Dòng sự kiện:
60 năm Hội Luật gia Việt Nam: Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế
26/03/2015 08:15:54
ANTT.VN – 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam luôn đoàn kết, tổ chức và vận động các luật gia Việt Nam góp phần thực hiện đường lối cách mạng đối nội và đối ngoại trong lĩnh vực pháp luật.

Tin liên quan

 
Trong đối ngoại, Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác pháp luật với các nước. Hàng năm Hội tổ chức nhiều chuyến thăm song phương để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các hiệp hội nghề luật của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hội tiếp tục thiết lập quan hệ hợp tác với Hiệp Hội Luật gia, luật sư một số quốc gia khác như Đoàn Luật sư Seoul - Hàn Quốc, Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ, Hội Luật gia Belarus.

Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh tiếp đoàn luật sư Hàn Quốc


 Đặc biệt trong giai đoạn này, với điều kiện nguồn lực của các cấp Hội còn hạn hẹp, Trung ương Hội đã tranh thủ được tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế và nước ngoài để tăng cường, thúc đẩy các hoạt động chiến lược của Hội, đặc biệt là các hoạt động trợ giúp pháp lý và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Trong đó phải kể đến là các dự án hợp tác với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp quốc (UNICEF), Actiona Aid, Viện KAS (CHLB Đức), Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức); Hiệp hội Luật sư Canada (CBA); Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA); Trung tâm Nhân quyền Nauy; Tổ chức X-CON của Thuỵ Điển.

Hội Luật gia Việt Nam làm việc cùng đoàn đại biểu hội Luật học Trung Quốc


 Ngoài ra, Hội cũng tăng cường, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế thông qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo khu vực và quốc tế về Hiến chương ASEAN; về bảo vệ quyền của người lao động di trú; về gia nhập và thực thi Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế...

Đặc biệt là từ năm 2009 đến nay, Hội đã liên tục phối hợp với Học viện quan hệ ngoại giao - Bộ Ngoại giao, trường Đại học Luật Hồ Chí Minh tổ chức nhiều cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông, gây tiếng vang lớn trên vũ đài pháp lý quốc tế, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về các vấn đề pháp lý trên Biển Đông để có tiếng nói ủng hộ cho quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.


 
Một mốc son đỏ trong hoạt động đối ngoại của Hội trong giai đoạn này, đó là việc tổ chức thành công Đại hội Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) lần thứ 17 và Đại hội Hiệp Hội luật các nước Đông Nam Á (ALA) lần thứ X tại Hà Nội vào năm 2009. Đặc biệt vinh dự là tại Đại hội ALA lần thứ X, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh được bầu làm Chủ tịch ALA nhiệm kỳ 2009 – 2012. Trong suốt nhiệm kỳ làm Chủ tịch ALA, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp để đổi mới các hoạt động của ALA, đồng thời đã tích cực thúc đẩy để nước cuối cùng của ASEAN là Miamar gia nhập ALA vào năm 2012.

Nguyên chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh được bầu làm Chủ tịch ALA nhiệm kỳ 2009 – 2012
 

Cũng trong năm 2009, Hội Luật gia Việt Nam với sự giúp đỡ của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) đã tham gia giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin khởi kiện các Công ty hoá chất Hoa Kỳ để đòi bồi thường cho các nạn nhân. Hội cung cấp các văn bản pháp lý và tổ chức toạ đàm để kêu gọi sự giúp đỡ đối với các nạn nhân chất độc da cam.

 Năm 2013 Hội Luật gia Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các cuộc họp IADL để tranh thủ sự ủng hộ của giới luật gia quốc tế đối với Việt Nam. Ngày 11 tháng 11 năm 2013, IADL đã ra tuyên bố kêu gọi các bên không tiến hành các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngày 09/5/2014 và ngày 25/6/2014 Hội  Luật gia Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam và có các hành động leo thang đâm chìm tàu cá của Việt Nam, đồng thời thông báo sự việc cho toàn thể các thành viên của IADL và đề nghị IADL ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền trong thềm lục địa của mình. Ngày 11.6.2014, IADL đã công bố bản tuyên bố về vấn đề này và Chủ tịch IADL gửi thư đến Chính phủ và các cơ quan liên quan của Trung Quốc yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
 
Với những thành tựu nói trên, giai đoạn 2004 - 2015 đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Hội. Những kết quả tốt đẹp đó mở ra những cơ hội mới để Hội tiếp tục phát triển  cùng với sự phát triển của đất nước và sự tiến bộ của xã hội.

Thu Thủy


 
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến