Xưởng gỗ dăm trái phép ở Tĩnh Gia: “Chắc chắn phải có chỉ đạo thì mới tồn tại được?!”
01/08/2016 10:24:39
ANTT.VN - Dư luận đặt câu hỏi, liệu cán bộ địa phương có phải là “cổ đông”, có cổ phần trong các doanh nghiệp đang đầu tư trong các nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép ở huyện Tĩnh Gia nên việc xử lý đến nay vẫn chỉ …nằm trên giấy?

Tin liên quan

Phá rừng xây nhà máy trái phép

Khảo sát của phóng viên những ngày trung tuần tháng 7/2016 cho thấy, gần 10 nhà máy gỗ dăm trái phép tại huyện Tĩnh Gia vẫn ngang nhiên tồn tại, không bị cưỡng chế phá bỏ như các quyết định được ban hành trước đó.Không chỉ các nhà máy cũ tồn tại, mà ngay tại đây, nhà máy mới tiếp tục được xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động như cơ sở sản xuất của công ty Ngọc Nguyên.

Đặc biệt, nằm trên địa bàn xã Tường Lâm, huyện Tĩnh Gia, nhà máy sản xuất gỗ dăm của Công ty Minh Long ngày càng bành trướng trong hoạt động sản xuất. Ông chủ của nhà máy này đã san gạt hơn 5000m2 đất rừng, xây tường bao chắc chắn và lắp thêm dây chuyền hoạt động. “Trước đây họ (công ty Minh Long) chỉ có một dây chuyền gỗ dăm, nhưng sau khi tỉnh Thanh Hóa quyết tâm dẹp bỏ thì công ty này lại lắp thêm một dây chuyền khác, hoạt động suốt ngày đêm, thách thức và bất chấp mọi thứ”, một người dân gần nhà máy bức xúc.

Sau khi có chỉ đạo dẹp bỏ, xưởng gỗ dăm Minh Long không những không bị phá bỏ mà còn mở rộng quy mô hoạt động. 

Theo văn bản số 1313/TB-UBND ngày 7/7/2016, UBND huyện Tĩnh Gia, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Long 68 (công ty Minh Long) chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có giấy chứng nhận đầu tư, không có giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dăm theo quy định; sử dụng đất sai mục đích, tổ chức xây dựng công trình, hạng mục công trình trái phép.

UBND huyện Tĩnh Gia cũng đã ra “tối hậu thư” yêu cầu công ty Minh Long dừng mọi hoạt động liên quan đến thu mua nguyên liệu và sản xuất, chế biến gỗ trái phép; tự tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền máy móc và các phương tiện, thiết bị khác, trả nguyên hiện trạng, khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu trước ngày 15/7/2016.

Ngày 14/7/2016, Công ty điện lực Thanh Hóa cũng có văn bản số 1264/PCTH-P12 gửi điện lực Tĩnh Gia về việc ngừng bán điện cho cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép của công ty Minh Long.

Tuy nhiên, các quyết định và chỉ đạo của huyện Tĩnh Gia đối với Công ty Minh Long chỉ như “nước đổ lá khoai”, không những thiếu chấp hành mà doanh nghiệp này còn ngang ngược cho lắp thêm dây chuyền mới, xây dựng tường bao, san gạt đất rừng để mở rộng quy mô sản xuất. Hàng ngày, nguyên liệu gỗ được hàng đoàn xe tải ào ào chở vào khu đất, tập kết và đưa lên dây chuyền chế biến.

Trả lời phóng viên, ông Lê Anh Cường - Đội trưởng đội kiểm tra quy tắc xây dựng huyện Tĩnh Gia cho biết, tại huyện Tĩnh Gia có 6 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép. Trong đó, các xưởng đã hoạt động từ lâu là cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Nghi Sơn; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Sinh Lộc Phát; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Thành Tiến; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Minh Long; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Việt Trung; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty T&T và 1 xưởng mới mọc của công ty Ngọc Nguyên.

Đây là những doanh nghiệp nằm trong “danh sách đen” và đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã ra yêu cầu xử lý, nhưng đến nay, các công trình trái phép đó vẫn ngang nhiên tồn tạn, thách thức dư luận và sự nghiêm minh trong công tác quản lý của tỉnh này.

Trong khi đó, ở cấp quản lý địa phương, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cũng mới chỉ dừng lại ở việc ban hành bản yêu cầu các xưởng dừng tất cả các hoạt động mua bán, sản xuất liên quan đến gỗ dăm và tự tháo dỡ xưởng xây dựng trái phép. Đồng thời huyện chỉ đạo các xã giám sát, ngăn chặn nếu các cơ sở này vẫn cố tình hoạt động… mà không có biện pháp quyết liệt, triệt để hơn.

“Cưỡng chế là khá nhạy cảm?!”

Trước thông tin các doanh nghiệp này đang được “bảo kê” nên mới bất chấp pháp luật như vậy, ông Cường đã bác bỏ và nói rằng “chúng tôi cũng đã lên phương án cưỡng chế, tháo dỡ các xưởng gỗ dăm trái phép”.

Xưởng gỗ dăm của Công ty Minh Long tiếp tục mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, dù đã lên phương án cưỡng chế, nhưng ông Cường lại cho rằng “việc cưỡng chế khá nhạy cảm và phải tiến hành theo các bước. Nếu tỉnh chỉ đạo cưỡng chế tháo dỡ, huyện sẽ thực hiện ngay. Còn phương án trước mắt là cắt điện của các đơn vị này. Điện lực Thanh Hóa cũng đã có văn bản chỉ đạo điện lực Tĩnh Gia ngừng cung cấp điện cho các doanh nghiệp trên”.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ huyện Tĩnh Gia thừa nhận rằng “việc cưỡng chế khá nhạy cảm và khó khăn. Một doanh nghiệp ở địa phương khác đến địa phương sản xuất trái phép mà ngang nhiên như vậy thì chắc chắn phải có chỉ đạo (chỉ đạo bằng miệng).Bằng không, ngay từ khi mới bắt đầu đã bị xử lý chứ làm sao có thể hoạt động trong thời gian dài như vậy”.

Vậy những “chỉ đạo” này là của ai, cần làm rõ thông tin nhân vật nào đang “chống lưng” cho những nhà máy quy mô tàn phá đất rừng như Công ty Minh Long tiếp tục hoạt động?.Vài trò và trách nhiệm quản lý của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ở đây là gì, tại sao những sự việc sai phạm rõ ràng như vậy lại không được người đứng đầu huyện này giải quyết một cách triệt để?

Dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu cán bộ địa phương có phải là “cổ đông”, có cổ phần trong các doanh nghiệp đang đầu tư và những nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép ở huyện Tĩnh Gia nên việc xử lý đến nay vẫn chỉ …nằm trên giấy? 

 

Ngày 11/5/2016, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo nhiều huyện có cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép (ảnh). Cuộc họp này có lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia tham dự. Tại cuộc họp này, ông Quyền yêu cầu "xử lý triệt để các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh, đóng cửa các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận". 

Câu hỏi đặt ra, tại sao lại có chuyện "trên bảo dưới không nghe", liệu có sự mờ ám, khuất tất của lãnh đạo huyện Tĩnh Gia trong việc để các cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép tung hoành, coi thường kỷ cương phép nước? 

Thủy Tiên

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến