Dòng sự kiện:
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015
24/12/2015 08:44:02
ANTT.VN – Năm 2015 sẽ được nhớ tới với điểm nóng Syria, những vụ khủng bố kinh hoàng hay chính sách điều hành trái ngược nhau của các nền kinh tế lớn trên thế giới…

Tin liên quan

1. Khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo

Tổng thống Pháp Hollande (giữa) bao quanh bởi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyhu, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Đức A. Merkel, Chủ tịch Hội Đồng châu Âu (EC) Donald Tusk và Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas khi họ tham dự một cuộc tuần hành vì hòa bình trên đường phố Paris, 11/01/2015. Ảnh: Reuters

Trưa ngày 7/1, hai kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện vụ xả súng đẫm máu tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hedbo, khiến 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương.

Vụ việc gây chấn động thế giới, đồng thời mở đầu cho một năm đầy những ám ảnh khủng bố từ các phần tử quá khích Hồi giáo trên toàn cầu.

2. Đảng cánh tả lên cầm quyền ở Hy Lạp

Những người ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras ăn mừng chiến thắng ngày 25/1. Ảnh: AP

Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/1, Đảng Syriza của Thủ tướng đương nhiệm Alexis Tsipras đã giành chiến thắng với 36% số phiếu.

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đang lên tới mức đỉnh điểm, đe dọa sự tan vỡ của Liên minh châu Âu (EU), thì sự xuất hiện của Tsipras cùng đảng cánh tả của ông được cho là lựa chọn thích hợp nhất của người dân Hy Lạp vào thời điểm này. Trên trường quốc tế, ông cũng nhận được những sự ủng hộ từ lãnh đạo nhiều nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga.

3. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Iran

Đại diện ngoại giao các nước sau thỏa thuận lịch sử tại Viên, Áo ngày 12/7. Ảnh: The New York Times

Sau gần một thập kỉ đàm phán, vấn đề hạt nhân của Iran cuối cùng cũng đã khép lại vào ngày 12/7, sau khi nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) cùng Iran đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Theo đó, chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông sẽ phải được đặt dưới sự giám sát quốc tế, đảm bảo “mọi ngả đường dẫn tới vũ khí hạt nhân đều phải bị ngăn chặn – TT. Obama”. Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: “Thỏa thuận này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran với thế giới"

4. Khủng hoảng dân nhập cư châu Âu

Cái chết của cậu bé hai tuổi Alan Kurdi trong hành trình chạy trốn khỏi Syria đã khiến thế giới không khỏi bàng hoàng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Trung Đông này. Ảnh: Reuters

Bất ổn tại Trung Đông, nhất là cuộc khủng hoảng Syria đã khiến châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất nhiều thập kỉ qua. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, chỉ tính 9 tháng đầu năm, số lượng đơn xin tị nạn vào các quốc gia Tây và Bắc Âu đã lên tới hơn 800 nghìn. Trong khi số lượng dân tị nạn trái phép vào châu Âu trong năm nay được dự báo lên tới 1 triệu người, gấp 4 lần so với năm ngoái.

5. Bê bối khí thải của Volkswagen

Cựu CEO Winterkorn từ chức vào ngày 23/9, chưa đầy một tuần sau khi vướng vào bê bối gian lận khí thải. Ảnh: Reuters

CEO từ chức, 11 triệu phương tiện phải thu hồi, cổ phiếu lao dốc cùng hàng chục tỉ USD thiệt hại ước tính là những con số cần phải nhắc tới sau khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), ngày 18/9, cáo buộc Volkswagen cố tình gian lận tiêu chuẩn khí thải trong nhiều năm liền, biến đây trở thành vụ bê bối lớn nhất trong làng ô tô thế giới hàng chục năm qua, đồng thời khiến công ty Đức mất luôn vị trí nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới vào tay Toyota.

6. Nga đưa quân tới Syria

Phi công Nga cùng chiếc Su-30 trước giờ không kích IS. Ảnh: RT

Ngày 30/9, Moscow bắt đầu triển khai những đơn vị không - hải quân đầu tiên tới “nồi lẩu” Syria, theo sau lời kêu gọi giúp đỡ của Chính phủ Syria, với danh nghĩa tiễu trừ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn bởi hiệu ứng kết hợp từ giá dầu thấp cùng chính sách cấm vận từ phương Tây, bước đi của Nga được đánh giá là rất bất ngờ đối với Mỹ và đồng minh, khiến cục diện tại chiến trường Syria thay đổi hoàn toàn, đồng thời chuyển một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới các quốc gia khác trong khu vực rằng không như Mỹ, Nga có thể “chiến đấu tới cùng” để bảo vệ đồng minh, so sánh với hành động bỏ rơi cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong cách mạng Ảrập năm 2011.

7. TPP được thông qua

Đại diện thương mại 12 thành viên TPP tại Atlanta ngày 5/10. Ảnh: TTXVN

Ngày 5/10 tại Atlanta, Mỹ, Việt Nam cùng 11 nước khu vực Thái Bình Dương, chiếm 40% GDP toàn cầu, đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với tham vọng trở thành một chuẩn mực mới cho nền thương mại toàn cầu.

TPP là một thoả thuận thương mại tự do thế hệ mới (FTA) của thế kỷ 21 hướng tới mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. TPP được Tổng thống Obama của Mỹ và nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới đánh giá là một hiệp định tiến bộ và kỳ công nhất trong lịch sử.

8. Thỏa thuận lịch sử chống biến đổi khí hậu

Toàn cảnh COP21. Ảnh: AP

Ngày 12/12 tại Paris, Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) với sự tham gia của 195 quốc gia đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C.

Thỏa thuận có hiệu lực từ sau năm 2020, kết thúc sự tranh cãi kéo dài hàng thập kỉ giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.

9. Đánh bom máy bay Nga và xả súng đẫm máu tại Pháp

Cảnh sát tuần tra trên đường phố Paris trong đêm 13/11. Ảnh: Reuters

Ngày 31/10, một chiếc Airbus A321-231 của hãng hàng không Nga Metrojet nổ tung trên bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm vụ khủng bố trên.

Hai tuần sau đó, khi mà thế giới còn chưa hết bàng hoàng, thì vào đêm ngày 13/11, tổ chức cực đoan khét tiếng này tiếp tục thực hiện một loạt vụ đánh bom – xả súng đẫm máu ở Paris – ngay tại thủ đô của Lục địa Già, giết chết 137 người và khiến gần 400 người khác bị thương.

Hai vụ khủng bố kinh hoàng liên tiếp cho thấy mối nguy hiểm từ chủ nghĩa cực đoan không từ bất cứ một quốc gia nào, đồng thời đánh dấu một bước chuyển, kéo các cường quốc gần nhau hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chỉ hai ngày sau vụ xả súng tại Paris, tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Hoa Kỳ B. Obama đã đạt được sự đồng thuận về một lộ trình hòa bình ở Syria, trong đó nhấn mạnh IS là kẻ thù chung đối với cả nhân loại tiến bộ.

10. FED tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỉ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bà Janet Yellen. Ảnh: WSJ

Sau nhiều lần trì hoãn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp cuối cùng trong năm 2015 (ngày 15-16/12) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%, chấm dứt thời kì lãi suất “0%” kéo dài gần một thập kỉ qua.

Động thái thắt chặt trên đánh dấu một bước đảo chiều trong chính sách tiền tệ của tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, đồng thời cho thấy kinh tế Mỹ đã hồi phục tương đối sau khủng hoảng tài chính 2008.

Nhìn chung, năm 2015 chứng kiến sự bất ổn ở các nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Châu Âu và Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng trì trệ. Trái ngược FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BOJ) trong năm 2015 đã tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua các gói Nới lỏng Định lượng (QE).

Trong khi đó, sau ¼ thế kỉ mở rộng với tốc độ ấn tượng, kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên tăng trưởng dưới 7% trong năm nay, báo hiệu một chu kì khó khăn sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng bộ máy của ông ta, khi mà những lực đẩy truyền thống như như đầu tư, nhân công giá rẻ hay bất động sản đang dần biến mất.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến