Dòng sự kiện:
19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước kinh doanh thế nào trong năm 2023?
21/12/2023 13:53:01
Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt hơn 53.000 tỷ đồng, bằng 166,09% kế hoạch năm và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023.

Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Về đầu tư phát triển, số vốn đã giải ngân đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hơn 161.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: EVN).

Trong đó, các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng có tỉ lệ giải ngân đầu tư cao, như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và EVN.

 

Bên cạnh đó, nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện như các Dự án: Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn (đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023);

Đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải phòng, Thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất;

Xây dựng mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023), Xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023).

Theo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường như một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế; lạm phát cao; chính sách tiền tệ được thắt chặt; giá dầu biến động; rủi ro tăng cao tại thị trường tài chính, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở nhiều quốc gia; đà suy giảm kinh tế từ những năm trước do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19.

Những điều trên tiếp tục tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế trong nước và mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống dân sinh, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Tại hội nghị với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty hồi tháng 3/2023 do Thủ tướng chủ trì, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Nhà nước dù nắm giữ nguồn lực vốn, tài sản lớn nhưng chưa huy động, khai thác hiệu quả. Vì vậy, vai trò, vị trí của các doanh nghiệp có quy mô lớn không đạt như kỳ vọng.

Đáng chú ý, thời gian qua có rất ít dự án, công trình mới được khởi công, hầu như các tập đoàn, tổng công ty chỉ tiếp tục thực hiện dự án dở dang, hoặc xử lý dự án còn tồn đọng từ trước. Việc xử lý dự án thua lỗ, yếu kém đòi hỏi tập trung nguồn lực, nên một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại rủi ro, không muốn thực hiện dự án mới.

Có nghịch lý là trong khi có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn, như dự án điện, dầu khí, thì vẫn còn doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi. Năng lực triển khai dự án còn yếu ở nhiều khâu, việc tổ chức triển khai dự án còn kéo dài, làm giảm hiệu quả nguồn lực, nên đầu tư chưa đạt như kỳ vọng.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến