3 yếu tố quyết định tỷ giá theo cơ chế mới
04/01/2016 18:37:17
ANTT.VN – Theo phương thức điều hành tỷ giá mới được áp dụng từ năm 2016, tỷ giá trung tâm được tính toán dựa trên 3 yếu tố chính là bình quân tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng; hai là tác động nguồn tiền và ba là căn cứ trên thị trường thế giới.

Tin liên quan

Chiều nay (04/01), Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức họp báo về cơ chế điều hành tỷ giá mới NHNN áp dụng bắt đầu từ năm 2016.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ cho biết, cách thức điều hành tỷ giá mới được tham chiếu giá đóng – mở cửa trong nước và thế giới cũng như diễn biến 8 đồng tiền quan trọng có tỷ trọng đầu tư cao.

Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước

Theo đó, ngày 31/12/2015 NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác.

Tại buổi họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trả lời nhiều thắc mắc của phóng viên về phương thức điều hành tỷ giá mới, định hướng và các biện pháp điều hành nhằm ổn định tỷ giá; biên độ giao dịch mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại theo tỷ giá trung tâm được công bố; cách thức điều hành tỷ giá mới tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải đáp thắc mắc về cơ chế điều hành tỷ giá mới

Cách tính tỷ giá trung tâm dựa trên 3 yếu tố chính: Một là bình quân tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng; hai là tác động nguồn tiền và ba là căn cứ trên thế giới (dựa vào đóng cửa phiên hôm trước cho ngày hôm sau và ngược lại lấy vào 7 giờ sáng hôm nay công bố và chốt phiên giao dịch gần nhất của tất cả các đồng tiền ).

“Cách tính này sẽ vừa thể hiện biến động trong nước; vừa thể hiện biến động quốc tế. Về trọng số là bao nhiêu khi tính toán tỷ giá 2015 cho thấy phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến quốc tế; cho nên trong trọng số của chúng tôi có những ưu tiên đáng kể” – ông Bùi Quốc Dũng chia sẻ.

8 đồng tiền được lấy làm căn cứ tính toán đó là: Đôla Mỹ, Euro, NDT, Yên Nhật, đô la Úc, Đô la Sing, Hàn Quốc, đồng Baht Thái Lan. Đây là 8 đồng tiền có tỷ trọng đầu tư cao trong tương lai.

Việc lựa chọn được tính toán kỹ và so sánh với danh sách 9, 15 đồng tiền khác thì thấy không có sai lêch đáng kể, nên sử dụng 8 đồng tiền giúp cho việc tính toán dễ dàng hơn.

Biên độ giao dịch vẫn là +-3% như đang thực hiện.

Tại ngày hôm nay (04/01), tỷ giá trung tâm do NHNN công bố là 21.896 VND/USD. Theo đó, các ngân hàng được mua - bán USD ở mức giá sàn là 21.239 đồng, giá trần là 22.553 đồng.

Cùng với biện pháp xác định tỷ giá trung tâm, NHNN cũng bổ sung thêm cách thức giao dịch với NHTM theo hợp đồng phái sinh, thay cho hợp đồng giao ngay trước đây.

Cụ thể, nếu NHTM muốn mua ngoại tệ, NHNN sẽ bán cho một hợp đồng phái sinh với giá bán cao hơn nhất định, ví dụ 1% trong 3 tháng. Thông qua hợp đồng này, NHNN gửi thông điệp về giới hạn biến động tỷ giá tới NHTM.

Các NHTM chủ động thực hiện giao dịch với đối tác và được hủy ngang giữa chừng để chủ động mua ngoại tệ trên thị trường khi giá trên thị trường tốt hơn giá bán của NHNN. Tuy nhiên, NHNN đảm bảo cung cấp đủ ngoại tệ, là người bán cuối cùng cho NHTM.

Qua cách thức giao dịch kỳ hạn, NHNN tạo ra kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá và quản lý kỳ vọng đó thông qua công cụ thị trường. Điều này phù hợp với quy định trong pháp lệnh quản lý ngoại hối là thả nổi có quản lý.

“NHNN đảm bảo tỷ giá không biến động quá mức và có đủ biện pháp để thực hiện điều đó. Chính sách tỷ giá đảm bảo ổn định trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng” – Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Vào thứ 5 hàng tuần hoặc ngày làm việc kế tiếp nếu thứ 5 là ngày lễ, NHNN công bố tỷ giá tính chéo ngoại tệ khác phục vụ cho việc tính thuế.

Đối với những người gửi tiền, bà Hồng khẳng định “NHNH điều hành nhất quán, kiên định theo hướng ổn định thị trường ngoại hối, phù hợp với chủ trương Chính phủ chống đô la hoá; với gia đình người dân, quy mô và khối lượng giao dịch xuyên biên giới như chuyển tiền cho con em học tập hay đi du lịch nước ngoài đều là nhu cầu hợp pháp và được đáp ứng kịp thời; còn đối với người dân có tiền gửi tiết kiệm; thu nhập bằng VND, thì chi tiêu cũng chỉ nên qua VND.

Hiện với mức lạm phát thấp, người dân có tiền khi gửi tiết kiệm bằng VND cho thấy lãi suất này thực dương, đâu đó 4-5%. Do đó, tiền đồng đang có vị thế rất cao.  Còn với cách thức điều hành tỷ giá mới, ngoại tệ có thể nay tăng mai giảm nhưng là gửi tiết kiệm chứ không đầu cơ cho nên không ảnh hưởng đến giao dịch”.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến