Dòng sự kiện:
10 phẩm chất của một doanh nhân thành đạt
22/10/2014 10:02:56
ANTT.VN - Bạn có những tố chất của một doanh nhân thành đạt? Mặc dù không có một “quy chuẩn hay thước đo” nào cả, nhưng một số gợi ý sau đây có thể giúp bạn từ có ý tưởng tốt trở thành một doanh nhân thành đạt. Bài viết này sẽ rất hữu ích cho bạn trên con đường làm chủ doanh nghiệp

Nếu dùng một từ để miêu tả yêu cầu cơ bản để trở thành một doanh nhân thành đạt thì đó chính là “đam mê”.

Có điều gì khiến bạn có thể làm việc, làm việc và hơn nữa mà không thấy chán nản?

Bạn không thể ngủ ngon khi việc đó chưa hoàn thành?

Luôn muốn đổi mới, cải tiến và tiếp tục phát triển ý tưởng đang xây dựng?

Bạn có đam mê và muốn dành cả phần đời còn lại để theo đuổi và hiện thực hoá đam mê đó?

Truyền niềm đam mê và động lực vào công việc sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại trong bất kì ngành nghề nào. Từ một ý tưởng sơ khai, để hiện thực hoá, quyết định mạo hiểm đầu tư cho đến ngày gặt hái được thành quả, thì niềm đam mê và quyết tâm chính là phần không thể thiếu được.

2. Dám chấp nhận rủi ro

Đã làm kinh doanh là phải dám chấp nhận rủi ro, sẵn sàng làm những điều người khác cho là “điên rồ” . Nhưng không phải cứ chấp nhận rủi ro là bạn sẽ thành công. Đâu là khác biệt giữa doanh nhân thành đạt và những người chấp nhận rủi ro còn lại? Người thành công là người sẵn sàng mạo hiểm thời gian và tiền bạc, nhưng họ cũng luôn có những “phương án B”, sẵn sàng các nguồn lực và kế hoạch khác. Khi đánh giá rủi ro, người doanh nhân thành đạt sẽ tự vấn chính mình, liệu sự đánh đổi của việc chấp nhận rủi ro này là bao nhiêu thời gian tiền bạc và sự nghiệp? Và họ sẽ phải làm gì nếu sự mạo hiểm này thất bại?

3. Tự tin, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật và cống hiến hết mình

Doanh nhân thích những gì họ làm. Họ tin vào bản thân, tự tin và toàn tâm toàn ý cho dự án của họ. Đôi khi, với niềm tin vào ý tưởng của mình cộng thêm sự tập trung cao độ, họ còn tỏ ra  “bướng bỉnh”. Tuy nhiên, kỷ luật và sự cống hiến là điều ta luôn thấy ở họ.

4. Linh hoạt và thích nghi tốt

Có đam mê và thậm chí có chút “cứng đầu” theo đuổi ý tưởng của mình là tốt. Nhưng sẽ là thất bại nếu bạn không biết linh hoạt chiều lòng khách hàng và thị trường. Hãy nhớ rằng, kinh doanh không chỉ đơn giản là làm những gì bạn cho là tốt  mà còn là làm cho doanh nghiệp của bạn thành công, khiến tiền đẻ ra tiền. Nhu cầu của thị trường rất năng động: thay đổi những gì bị cho là đã cũ. Những doanh nhân tài ba sẽ chào đón tất cả các mong muốn của khách hàng, từ đó thay đổi cho phù hơp, đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường. Một sản phẩm cho riêng bạn có thể chỉ cần đáp ứng đủ sở thích cá nhân, còn một sản phẩm cho thị trường phải  đáp ứng nhu cầu của cả thị trường.

5. Hiểu thị trường cần gì – và ta có gì

Người làm kinh doanh cần hiểu rõ sản phẩm của mình cũng như hiểu thị trường và sự năng động của nó. Còn, nếu không nhạy bén, nắm được nhu cầu thị trường thay đổi, hiểu rõ đối thủ cạnh tranh, một sản phẩm tốt vẫn hoàn toàn có thể thất bại!

6. Hãy biết quản tiền của mình

Từ quyết định đầu tư cho đến ngày thu được lợi nhuận là cả một quá trình với bất kỳ loại hình kinh doanh nào. Đến lúc đó, vốn là hạn chế và cần phải được sử dụng một cách khôn ngoan. Người thành công là người nhận ra và xây dựng kế hoạch quản lý tiền, làm sao để tối đa hóa lợi nhuận và không để tiền chảy đi. Ngay cả khi nguồn kinh phí là đầy đủ , một doanh nhân thành công giữ vẫn cần đặc biệt quan tâm đến dòng tiền, vì nó là khía cạnh quan trọng nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào.

7. Lên  kế hoạch (nhưng không phải thực hiện nó một cách máy móc)

Người chủ là người đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng một doanh nghiệp từ đầu trong khi mà mọi nguồn lực đều hạn chế (kể cả thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ cá nhân). Đó là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ, và cố gắng lên kế hoạch có tính khả thi cao ngay từ những bước đầu là rất hữu ích. Tuy nhiên, trong thực tế, có sẵn kế hoạch cho tất cả mọi thứ và giải pháp sẵn sàng cho tất cả các rủi ro lại có thể khiến bạn thậm chí không dám đưa ra những quyết định táo bạo. Một người thành công luôn có sẵn những “kế hoạch B” cho riêng mình, nhưng quan trọng hơn là họ luôn duy trì một cách tỉnh táo và sang tạo, sẵn sàng đối đầu với những tình huống khó lường trước.

Hãy phân tích tính khả thi của dự án; xác định thời gian và mức vốn cần có; nghiên cứu rõ nguồn lực hạn chế của bạn. Nếu những thứ đó vượt qua những gì bạn có, đừng bỏ cuộc, hãy tìm kiếm giải pháp thay thế và chuẩn bị cho những bước tiếp theo.

8. Khả năng quan hệ xã hội

Làm thế nào để khai thác mối quan hệ một cách hiệu quả? Nhiều người khi gặp khó khăn sẽ tìm sự an ủi từ bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm. Họ sẽ rất thoải mái chia sẻ với bạn về suy thoái kinh tế, về những người nghèo khốn khổ hay cả việc đấu đá nhau trên thương trường; nhưng điều đó chẳng giúp bạn cải thiện được điều gì. Vậy, người thành đạt họ làm gì?  Họ tiếp cận với những người cố vấn có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ rộng hơn để tìm kiếm cho mình những lời khuyên có giá trị.

Có kinh nghiệm, khả năng quan hệ và sử dụng các mối quan hệ xã hội tốt sẽ là chìa khóa cho sự thành công của bạn.

9. Biết “dừng đúng lúc”

Không phải mọi nỗ lực đều dẫn đến thành công. Tỷ lệ thất bại của các dự án kinh doanh là rất cao. Đôi khi, hoàn toàn tốt khi bạn dành cho mình một đường lui và thử một cái gì đó mới hơn, thay vì cứ tiếp tục lún sâu . Nhiều doanh nhân nổi tiếng đã không thành công ngay từ lần đầu tiên. Nhưng họ đã bình tĩnh và biết nhìn xa hơn để biết thời điểm phù hợp để cắt lỗ.

10. Luôn tự vấn chính mình

Bạn có thể tự hỏi mình, tôi có phải một doanh nhân? Và câu hỏi thật này có thể sẽ khiến bạn băn khoăn tìm câu trả lời. Thậm chí nếu bạn không có sự tinh tế của Steve Jobs hay cái đầu của Elon Musk, nếu có can đảm tự hỏi mình câu hỏi  - Tôi có thể làm điều này? Tôi muốn làm điều này? - Bạn hoàn toàn có thể trở thành một doanh nhân.

Thay vì nghĩ mãi về hình ảnh của những doanh nhân vĩ đại, hãy tự hỏi lòng mình, bạn đã sẵn sàng chèo lái con thuyền chưa?

Lời kết

Những phẩm chất và sự thể hiện đúng đắn là nhân tố quyết định cho sự thành công hay thất bại của một doanh nhân. 10 gợi ý trên chưa phải là tất cả, nhưng sẽ là những điều vô cùng hữu ích cho bạn trên con đường trở thành một doanh nhân thành đạt.

Thanh Hương (Biên dịch)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến