Dòng sự kiện:
Bác sĩ quân y chữa nhiều ca bệnh khó, được mệnh danh người 'trêu ngươi thần chết'
21/09/2017 20:08:54
Một sáng thu, chúng tôi đến thăm căn nhà nhỏ của bác sĩ quân y Đặng Cát nằm tận sâu trong một con ngõ, đường Lạc Long Quân, Tây Hồ (Hà Nội), người gần 30 năm qua miệt mài chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân.

Căn nhà nhỏ 15m2, đồ đạc đơn sơ nhưng lúc nào cũng ấm áp tình người. Ông Cát pha một ấm trà nóng và mời chúng tôi ăn bằng được miếng bánh đa vừng của một người họ hàng từ quê gửi lên biếu ông.

Bác sĩ quân y Đặng Cát sinh năm 1938 tại Nam Định, trong một gia đình có truyền thống về nghề y. Ông nhập ngũ năm 1952 và được phân công làm y tá cho Đội Điều trị 2 của Cục Quân y, dấu chân của ông in khắp các chiến trường từ Tây Bắc đến Thượng Lào và cả chiến trường Điện Biên Phủ.

Bác sĩ quân y Đặng Cát niềm nở tâm sự với phóng viên An ninh tiền tệ

Năm 1970, ông được cử về làm Chủ nhiệm quân y tại Công an vũ trang tỉnh Sơn La. Trong thời gian gắn bó với mảnh đất này, ông đã được nghe nhiều về những bài thuốc dân gian kỳ lạ. Từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu các bài thuốc dân gian dùng kết hợp với thuốc tây y cho hiệu quả chữa bệnh cao, nhất là đối với những ca bệnh khó.

Về hưu, ông Cát không chọn một cuộc sống an nhàn bên vợ con, sáng uống trà đọc báo, chiều tập dưỡng sinh mà ông tiếp tục miệt mài khám chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Ông tâm sự: “Tôi làm vì nhớ nghề, 30 năm gắn bó làm sao mà không nhớ. Hơn nữa tôi có kiến thức và kinh nghiệm đi nhiều nơi, chữa nhiều bệnh, gặp nhiều hoàn cảnh, để nó nằm im lìm, bất động thì hoài phí nên tôi cố gắng đưa tri thức của mình vận dụng vào thực tế chữa bệnh”.

Ông Cát chia sẻ thêm, ông đã từng nhiều lần gặp Bác Hồ, đặc biệt là năm 1959, khi Bác Hồ đến thăm đơn vị của ông và trò chuyện dặn dò về y đức. Ông luôn khắc cốt ghi tâm từng lời của Bác cho đến tận bây giờ và đó cũng là động lực để ông không bao giờ ngừng nghỉ.

Lúc đầu, bệnh nhân của ông chỉ là bà con lối xóm, sau dần thấy ông chữa bệnh “mát tay” lại ân cần, chu đáo với người bệnh, tiếng lành đồn xa, nhiều người trong Nam ngoài Bắc và cả người nước ngoài cũng tìm đến bác sĩ Cát để được tư vấn, chữa bệnh.

Chiếc mũ cối và con xe đạp cà tàng theo ông Cát rong ruổi khắp các con đường lớn, ngõ nhỏ, đâu có người bệnh cần là ông sẵn sàng tới. Dẫu rằng phần bắp cánh tay trái của ông Cát phải dùng nẹp vĩnh viễn, thường đau nhức mỗi khi trái gió trở trời do di chứng chiến tranh.

“Bốn năm nay, sức khỏe tôi yếu dần, vợ và con cháu không cho đi nữa. Thêm nữa, mình đến nhà người ta thì chỉ khám được một người, còn ở nhà thì khám được nhiều người hơn. Tôi đi vắng, người bệnh đến nhà không gặp được lại phải chờ đợi”, ông Cát tâm sự.

Tủ thuốc của bác sĩ Đặng Cát

Ông Cát tếu táo: “Tôi ở nhà chỉ có ba nhiệm vụ: thứ nhất là nấu cơm ngày ba bữa, thứ hai là bơm nước, vì sân và nhà thấp hơn nhiều so với nền đường bên ngoài nên cứ mưa mười năm phút là nước tràn vào nhà, có những đêm mưa to phải thức trắng để bơm nước; thứ ba là thăm khám và chữa bệnh miễn phí cho mọi người”.

Người ta thường nói đùa rằng, bác sĩ Cát “trêu ngươi thần chết” bởi có những người bệnh đứng trên bờ vực của cái chết nhưng đều được ông Cát kéo trở lại với sự sống.

Ông kể: “Hôm ấy, khoảng 12 giờ đêm, trời rét căm căm, nghe tiếng đập cửa, ông bật dậy. Thì ra là bà hàng xóm nhờ ông cấp cứu cho cô con dâu uống thuốc trừ sâu. Bệnh nhân sùi bọt mép, co giật, người nhà sợ đưa đi bệnh viện thì không kịp.

Tôi vội xách bộ đồ nghề chạy sang. Đến nơi thấy nạn nhân có nhiều biểu hiện đồng tử giãn, bắt đầu mất ý thức. Lúc ấy, người thì pha nước gừng, nước chanh, nước đường nhưng tôi bảo đổ hết đi, lấy ngay cho tôi 2 lòng trắng trứng cho bệnh nhân uống. Sau đó cô ấy nôn thốc nôn tháo và qua được cơn nguy kịch”.

Gặp và trò chuyện với những bệnh nhân của ông Cát, chúng tôi càng cảm phục người bác sĩ quân y tận tụy và giàu lòng nhân hậu ấy. Ông Vũ Văn Lâm ở Xuân La, Tây Hồ (Hà Nội) tâm sự: “Tôi bị thoái hóa cột sống, nằm liệt giường. May mắn tôi gặp được ông Cát. Cứ cách ngày ông Cát lại đến nhà chữa trị cho tôi bất kể nắng mưa. Bây giờ sức khỏe của tôi trở lại bình thường rồi. Sáng nào tôi cũng đạp xe bờ hồ Tây”.

Ông Trần Đức Việt (Quảng Trị) chia sẻ: "Tôi và hai ông bạn cùng xã lại cùng mắc một căn bệnh. Nghe tiếng bác sĩ Cát nên chúng tôi bắt xe khách ra Hà Nội. Ông Cát khám tận tình lắm mà chẳng lấy một đồng tiền công. Ông bảo tiền tàu xe đã tốn kém lắm rồi. Chúng tôi uống thuốc theo đơn của bác sĩ Cát được hơn một tháng, bệnh tình đã thuyên giảm nhiều".

Ông Cát nhấn mạnh: “Chữa bệnh như cứu hỏa, tôi không nghĩ đến chuyện tiền bạc. Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để chữa bệnh đơn giản nhất, hiệu quả nhất và đỡ tốn kém nhất cho người bệnh. Tôi không phân biệt người giàu hay người nghèo, dù là ai tôi cũng không lấy một chinh, một xu nào”.

Có những bệnh nhân nghèo quá, ông Cát còn lấy tiền lương hưu của mình để mua thuốc giúp họ điều trị. Khi hỏi, vất vả như thế, sao ông không lấy một ít tiền công khám, ông chỉ cười rồi nói: “Tôi có nhà nước nuôi bằng lương hưu rồi”.

Nhiều gia đình coi ông như là ân nhân, thỉnh thoảng vẫn ghé qua thăm như con cháu trong nhà. “Nhìn thấy họ khỏe mạnh là tôi thấy vui lắm rồi”, ông Cát hồ hởi.

Ông Cát chỉ cho phóng viên những bức tranh ông được bệnh nhân tặng

Ông Cát chỉ lên bức tường đã lấm tấm rêu phong: “Bức tranh thư pháp chữ Tâm của một bệnh nhân người Phủ Lý (Hà Nam). Bức tranh thêu chữ Nhẫn của vợ chồng nhà anh Hà bên Từ Liêm (Hà Nội). Còn kia là bức tranh của hai thầy trò trường Đại học Mỹ Thuật vẽ tặng sau khi được tôi chữa khỏi bệnh”.

Cuộc nói chuyện kết thúc khi có rất nhiều bệnh nhân đang chờ ông Cát khám. Ông tiễn chúng tôi ra tận ngõ, cái bắt tay ấm áp như chính tấm lòng của người bác sĩ quân y...

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến