Xuân Mai (XMC): Lợi nhuận sụt giảm, vay nợ tăng cao
01/09/2016 09:46:42
ANTT.VN – Kết quả kinh doanh của XMC bị ảnh hưởng lớn bởi chi phí tài chính, tuy nhiên dường như điều này không làm Chủ tịch Bùi Khắc Sơn cùng các cộng sự lo lắng nhiều.

Tin liên quan

XMC nhận chuyển nhượng, phát triển 3 khối nhà A,B,C trong khu đô thị Dương Nội từ Tập đoàn Nam Cường.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (XMC) vừa công bố BCTC soát xét bán niên 2016. Theo đó, lợi nhuận sau thuế (hợp nhất) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2 tỷ đồng, bằng 1/3 cùng kỳ và bằng 3% kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty đã đặt ra hồi tháng Tư (73 tỷ đồng). 

Trong nửa đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của XMC đạt 698 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận từ mảng hoạt động chính của XMC tăng 58% so với 6 tháng đầu năm 2015, đạt 120,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên vay nợ quá lớn khiến chi phí lãi vay trong kỳ lên tới 46 tỷ đồng, góp phần ‘bào mòn’ lợi nhuận của XMC. 

Chi phí lãi vay tăng cao góp phần quan trọng khiến LNST XMC giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: BCTC bán niên hợp nhất soát xét XMC

Dư nợ ngắn và dài hạn ngân hàng tính tới 30/6/2016 ở mức 1.515 tỷ đồng, gấp 5,1 lần vốn góp chủ sở hữu (300 tỷ đồng). 

Quá lệ thuộc vào đòn bẩy tài chính khiến tỉ lệ thanh khoản nhanh (tài sản ngắn hạn trừ hàng tồn kho trên nợ ngắn hạn) trong nửa đầu năm 2016 chỉ đạt 36,8%, đe dọa khả năng thanh toán của doanh nghiệp nếu có rủi ro xảy tới. 

Phần lớn khoản nợ và vay của XMC đến từ công ty mẹ (1.434/1.515 tỷ đồng), trong đó rất có thể một lượng không nhỏ được quay trở lại đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, khiến đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ vượt xa vốn chủ sở hữu (528/ 364 tỷ đồng), cũng là một nguy cơ gây mất an toàn tài chính đối với XMC.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) tiếp tục là chủ nợ lớn nhất của XMC, mặc dù dư nợ đã giảm 60 tỷ đồng trong kỳ, tuy nhiên vẫn ở mức 1.017 tỷ đồng thời điểm 30/06/2016, chiếm hơn 2/3 vay nợ ngân hàng của XMC.

Ngân hàng Liên Việt là chủ nợ chính của XMC. Nguồn: BCTC bán niên hợp nhất soát xét 2016 XMC

Luật Các Tổ chức Tín dụng 2010 quy định ngân hàng không được cho một doanh nghiệp vay quá 15% vốn tự có của mình. Công thức tính vốn tự có của một tổ chức tín dụng khá rắc rối, tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp thường xấp xỉ vốn chủ sở hữu.

Với vốn chủ sở hữu tới cuối quý I/2016 đạt 7.482 tỷ đồng, Liên Việt đã giành ra tới 13,6% vốn chủ sở hữu để cho XMC vay. Nhiều ý kiến có thể ngạc nhiên với con số trên, trong bối cảnh cho vay đầu tư bất động sản đang được các ngân hàng thắt chặt và cẩn trọng hơn bao giờ hết. Đây quả là một sự ưu ái hiếm có, nhất là đối với một công ty có lợi nhuận các năm qua không mấy nổi bật như XMC.

Những kẽ hở trong luật pháp Việt Nam hiện nay biến vay nợ ngân hàng trở thành một ‘vách chắn’ thuế thu nhập doanh nghiệp. Giả dụ doanh nghiệp vay ngân hàng 100 tỷ đồng, với thuế suất thuế TNDN là 20% và lãi ngân hàng là 10%, thì khoản vay này sẽ giúp DN ‘lách’ được khoản thuế 2 tỷ đồng.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Bộ Tài chính cuối năm ngoái, trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế, đã đề xuất quy định đối với doanh nghiệp có vốn vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (tức tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 5:1) đối với lĩnh vực sản xuất; vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu ( tỷ lệ 4:1) đối với các lĩnh vực còn lại, thì khoản lãi tương ứng số nợ vượt quá tỉ lệ trên sẽ không được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mặc dù những đề xuất trên cuối cùng không được Quốc hội thông qua, tuy nhiên đây vẫn được được đánh giá là một bước đi đúng hướng của Bộ Tài chính trong nỗ lực chống lách, trốn thuế, cũng như lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, vốn chưa bao giờ mang lại cảm giác an toàn trong thời gian qua.

Quay trở lại với XMC, Nghị quyết ĐHĐCĐ hồi tháng Tư đã chấp nhận phương án phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2016. 

Tuy nhiên, với việc LPB bị giới hạn tỉ lệ cho vay, sẽ không dễ dàng để XMC huy động được số tiền khổng lồ trên. Mà có khi đây là lại điều tốt đối với các cổ đông nhỏ lẻ của, bởi nếu phát hành thành công, tổng số vay nợ của XMC sẽ lên tới hơn 2.500 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn góp chủ sở hữu (300 tỷ đồng). Lúc này, nếu thị trường có biến động lớn, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra với cựu thành viên Vinaconex.

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến