Agriseco mất trắng 230 tỷ đồng ở GPBank
04/11/2015 09:46:16
Sau khi GPBank bị mua với giá 0 đồng, tất cả cổ đông của ngân hàng đều mất trắng cổ phần và một số ít còn bị khởi tố, bắt giam để điều tra sai phạm. Một số cổ đông pháp nhân đã và đang bị “hao hụt” lợi nhuận vì mất trắng khoản đầu tư vào GPBank.

Tin liên quan

Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường đầu tháng 7/2015, các cổ đông của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) đã không xem xét thông qua được phương án tăng vốn điều lệ để bù đắp thua lỗ âm vốn (thấp hơn mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng). Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố mua lại GPBank với giá 0 đồng.

Agriseco mất 230 tỷ đồng

Những cổ đông tổ chức có lẽ sẽ khó xử nhất khi bỗng dưng bị mất khoản đầu tư trị giá cả chục, cả trăm tỷ đồng. Lặng lẽ, âm thầm chấp nhận số phận của ngân hàng 0 đồng – như một rủi ro bất khả kháng trong kinh doanh – là tâm lý chung của các cổ đông tổ chức.

Một trong số này là công ty CP Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest). Tại thời điểm chốt danh sách họp ĐHCĐ bất thường của GPBank, công ty này sở hữu 3 triệu cổ phần ngân hàng, tương ứng giá trị mệnh giá là 30 tỷ đồng.

Theo đại diện công ty đến dự họp, GP Invest đã tính toán việc trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này. Và trường hợp xấu nhất là GPBank bị NHNN tuyên bố mua lại 0 đồng thì GP Invest sẽ mất trắng, phải trích dự phòng rủi ro 100%.

Chỉ vài ngày sau cuộc họp này, GPBank đã được định đoạt bị mua 0 đồng nên GP Invest cùng hàng trăm cổ đông lớn nhỏ đều mất tư cách, quyền và lợi ích với cổ phần sở hữu tại ngân hàng.

Nhưng tại ĐHCĐ thường niên của GP Invest diễn ra hồi tháng 3/2015, rủi ro mất trắng khoản đầu tư tại GPBank không hề được lãnh đạo công ty đề cập đến, dù đã xuất hiện thông tin đồn đoán ngân hàng bị mua 0 đồng.

Đến nay, GP Invest chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 nên không rõ cổ đông này đã trích dự phòng rủi ro và bị “hao hụt” lợi nhuận ra sao?

Trường hợp khác, công ty Chứng khoán Agriseco (thuộc Agribank) lại khổ sở vì nhận cầm cố cổ phiếu GPBank với giá trị trên sổ sách khoảng 230 tỷ đồng. Vừa qua, Agriseco đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2015 với hàng loạt vấn đề “nóng” về yếu kém trong hoạt động kinh doanh, thua lỗ nặng, nợ khó đòi tăng cao… được cổ đông chất vấn.

Đáng chú ý, cổ đông đã chất vấn về khoản cầm cố cổ phiếu GPBank giá trị khoảng 230 tỷ đồng mà nay đã thành 0 đồng thì Hội đồng quản trị công ty sẽ giải quyết như thế nào?

Mặc dù Biên bản họp ĐHĐCĐ (công bố trên website) ghi rõ HĐQT Agriseco đã trả lời đầy đủ và thỏa đáng câu hỏi này của cổ đông, nhưng lại không công bố nội dung trả lời cụ thể. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng cho khoản đầu tư cổ phiếu GPBank là nguyên nhân chủ yếu khiến công ty bị lỗ tới 38,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015 (năm 2014, công ty lãi trước thuế 36 tỷ đồng). Thực tế, không chỉ cổ đông GPBank, hàng nghìn cổ đông của hai ngân hàng 0 đồng khác là VNCB, Oceanbank đều chung số phận bị mất trắng khoản tiền đầu tư.

Bù đắp khoản mất vốn

Không ít nhà đầu tư cá nhân vẫn mua cổ phiếu của các ngân hàng yếu kém này với giá rẻ bèo khi những người khác thoát hàng, tháo chạy, mà chưa lường hết rủi ro. “Tôi cứ hi vọng ngân hàng sẽ được “giải cứu” theo cách sáp nhập, hợp nhất để hoán đổi lấy cổ phần của ngân hàng tốt hơn. Hoặc sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để ngân hàng có hi vọng “hồi sinh”, chứ không ngờ ngân hàng lại bị mua 0 đồng”- một cổ đông sở hữu 20.000 cổ phần GPBank chia sẻ.

Còn với những cổ đông, nhà đầu tư tổ chức, khoản đầu tư bị mất ở ngân hàng 0 đồng sẽ phải xử lý và bù đắp bằng nguồn lợi nhuận từ kinh doanh. Đơn cử, Agriseco đã phải lấy lợi nhuận để bù đắp một phần mất mát trong số khoản đầu tư 230 tỷ đồng nêu trên.

Được biết, năm 2015, Agriseco đặt mục tiêu doanh thu hơn 225 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn… 10 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận năm 2014 cũng chỉ ở mức 20,3 tỷ đồng, thì dường như Agriseco sẽ khó có thể bù đắp nổi khoản mất vốn tại GPBank.

Tương tự, lợi nhuận của GP Invest bị ảnh hưởng lớn từ thị trường bất động sản suy thoái và đến năm ngoái, công ty mới cải thiện lợi nhuận đạt 155 tỷ đồng. Có thể thấy, lợi nhuận năm 2015 sẽ phải trích dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư 30 tỷ đồng vào cổ phiếu GPbank đã bị mất.

Theo một số chuyên gia tài chính, doanh nghiệp có thể thực hiện trích lập dự phòng rủi ro khoản đầu tư theo định kỳ (kéo dài nhiều năm) để giảm bớt ảnh hưởng tới số liệu lợi nhuận trong năm. Nhưng về bản chất, tiền của doanh nghiệp đã bị mất đi cũng tương ứng số lợi nhuận bị “hao hụt”, mà lẽ ra sẽ dùng để chia cổ tức cho cổ đông, bổ sung vốn đầu tư, kinh doanh…

Theo Thời báo Kinh doanh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến