Có tới 70% lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn theo hình thức tiểu ngạch (còn gọi là trao đổi cư dân biên giới). Mặc dù không có nhiều thủ tục phức tạp nhưng hình thức xuất khẩu này tiềm ẩn nhiều rủi ro như tắc biên, bị đối tác phía Trung Quốc ép giá, thậm chí hủy đơn hàng...
Xuất khẩu nông sản được hưởng mức thuế 0%, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam lại gặp khó khăn khi quyết hình thức xuất khẩu vì phụ thuộc nhiều vào đối tác phía Trung Quốc. Theo quy định của phía bạn, doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng thuế nếu nhập khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, vì vậy hình thức trao đổi cư dân biên giới vẫn được 2 bên ưu tiên áp dụng.
Xuất khẩu tiểu ngạch thường được doanh nghiệp hai bên lựa chọn, bởi không yêu cầu khắt khe về bao bì, nguồn gốc xuất xứ và chủng loại nông sản cũng đa dạng hơn.
Ông Đinh Văn Thái, Chủ hộ kinh doanh nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặt hàng nông sản của doanh nghiệp xuất khẩu chịu thuế 0%, nhưng đối tác Trung Quốc phải chịu phí nhập khẩu khá cao, có những lúc 1 thùng thanh long nếu nhập khẩu tiểu ngạch chỉ mất 2 NDT nhưng nếu nhập khẩu chính ngạch sẽ chịu phí khoảng gần 5 NDT.
“Mặc dù có thể gặp rủi ro như tắc biên, chất lượng hàng hóa xuống cấp nhưng chỉ cần không bị đóng biên thì trừ đi chi phí, kinh doanh biên mậu vẫn đem lại lợi nhuận”, ông Thái cho biết.
Xuất khẩu tiểu ngạch thường được doanh nghiệp hai bên lựa chọn bởi không yêu cầu khắt khe về bao bì, nguồn gốc xuất xứ và chủng loại nông sản cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam khi các cơ quan chức năng nước bạn đang ngày càng siết chặt các quy định đối với hàng nông sản nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi quan niệm "Trung Quốc là thị trường dễ tính".
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho rằng, điều quan trọng là các chủ hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiêu chuẩn bao bì đóng gói, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.
“Xuất khẩu chính ngạch phụ thuộc rất nhiều vào trình độ sản xuất và cách sắp xếp tổ chức sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Khi sản phẩm nông sản đảm bảo được quy trình và chất lượng mới có thể đưa vào xuất khẩu chính ngạch bền vững theo quy trình, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu”, ông Đại lưu ý.
Tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn thời gian qua cho thấy, hình thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang ngày càng trở nên bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi dịch bệnh bùng phát cũng như khi đối tác Trung Quốc tăng cường các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận định, tiềm năng nông sản (thị trường, năng lực, khả năng tiêu thụ) của Việt Nam còn rất lớn, nhưng hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên. Vì vậy, để tăng kim ngạch lớn hơn, ngành hải quan rất mong muốn các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp cần có thêm các giải pháp để hỗ trợ, từ đó chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu nông sản chính ngạch.
“Không phủ nhận hình thức trao phi mậu dịch tiểu ngạch cũng đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, hình thức này có thể gặp rất nhiều rủi ro. Về lâu dài, doanh nghiệp cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng hơn, uy tín hơn và đối tác bên phía bạn cũng phải như vậy, lúc đó các doanh nghiệp mới có thể ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn và thời gian tới cần phải thúc đẩy xu hướng này. Nếu muốn có kim ngạch lớn hơn, hoặc ít nhất là đạt bằng phương pháp cũ thì bên cạnh tiểu ngạch chúng ta cần phải cần đẩy mạnh, khuyến khích mậu dịch vì tiềm năng nông sản của Việt Nam vẫn còn rất lớn”, ông Thành khuyến cáo.
Các chủ hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiêu chuẩn bao bì đóng gói, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.
Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần có lộ trình để giải quyết những vướng mắc trong xuất khẩu nông sản với sự tham gia của nhiều bên, từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, thương lái và cả nông dân, bởi xuất khẩu nông sản không thể cứ làm theo kiểu "đường mòn lối mở".
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường, mở rộng danh sách nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; Các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, xử lý nghiêm các vi phạm trong khâu đóng gói... bảo đảm nông sản hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và mở rộng ra những thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản.../.
Tác giả: Duy Thái
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy