PV: Tính đến ngày 2/4/2024, trên toàn quốc đã có 15.931/15.935 cửa hàng xăng dầu xuất hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Ông đánh giá thế nào về sự quyết liệt vào cuộc của ngành Thuế, cùng với các cơ quan liên quan để đạt được kết quả trên?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, tôi cho rằng việc quyết định buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cửa hàng xăng dầu phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế là việc làm cần thiết và đã có những hiệu quả rất tốt cho việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bởi vì, khi xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan Thuế sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch rõ ràng; công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng thời cũng đảm bảo về giám sát chất lượng, hoạt động kinh doanh xăng dầu một cách hiệu quả nhất. Từ đó, làm cho thị trường xăng dầu đi vào một bước phát triển mới ổn định và cạnh tranh hơn.
Việc các cây xăng dầu phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng sẽ giúp người tiêu dùng được mua giá hợp lý. Ảnh: TL.
Tuy nhiên, khi Chính phủ và cơ quan quản lý lúc đầu đưa quyết định này thì rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phản ứng, nêu lý do không đủ điều kiện và cần có thời gian… Nhưng với sự chuẩn bị của cơ quan quản lý, cùng với sự quyết tâm của Chính phủ thì đến thời điểm này, gần 100% các doanh nghiệp đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng.
Theo tôi, cách triển khai trong thời gian qua cũng là bài học kinh nghiệm quý. Một là cho doanh nghiệp thời gian để chuẩn bị; thứ hai quan trọng hơn là chỉ cho doanh nghiệp thấy có những loại công nghệ để họ có thể ứng dụng được với chi phí phù hợp; thứ ba, mức độ quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, cũng như kết nối với cơ quan thuế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PV: Theo ông, việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu sẽ mang lại lợi ích gì đối với người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, việc xuất hóa đơn từng lần bán hàng trước hết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi giao dịch với các doanh nghiệp. Người tiêu dùng được mua giá hợp lý, vì lúc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng sẽ công khai, minh bạch đầu ra. Cho nên người tiêu dùng mua bán sòng phẳng theo giá thị trường.
Đồng thời, cơ quan quản lý cũng dễ dàng kiểm soát được khối lượng nhập vào, bán ra của doanh nghiệp, tránh hiện tượng gian lận. Qua đó, người đi mua xăng dầu cũng được đảm bảo cả về mặt chất lượng, số lượng và giá cả phù hợp với thị trường.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch rõ ràng giữa các bên và các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau một cách sòng phẳng. Từ đó, nếu doanh nghiệp mua vào giá nào và có cạnh tranh hay không thì sẽ rõ ràng. Như vậy, việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, cũng như kết nối với cơ quan Thuế sẽ cơ bản thay đổi cơ chế quản lý của thị trường xăng dầu.
PV: Để các cửa hàng xăng dầu thực hiện nghiêm việc xuất hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục giám sát hoạt động này ra sao, thưa ông?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, cơ quan quản lý toàn diện là ngành Công thương cần thực hiện việc kiểm tra giám sát thường xuyên, cũng như đột xuất đối với từng cây xăng để việc đo đếm, tính hoá đơn đầy đủ, liên tục, không bị ngắt quãng thì lúc đó hoạt động xuất hóa đơn đơn điện tử từng lần bán, cũng như việc kết nối với cơ quan thuế mới hiệu quả.
Nếu không kiểm tra thường xuyên, lúc có, lúc không hay lúc gắt, lúc mở thì nó cũng bằng không. Do đó, kiểm tra, giám sát thường xuyên là giải pháp rất quan trọng.
Còn đối với cơ quan Thuế là đơn vị được kết nối một cách liên tục với hóa đơn điện tử, nên nếu như có trường hợp một cây xăng, doanh nghiệp nào ngắt kết nối thì phải có giải trình, kiểm tra sâu sát, tránh hiện tượng gian dối không thực hiện kết nối một cách đầy đủ với cơ quan Thuế, đây cũng là việc cơ quan thuế cần phải làm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường xăng dầu PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, việc cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan Thuế đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng và bình đẳng. Doanh nghiệp xăng dầu mua về bao nhiêu, bán đi bao nhiêu rất rõ và vì thế chất lượng xăng dầu có thể quản lý được. Đây là một giải pháp đúng đắn để nâng tầm quản lý thị trường xăng dầu. |
Tác giả: Đức Việt (Thực hiện)