Dòng sự kiện:
Syria – “Show diễn” của quân đội Nga
13/12/2015 09:19:00
ANTT.VN – Trong bối cảnh đang phải đương đầu với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, Putin lại một lần nữa khiến cả thế giới “ngã ngửa” khi quyết định triển khai quân ở Syria, với danh nghĩa tiêu trừ IS…

Tin liên quan

Màn "trình diễn" kém cỏi trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008 có thể xem là bước ngoặt của quân đội Nga dưới thời Putin. Ảnh: AP

Bước ngoặt

Trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008, người Nga đã dành chiến thắng. Nhưng là một chiến thắng xấu xí khi họ để cả thế giới thấy sự yếu kém của binh sĩ, trang thiết bị cũng như lỗi thời trong chiến thuật.

74 binh sĩ thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương, 4 chiến đấu cơ bị bắn hạ chỉ trong nửa tháng giao tranh ngắn ngủi là những con số ít người nghĩ tới nếu đặt quân đội Moscow với Tbilisi lên bàn cân. Một số nhà nghiên cứu Nga thậm chí còn gọi đây là một thất bại của quân đội nước này.

Để rồi sau đấy, Thủ tướng Nga lúc đó và là Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đã công bố một chương trình hiện đại hóa toàn diện quân đội, bao gồm đổi mới chương trình huấn luyện, thay thế trang thiết bị cũng xem xem xét lại hệ thống chiến thuật.

Giờ đây, sau hơn hai tháng triển khai quân ở Syria, họ đang nhận được “quả ngọt” sau những nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua.

Hồi đầu tuần, một loạt tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm ở Địa Trung Hải với đích đến là Raqqa, một thành trì của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – động thái chưa từng có kể từ sự tan rã của Liên bang Xô Viết, theo sau các vụ phóng tên lửa từ các tuần dương hạm của mình hồi tháng 10 và tháng 11.

Tên lửa lớp Kilo phóng tên lửa hành trình ngày 08/12. Ảnh: RT

“Show diễn” của quân đội Nga

Mặc dù hoạt động quân sự của Nga ở Syria vẫn tương đối giới hạn, tuy nhiên có thể thấy Điện Kremli đã và đang sử dụng một loạt vũ khí tiên tiến nhất của họ, như một “bức chiến thư” đầy sức nặng dành cho Mỹ cùng đồng minh.

“Nga phóng tên lửa từ tàu ngầm mang nhiều động cơ chính trị đối với Washington hơn là nhắm vào IS”, Chris Harmer, chuyên gia hải quân tại Viện nghiên cứu Chiến tranh (IFSW), nhận định.

“Việc sử dụng tàu ngầm Rostov-on-Don (thuộc lớp Kilo) – một trong những loại tàu ngầm sở hữu công nghệ tàng hình tốt nhất – cùng hệ thống tên lửa hành trình phức tạp của nó, là một lựa chọn kì lạ của Moscow, bởi chi phí đắt đỏ hơn nhiều so sánh với phương án không kích”.

“Do vậy chẳng có lý do nào để Nga sử dụng tàu ngầm và tên lửa hành trình ngoài việc họ muốn cả thế giới thấy rằng họ đủ sức triển khai những vũ khí tối tân không hề thua kém Mỹ và phương Tây”.

Giả thiết trên được củng cố khi biết rằng những hoạt động quân sự của Nga ở Syria được truyền thông nước này theo sát từng bước, và được phát đi trên sóng truyền hình mỗi ngày.

“Giá trị tuyên truyền của những hình ảnh trên ở cả trong nước lẫn đối với thế giới là không thể phủ nhận”, Mark Galeotti, giáo sư tại trường ĐH New York, đồng thời là một chuyên gia quân sự Nga, cho biết.

“Ngoài việc hỗ trợ chính quyền Assad (Tổng thống Syria Bashar al-Assad), Nga rõ ràng đang thử nghiệm vũ khí thế hệ mới cũng như thay đổi cách vận hành những công nghệ cũ”, ông nói,

“Ngoài ra, Nga cũng muốn khách hàng tiềm năng của họ thấy “đồ chơi” của họ tốt như thế nào”.

"Thiên nga trắng" Tu-160. Ảnh: RT

Bên cạnh việc sử dụng sức mạnh hải quân, Điện Kremli cũng đã tăng cường lực lượng không quân ở Syria, sử dụng những “cỗ máy chiến tranh” tiên tiến nhất của họ như “Thiên nga trắng” Tu-160, Tu-22M “Blackfire” hay “Thú mỏ vịt” Su-34, qua đó thực hiện những vụ ném bom rải thảm ở mức độ “kinh hoàng”, nhắm vào các mục tiêu IS cũng như phiến quân “ôn hòa” được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.

Ngày 24/11, không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc Su-24 của Nga trên biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc phi cơ trên xâm phạm không phận nước này.

Tính đúng sai của vụ việc thì hãy còn phải xét, tuy nhiên không thể phụ nhận được rằng Moscow đã có một “món quà” từ trên trời rơi xuống, giúp họ có cái cớ không thể tốt hơn để tiếp tục triển khai thêm vũ khí tới Syria. Cuối tháng 11, những tổ hợp tên lửa phòng không tối tân S-400 đã được đưa tới Syria với danh nghĩa bảo vệ không quân Nga tiêu diệt IS.

Tuy nhiên IS lấy đâu ra tên lửa hành trình cũng như máy bay chiến đấu? Vậy Putin đang muốn bảo vệ cái gì? Khi biết rằng với bán kính phát hiện mục tiêu 600 km của S-400, có thể coi mọi động tĩnh trong khu vực Địa Trung Hải đều nằm trong bàn tay của ông ta.

Chưa hết, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây, Putin đã “lỡ lời” khi nói rằng nước này hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt IS, mặc dù sau đấy nói rằng hi vọng sẽ không bao giờ cần đến nó.

Điều này cho thấy đối với một người điên rồ như Putin, không gì là không thể. Hồi đầu năm ngoái có ai ngờ được chỉ trong vài ngày, người Nga đã “nhẹ nhàng” thôn tính bán đảo Crimea chỉ trong vài ngày mà không tốn một viên đạn? Hay có ai ngờ được rằng họ dám dấn thân vào một cuộc chiến chưa thấy hồi kết (Syria) khi mà đang vật lộn với những vấn đề kinh tế - xã hội trong nước!

Quân đội Nga đã "lột xác" hoàn toàn trong mắt truyền thông phương Tây qua vụ sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 2 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Tham vọng của Putin

Chiến dịch mà Điện Kremli đang tiến hành ở Syria dĩ nhiên rất khác với cách họ hành động ở Crimea và Ukraine. Nhưng tất cả đều cho thấy một sự hiệu quả đáng kinh ngạc trong kế hoạch cải tổ quân đội của Putin. Người đàn ông quyền lực nhất thế giới 2015 đã tuyên bố sẽ thay mới 70% thiết bị quân sự trước năm 2020, bao gồm 50 tàu chiến mới, hàng trăm chiến đấu cơ cùng hàng nghìn phương tiện mặt đất thế hệ mới, với tham vọng đưa Nga trở lại với sức ảnh hưởng toàn cầu như thời Xô Viết.

Tuy nhiên tham vọng của Putin đã bị giáng một đòn mạnh trong thời gian qua, khi mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với những chướng vật vô cùng lớn. Giá nhiên liệu – vốn chiếm tới 50% ngân sách liên bang – lao dốc không thấy đáy và chỉ còn bằng 1/3 so với mức đỉnh năm ngoái, cùng chính sách cấm vận của Mỹ cùng phương Tây, không hẹn mà gặp, đẩy kinh tế Nga vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất thời kì hậu Xô Viết.

“Cắt giảm ngân sách quốc phòng là không thể tránh khỏi khi mà kế hoạch phục hưng quân đội trị giá 400 tỉ USD của Putin sẽ khiến tình hình trong nước thêm khó khăn”, tờ Vedomosti của Nga viết.

Những thử thách to lớn đang đe dọa tham vọng của Tổng thống Putin. Ảnh: AP

Về phần mình, giáo sư Galeotti cho rằng Moscow đang phải chạy đua với thời gian trước khi khó khăn về kinh tế có thể ngăn cản những bước tiến về quân sự mà họ đã đạt được trong thời gian qua:

“Mặc dù người Nga không chính thức thừa nhận, tuy nhiên có những bằng chứng cho thấy họ đã và đang cắt giảm ngân sách quốc phòng. Theo số liệu chúng tôi có được, chỉ mới 1/3 quân đội được hiện đại hóa. Điều này đồng nghĩa với việc Putin sẽ còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước với tham vọng của ông ta”.

“Tuy nhiên không thể phủ nhận những gì Moscow đã đạt được. Chỉ với 30 phi cơ triển khai ở Syria, Putin cùng bộ máy của ông ta đã làm phá sản chính sách ngoại giao một cực của Mỹ trong vấn đề Syria – IS”, ông nói.

“Làm cách nào để Moscow có thể tiếp tục duy trì cuộc cải cách đầy tốn kém, cũng như tiếp tục các hoạt động quân sự ở Ukraine cũng như Syria, thì hãy còn phải xét. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, có lẽ không ai có thể nghi ngờ sức mạnh của quân đội Nga dưới thời Putin nữa!”.

Nghi Điền

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến