Xuất hiện 'bút phê lạ' trong vụ mua tàu cũ của Trung Quốc
16/02/2016 16:08:47
Trong văn bản cấp dưới gửi lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc có bút phê "nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc", trong khi trước đó, lãnh đạo của Tổng công ty này khẳng định không hề biết đến chủ trương này.

Tin liên quan

Như Dân Việt đã thông tin, liên quan đến vụ việc nghiên cứu mua 160 toa xe chở hàng cũ của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã miễn nhiệm người đại diện vốn của Tổng Công ty tại Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp.

Ông Hiệp cũng đã bị cho thôi giữ chức Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội để điều động, bố trí làm Phó Ban Vận tải Tổng Công ty.

Trả lời báo chí về đề xuất mua toa tàu cũ của Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết:

"Tổng Công ty chưa có chủ trương và chúng tôi cũng không bao giờ đồng ý chủ trương nếu có đề xuất như vậy. Với tư cách Chủ tịch HĐTV, tôi xin khẳng định tôi chưa bao giờ có chủ trương cho phép hay đồng ý cho mua nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng".

Thế nhưng, tại văn bản 399/TTr-KHKD ngày 15.10.2014 gửi ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV và ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại xuất hiện "bút phê lạ" về chủ trương mua toa xe cũ.

Cụ thể, đây là văn bản của Ban Kế hoạch Kinh doanh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc tại bút phê văn bản 229/ĐS-QTCN ngày 29.8.2014 về việc mua toa xe đã sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc.

Trong văn bản này, Ban Kế hoạch kinh doanh đề nghị Tổng Công ty thành lập đoàn khảo sát thực tế để đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng toa xe đủ tiêu chuẩn kỹ thuật có thể mua và mức giá sơ bộ để tập hợp báo cáo về việc đầu tư cụ thể.

Ban cũng đã đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Tổng Công ty là chủ đầu tư, khi đó các Ban của Tổng Công ty sẽ tham mưu triển khai lập dự án và thực hiện đầu tư.

Phương án 2: Do từ năm 2015 các công ty vận tải trở thành đơn vị hạch toán độc lạp nên giao Công ty khách Hà Nội làm chủ đầu tư.

Nguồn vốn thực hiện được đề xuất là vốn khấu hao tài sản cố định khối vận tải và vốn vay ngân hàng. Đồng thời kêu gọi hợp tác đầu tư.

Ban Kế hoạch kinh doanh cho biết có Công ty Ratraco đăng ký mua 100 toa xe (50 toa xe thành thấp N31 và 50 xe xitéc G30).

Bút phê chỉ đạo đã được ghi bên lề trái của văn bản kể trên. Nội dung: "Kính chuyển Tổng Giám đốc. Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai. 16.10.2014".

Sau khi vụ việc đề xuất mua toa tàu cũ của Trung Quốc được báo chí đăng tải, ngày 3.2 vừa qua, ông Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT (nay là Bí thư Thành ủy TPHCM) đã có văn bản yêu cầu cách chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp.

Chỉ sau một ngày, HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã họp và yêu cầu điều động ông Nguyễn Viết Hiệp làm Phó ban Vận tải Đường sắt.

Trong văn bản gửi đến các cơ quan báo chí, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng việc đầu tư nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng mới dừng ở bước khảo sát, nghiên cứu.

Nhưng với nội dung bút phê như trên, không lẽ chỉ một mình ông Nguyễn Viết Hiệp chịu trách nhiệm trong vụ việc này? Sau Bộ trưởng Thăng, ai sẽ là người truy vấn trách nhiệm của lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam?

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

"Tổng Công ty chưa có chủ trương và chúng tôi cũng không bao giờ đồng ý chủ trương nếu có đề xuất như vậy. Với tư cách Chủ tịch HĐTV, tôi xin khẳng định tôi chưa bao giờ có chủ trương cho phép hay đồng ý cho mua nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng".

Ông Trần Ngọc Thành – chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam

Theo Dân Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến