ANTT.VN – Trong năm 2014, ngành xi măng Việt Nam có 4 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu lớn, đứng đầu là Tập đoàn Xi măng The VISSAI với 3,2 triệu tấn, tuy nhiên theo dự báo của lãnh đạo tập đoàn này, năm 2015 sẽ là một năm khó khăn nhất trong xuất khẩu xi măng.
Tin liên quan
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Xi măng The VISSAI
Theo số liệu thống kê sản lượng xi năng sản xuất và tiêu thụ từ năm 2005 đến năm 2014 và dự kiến năm 2015 mà Bộ Xây dựng công bố, riêng đối với xi măng và clinker xuất khẩu ở mốc đầu tiên là năm 2010 là 1,2 triệu tấn, trong đó xi măng là 0,6 triệu tấn, clinker là 0,6 triệu tấn. Tuy nhiên đến năm thứ hai, thứ ba đã có sự phân hóa rõ rệt, điển hình như năm 2012 sản lượng xuất khẩu xi măng là 8,1 triệu tấn, trong đó xi măng chiếm 1,6 triệu tấn, clinker chiếm tới 6,5 triệu tấn và mức sản lượng xuất khẩu này được duy trì tăng dần như vậy qua các năm kế tiếp, đến năm 2014 sản lượng xuất khẩu đạt 20,4 triệu tấn, trong đó xi măng chỉ chiếm 4,74 triệu tấn, còn 15,66 triệu tấn là clinker.
Như vậy, rõ ràng nhận thấy, việc xuất khẩu clinker lớn hơn xuất khẩu xi măng rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The VISSAI, giai đoạn năm 2013 – 2014 là giai đoạn phát triển của xi măng Việt Nam, và bước đầu các doanh nghiệp đã cảm thấy sức ép từ thị trường trong nước vì thế một số doanh nghiệp đã chọn cho mình hướng đi là xuất khẩu xi măng, clinker là một trong những chiến lược quan trọng của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng đa dạng hóa sản phẩm đến nhiều vùng lãnh thổ các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Ông Đạt cho biết, lý do xuất khẩu clinker chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng xuất khẩu chung vì bản chất bán hàng thành phẩm bao giờ cũng an toàn và dễ làm hơn, xi măng là sản phẩm thành phẩm nhưng ở một số nước có hạn chế về thuế nhập khẩu, trong khi bán clinker thì không phải chịu thuế nhập khẩu, thêm nữa việc xuất clinke cũng đơn giản hơn, khi không bán được cho đối tượng này thì bán cho đối tượng khác. Còn với xi măng đã làm chỉ có thể thực hiện theo một hướng.
PV ANTT.VN đã có cuộc trao đổi riêng với ông Đạt để tìm hiểu về doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất năm 2014 vừa qua.
PV ANTT.VN trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Xi măng The VISSAI
Tình hình kinh doanh của The VISSAI trong Quý I năm 2015 vừa qua như thế nào, thưa ông?
Hết Quý I, The VISSAI xuất khẩu được 1 triệu tấn xi măng ra thị trường quốc tế cho hơn 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với doanh thu ước tính đạt khoảng 45 triệu đô, Quý II dự kiến sẽ là quý phát triển và The VISSAI sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn xuất khẩu trong quý II.
Năm 2014 The VISSAI được đánh giá là doanh nghiệp xuất khẩu xi măng, clinker lớn nhất trên thị trường, The VISSAI đã có những chính sách như thế nào để giữ được vị thế của mình?
Chính sách của The VISSAI đầu tiên đó là duy trì chất lượng sản phẩm, thứ hai là đa dạng hóa sản phẩm vì hiện nay thị trường trong nước có chủ yếu hai loại xi măng trong khi thế giới người ta cần khoảng 12 loại xi măng khác nhau, về clinker cũng như vậy, chúng tôi có 4 – 5 dòng sản phẩm để phục vụ đa dạng nhu cầu trên thế giới. Thứ ba là chính sách chăm sóc khách hàng và chính sách giá hợp lý, hợp lý không có nghĩa là rẻ, với tất cả các yếu tố đó chúng tôi tổ chức trên cơ sở khoa học và hiệu quả và đương nhiên chúng tôi có các thị phần rất lớn ở thị trường Việt Nam.
Đối với những bất cập mà anh trình bày trong buổi hội thảo, ngoài về giá cả thị trường thì những ảnh hưởng về giá đô la trên thế giới có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, thưa ông?
Tôi cho rằng năm 2015 sẽ là năm khó khăn nhất trong xuất khẩu xi măng và năm 2016 cũng không khả quan hơn, chủ yếu là do sức ép của đối thủ cạnh tranh đến từ phía Bắc là Trung Quốc, Hàn Quốc, ở phía Nam là Indonesia và phía Tây Nam là Thái Lan, với việc các nước đó đồng loạt giảm giá xuất khẩu như hiện nay thì Việt Nam bắt buộc phải giảm giá nhưng với việc bắt buộc phải giảm giá ấy, một số doanh nghiệp giảm giá vẫn chưa chắc là bán được hàng, như tôi đã nói về yếu tố chất lượng, yếu tố dịch vụ, yếu tố bền vững, cho nên tôi sợ rằng năm nay sẽ là một năm rất khó khăn cho ngành xi măng Việt Nam và dự kiến sẽ chỉ xuất khẩu được khoảng 70% sản lượng so với năm 2014.
The VISSAI có dự định thế nào để có những đóng góp vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam?
Nếu được thành lập Hội Xuất khẩu Xi măng Việt Nam thì tôi xin tự ứng cử làm chủ tịch Hội Xuất khẩu Xi măng Việt Nam.
Thực hiện: Kiều Chinh – Hoa Liên
Nên đọc