Trong buổi tọa đàm do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông báo kết quả công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta cho đến thời điểm hiện tại và có những lưu ý với các nhà đầu tư về thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Những kết quả đã đạt được
Thứ trưởng cho biết: “Đến nay có 62/63 tỉnh, thành phố xuất hiện ca bệnh, nhiều địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong đã giảm nhiều, chúng ta có thể tính đến phương án mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và việc sản xuất của doanh nghiệp.
Một số tỉnh đã bắt đầu dỡ bỏ giãn cách xã hội và thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đã đưa ra. Đến nay, đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin có lao động của doanh nghiệp, tiến tới sẽ cố gắng tiêm chủng đạt tỉ lệ cao để doanh nghiệp sớm hoạt động lại trong tình hình bình thường mới”.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhắc lại thông điệp của Thủ tướng: “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Và nhấn mạnh để thực hiện việc này các địa phương phải quán triệt đầy đủ và nghiêm túc các văn bản liên quan đến phòng chống dịch bệnh và sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Đặc biệt phải rà soát các phương án sản xuất của từng doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, nếu xuất hiện F0, doanh nghiệp cần xử lý theo hướng có F0 tại phân xưởng nào thì phong toả phân xưởng đó, không phong toả toàn bộ doanh nghiệp. Sau khi đưa F0 và F1 đi cách ly thì thực hiện phun khử khuẩn và làm vệ sinh phân xưởng để 24h sau đó có thể đưa lực lượng mới vào sản xuất.
Nhiều chính sách đã ban hành để doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất trong tình hình dịch
Tổng kết lại những hoạt động để tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, có thể thấy trong năm 2020 và 2021, Bộ Y tế đã trình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia ban hành Công văn 2194 về công tác chống dịch trong khu công nghiệp; ban hành Quyết định 2787 quy định cụ thể rõ ràng các biện pháp chống dịch trong doanh nghiệp và nhà máy, xí nghiệp.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề an toàn phòng chống dịch trong lưu thông hàng hóa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch ở các trung tâm thương mại, các chợ, khu chế xuất, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án để đảm bảo sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch.
Thứ trưởng đã nêu những biện pháp chống dịch hiệu quả cho doanh nghiệp và đã được thí điểm ở Bắc Ninh đó là: “Phương án “3 tại chỗ”; “2 điểm đến 1 cung đường”. Thực tế đã cho thấy công tác phòng chống dịch với phương thức sản xuất như vậy đem lại hiệu quả rất căn cơ cho các doanh nghiệp.
Phương án “2 điểm đến 1 cung đường” có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp bố trí địa điểm cho công nhân ăn ở tập trung, hỗ trợ bố trí phương tiện đưa công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc để làm sao an toàn, công nhân chỉ từ nơi ở di chuyển đến nơi làm việc, sau đó về nơi ở”.
Kế hoạch để doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân tuyên cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bộ Y tế đang dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Dự thảo đang được xin ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo và sẽ được sớm ban hành. Đây cũng là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp bước vào sản xuất trong tình hình mới
Hướng dẫn này gồm đầy đủ các yếu tố như phòng chống dịch trong điều kiện bình thường; phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất trong điều kiện nhà máy xuất hiện ca F0; hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xét nghiệm đặc biệt là tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm về việc công bố kết quả xét nghiệm”.
Ngoài ra, trong buổi tọa đàm Thứ trưởng cũng làm rõ hơn khái niệm “5 xanh” nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về khôi phục sản xuất trong tình hình mới đó là: địa bàn “xanh”, doanh nghiệp “xanh”, nơi ở “xanh”, vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc “xanh”, công nhân “xanh” (tiêm đầy đủ vắc-xin theo quy định hoặc nhiễm đã khỏi bệnh).
Để thực hiện tốt dự thảo triển khai khái niệm trên, Thứ trưởng đề nghị các địa phương phải quán triệt nghiêm túc hướng dẫn về thực hiện vấn đề trên đến các cấp, ngành và doanh nghiệp. Từ đó, địa phương cần rà soát lại phương án doanh nghiệp đã xây dựng trước đây để điều chỉnh bổ sung, thích ứng với tình hình hiện nay.
Theo đó, chỉ đạo hướng dẫn doanh nghiệp củng cố kiện toàn phòng y tế của các doanh nghiệp. Phòng y tế trong doanh nghiệp không chỉ theo dõi hằng ngày sức khoẻ cán bộ, tham gia khám chữa bệnh định kỳ mà khi diễn biến dịch tại địa phương, nhà máy có thay đổi thì cán bộ y tế ở đây đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ phải tham mưu phương án chống dịch cùng doanh nghiệp và địa phương.
Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đang dự thảo việc giao cho doanh nghiệp tự chủ và tự chịu trách nhiệm về xét nghiệm và kết quả xét nghiệm. Nhấn mạnh cán bộ y tế ở doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết với y tế địa phương. Nếu có nghi ngờ phải phản ánh kịp thời để khoanh vùng dập dịch với diện hẹp nhất là phân xưởng.
Doanh nghiệp cần có trách nhiệm về an toàn lao động cho công nhân trong mùa dịch bệnh
Trong dự thảo cũng sẽ đề nghị doanh nghiệp phải cam kết với địa phương về phương án đã xây dựng và được phê duyệt. Cần thực hiện tốt việc phòng chống dịch tại cơ sở của mình và đặc biệt hướng dẫn tốt thực hiện “5K” trong sản xuất và sinh hoạt của công nhân.
Doanh nghiệp cần lập danh sách người lao động cung cấp cho Sở Y tế địa phương để xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin theo tiến độ vắc-xin được cấp về địa phương.
Cuối cùng, để thực hiện tốt được kế hoạch khôi phục sản xuất thì địa phương và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Địa phương cần thành lập một tổ xử lý tình huống phát sinh cho doanh nghiệp trong trạng thái vừa sản xuất vừa chống dịch bệnh. Từ đó, những tình huống phát sinh trong sản xuất sắp tới mới được giải quyết lập tức ngay tại địa phương.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ: “Trước diễn biến dịch hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương có giải pháp phòng chống dịch hết sức linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch cũng như bảo đảm cho sản xuất.
Với thông điệp Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra là “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, tôi đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài hãy yên tâm, tin tưởng vào công tác chỉ đạo, phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới và chắc chắn với những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ổn định và phát triển hơn nữa”.
Tác giả: Hồng Bích
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy