Dòng sự kiện:
Xuất hiện hình ảnh nước mắm, tương ớt Masan bị ném vào sọt rác
14/03/2019 08:38:49
"Chúng ta hãy tẩy chay sản phẩm nước mắm công nghiệp vì chiêu trò bắt tay nhau dìm hàng nước mắm truyền thống..."

Những lời kêu gọi : "Chúng ta hãy tẩy chay sản phẩm nước mắm công nghiệp vì chiêu trò bắt tay nhau dìm hàng nước mắm truyền thống..." đang lan tràn trên mạng như một cách người tiêu dùng dạy cho các doanh nghiệp lớn bài học về việc cạnh tranh không lành mạnh.

Những ngày vừa qua, dư luận rất quan tâm và bất bình trước sự việc có một chiến dịch bội nhọ nước mắm truyền thống. Nhiều đồn đoán cho rằng Masan (đang sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Chinsu, Nam Ngư, mỳ ăn liền Omachi, Vinacafe, Wake-up, bia Sư tử trắng) chính là tác giả của sự việc kể trên.

Nhiều người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của Masan.

Dù đại diện của Masan đã lên tiếng khẳng định công ty không đứng đằng sau chiến dịch này, nhưng không vì thế nghi ngờ của người dân bớt lắng xuống. Thậm chí những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những hình ảnh nước mắm, tương ớt Masan bị ném vào sọt rác như một cách bày tỏ sự phản đối thương hiệu này.

Nhiều người cho rằng, những sản phẩm của Masan như Nam Ngư, Chinsu thậm chí không phải là nước mắm, nó chỉ là nước chấm vì đã pha các thành phần hoá học.

"Hãy trả lại cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, nước mắm là nước mắm thật, không phải là nước pha hoá chất..." - một người tiêu dùng cho biết.

Thực tế cho thấy, đây không phải là lần duy nhất Masan vướng nghi án nhúng tay vào chiến dịch 'truyền thông bẩn' nhằm vào nước mắm truyền thống.

Còn nhớ những ngày cuối tháng 9/2016, người tiêu dùng cả nước hoang mang trước thông tin "nước mắm truyền thống có lượng đạm càng cao thì càng chứa nhiều thạch tín". Thông tin này được chính Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khẳng định khiến người tiêu dùng càng thêm phần lo sợ.

Giai đoạn đó, các thương hiệu nước mắm truyền thống lao đao vì niềm tin nơi người tiêu dùng bị suy giảm, nhiều siêu thị thậm chí dừng bán nước mắm truyền thống...

Giữa cơn bão tẩy chay nước mắm truyền thống của khách hàng lẫn các siêu thị, 2 thương hiệu nước mắm của Masan là Chinsu và Nam Ngư lập tức được quảng cáo rộng rãi với thông điệp: "Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn". Đồng thời, quảng cáo cũng cho biết, từ năm 2011, theo Quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm Chin-Su, Nam ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín (Arsen).

Nước mắm truyền thống từng bị một phen lao đao năm 2016 khi có thông tin nước mắm có hàm lượng đạm càng cao thì càng chứa nhiều thạch tín.

Trước sự việc này, nhiều người nhận định có dấu hiệu câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông. Việc này nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia.

Sau tất cả, cuối cùng nước mắm truyền thống cũng được minh oan khi cơ quan chức năng vào cuộc và cho biết hàm lượng asen hữu cơ là vô hại. Tuy nhiên, những hậu quả để lại với nước mắm truyền thống vẫn là rất lớn.

Nhắc lại sự việc này để biết rằng “Một “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đã từng diễn ra. Chúng ta là người tiêu dùng không nên để bị “dắt mũi” theo những chiêu trò truyền thông bẩn...

Người tiêu dùng ngày càng thông thái, đã từng bước nhận ra chiêu trò của các doanh nghiệp lớn.

Ngay lúc này, những lời kêu gọi : "Chúng ta hãy tẩy chay những sản phẩm nước mắm công nghiệp vì chiêu trò bắt tay nhau dìm hàng nước mắm truyền thống..." vẫn đang ngập tràn trên các trang mạng xã hội. Hành động này có thể xem là cách để người tiêu dùng dạy cho các doanh nghiệp một bài học về cái giả phải trả của sự cạnh tranh không lành mạnh.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến