng miễn, giảm lãi và hỗ trợ bằng nhiều phương thức khác nhau để các doanh nghiệp được vay vốn, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp như Công ty ATS lại đang lợi dụng chính sách của Nhà nước và các TCTD để trục lợi, cố tình dây dưa, kéo dài việc xử lý nợ xấu" - ông Long bày tỏ.
Từ những thực tế đang diễn ra, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và các NHTM cho rằng, việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận. Thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ tài sản bảo đảm. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh.
Thùy Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy