Dòng sự kiện:
Xuất khẩu gạo sau khi 'bật lò xo'
25/06/2020 18:15:18
Sau khi 'nén' một tháng, xuất khẩu gạo bật rất mạnh cùng lực đẩy của bối cảnh…

Nguồn cung tăng khi ĐBSCL đang thu hoạch vụ Hè Thu (ảnh minh họa)

Bối cảnh gắn với đại dịch Covid-19. Dịch bùng phát buộc các nước tăng dự trữ lương thực, nhu cầu gạo tăng đột biến, giá gạo xuất khẩu cũng tăng cao.

Việt Nam đón những tác động đó, bằng kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 6/2020 ước đạt 408.914 tấn, trị giá 206,705 triệu USD, so với tháng 5/2020 giảm 57,13% về lượng và giảm 58,03% về trị giá. So với tháng 6/2019 giảm 31,75% về lượng và giảm 22,12% về trị giá.

Tuy nhiên, cộng dồn 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 3,49 triệu tấn gạo, với 1,7 tỷ USD, so với tháng 6/2019 chỉ tăng 1,54% về lượng nhưng tăng đến 17,12% về trị giá nhờ giá gạo xuất khẩu tăng.

Ước giá gạo xuất khẩu tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 487 USD/tấn.

Trước khi có ước tính tháng 6 và 6 tháng, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có một tháng đặc biệt.

Tháng 5 “bật lò xo”

Sau hơn một tháng tạm ngưng xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại từ ngày 01/5/2020. Nhờ vậy, riêng tháng này xuất khẩu gạo tăng rất mạnh.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2020, xuất khẩu gạo đạt gần 953.950 tấn, tương đương 492,54 triệu USD, tăng 87% về lượng và 93,6% về kim ngạch so với tháng 4/2020. Tính chung, tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 3,09 triệu tấn, thu về gần 1,5 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và 26,8% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2019.

Theo chuyên gia phân tích, sở dĩ khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 5/2020 tăng đột biến là do việc dừng xuất khẩu gạo trong hơn một tháng trước đó đã khiến lượng hàng lẽ ra phải giao cho đối tác bị ùn ứ. Chính vì vậy, ngay sau khi Chính phủ mở cửa cho xuất khẩu bình thường, doanh nghiệp đã đẩy mạnh giao hàng, giúp khối lượng xuất khẩu tăng mạnh.

Vừa qua, trong phiên đấu thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo theo cơ chế liên Chính phủ (G2G) của Philippines, do Công ty Philippine International Trading Corporation (PITC) đại diện Chính phủ Philippines mở thầu, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) đại diện Chính phủ Việt Nam tham dự đã lấy được hợp đồng cung cấp 60.000 tấn gạo loại 25% tấm với giá 497,3 USD/tấn (giá CIF, giao tại kho của nước nhập khẩu).

Nguồn cung Hè Thu gây sức ép giá

Trong 5 tháng đầu năm 2020, Philippines tiếp tục là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam, tăng 22,4% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch và tăng 15,5% về giá so với 5 tháng đầu năm trước, đạt 1,3 triệu tấn, tương đương 598,61 triệu USD, giá 459,6 USD/tấn, chiếm 41,1% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 39,9% trong tổng kim ngạch.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2, đạt 429.261 tấn, tương đương 257,37 triệu USD, giá trung bình 599,6 USD/tấn, chiếm gần 13,9% trong tổng lượng và chiếm gần 17,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng 92,4% về lượng, tăng 131,2% về kim ngạch và tăng 20% về giá so với cùng kỳ.

Xuất khẩu sang Malaysia giảm 8,9% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,3% về kim ngạch so với cùng kỳ, xuống đứng thứ 3 thị trường, với 292.408 tấn, tương đương 124,51 triệu USD, chiếm gần 9,5% trong tổng lượng và chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng 11,2%, đạt 425,8 USD/tấn.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó tăng cao ở một số thị trường như: Senegal mặc dù chỉ đạt 28.435 tấn, tương đương 9,73 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng đột biến gấp 26 lần về lượng và gấp 18,3 lần về kim ngạch.

Tuy nhiên, hiện nay khu vực ĐBSCL đang thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Nguồn cung ngày càng tăng đang gây sức ép lên giá gạo Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 4/6 giá gạo 5% tấm đã chạm mức cao nhất của 8 năm là 475 USD/tấn, nhưng đến ngày 22/6 đã giảm còn 458 - 462 USD/tấn. Gạo 25% tấm còn 446 - 450 USD/tấn.

Còn theo AgroMonitor, từ cuối tuần trước đến nay, khi giá lúa có dấu hiệu sụt cộng với việc thương lái “đè” giá lúa mua vào, nên giá lúa trên thị trường giảm khoảng 400 - 500 đ/kg, tùy loại.

Mặt khác, giá lúa giảm là do thời tiết mưa nhiều khiến chất lượng lúa Hè Thu giảm, xay ra hạt gạo bị đen và tỷ lệ thu hồi thấp. Do đó, một số thương lái đặt cọc lúa OM 5451 và IR 50404 giá 5.400 - 5.500 đ/kg khoảng 2 tuần trước nay bỏ cọc nhiều.

“Thời điểm cuối tháng 6, giá lúa OM 5451 và IR 50404 giảm mạnh do giá gạo giảm và chất lượng gạo xấu. Ngày 22/6, thương lái ‘đè’ giá lúa OM 5451 xuống 400 - 500đ/kg so với giá lúa đặt cọc hồi đầu tháng 6”, đại diện AgroMonitor cho biết.

Đầu tuần này giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm IR 50404 giảm so với cuối tuần qua nhu cầu thu mua của các nhà kho yếu.

Cụ thể, tại An Giang giá gạo nguyên liệu IR 50404 hè thu 7.400 đồng/kg (giảm 250 đồng/kg so với ngày 20/6/2020), loại gạo thành phẩm IR 50404 Hè Thu 8.900 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg).

Theo một thương nhân ở TP.HCM, trong tháng 6 ngoài hợp đồng G2G của Philippines thì trên thị trường thương mại khá trầm lắng do bên mua không có tiền cho dù có nhu cầu. Ngay cả Philippines mua gạo theo hợp đồng Chính phủ nhưng vẫn thiếu tiền.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ước sản xuất lúa trên cả nước là 20,2 triệu tấn, đạt 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng lúa này giúp bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước mà còn dôi ra phục vụ xuất khẩu.

Năm 2020, Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu 6,7 - 7 triệu tấn.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến