Dòng sự kiện:
Bất ngờ với những dự án bất động sản 'đáng sống'
30/07/2020 14:15:36
Hàng loạt dự án bất động sản thông báo là dự án đáng sống, nhưng khi khảo sát thực tế ở các dự án này thì lại trái ngược với tiêu chí đáng sống mà doanh nghiệp công bố.

Dự án khu đô thị Cát Tường Western Pearl ngổn ngang xây dựng, không thấy tiện ích nhưng vẫn được cho là dự án đáng sống

Loạn dự án “đáng sống”

Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) vừa công bố dự án khu đô thị Cát Tường Western Pearl (TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) của mình đạt danh hiệu dự án đáng sống. Theo doanh nghiệp này thì dự án được xây dựng trên diện tích 78ha, với các phân khúc đất nền, nhà phố liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự. Hiện hạ tầng dự án đã xây dựng xong, tiện ích độc đáo đẳng cấp, hòa quyện giữa không gian sống xanh và giá trị sinh thái bền vững…

Thế nhưng thực tế khảo sát của phóng viên Nhadautu.vn, dự án này nằm tại trung tâm TP. Vị Thanh, và theo ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang thì TP Vị Thanh với dân số khoảng 200.000 người nhưng được quy hoạch mời gọi 21 dự án bất động sản mới. Trong đó, các dự án này đều vắng người ở, cỏ phát triển nhanh hơn số lượng người dân nơi đây.

Đặc biệt, ở dự án Cát Tường Western Pearl hiện đang được chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và một khu nhà phố thương mại dự án, các tiện ích chỉ là cổng dự án và những bức tượng mô phỏng kim tự tháp của Ai Cập… Bên cạnh đó, dù là trung tâm của TP. Vị Thanh nhưng khu vực lại thiếu trung tâm thương mại mua sắm, bệnh viện, trường học, công viên cây xanh.

Tại dự án Western Pearl tại TP. Vị Thanh, giá mỗi m2 đất tại đây được chủ đầu tư chào bán từ 10,5 triệu đến 13 triệu/m2, giá nhà thô xây sẵn hiện từ 4,5 đến trên 5 tỷ/căn diện tích 5x20. Trong khi đó, theo số liệu từ UBND tỉnh Hậu Giang thì thu nhập đầu người của tỉnh mỗi năm là 1.935 USD, tính ra mỗi tháng mỗi người dân thu nhập khoảng 4 triệu/tháng. Điều này cho thấy thu nhập người dân và giá bất động sản đang vênh nhau khá lớn.

Một dự án cũng đang được quảng cáo là dự án đáng sống mang tên Khu đô thị Stella Mega City, thuộc khu dân cư Ngân Thuận, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ do Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận làm chủ đầu tư. Theo quảng cáo, Khu đô thị Stella Mega City có tổng diện tích hơn 150 ha với 5.000 lô đất nền, diện tích các lô đất dao động từ 80 m2 - 170 m2. Ngoài ra, khu đô thị còn được đầu tư hạ tầng với đường nội khu trải nhựa lộ giới 6m, vỉa hè cây xanh, đèn điện chiếu sáng, cảnh quan môi trường sống.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này trước đây thuộc nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Một vị lãnh đạo của Công ty CP Địa ốc Him Lam cho biết, năm 2017 doanh nghiệp này xuống tìm hiểu để mua lại dự án này từ ngân hàng Sacombank để triển khai dự án, thế nhưng khi tìm hiểu thì dự án nằm trong khu ảnh hưởng của chất động da cam và thuộc khu bom, mìn của chiến tranh trước năm 1975 nên khi triển khai phải xử lý những tàn tích chiến tranh để lại nên doanh nghiệp quyết định không triển khai mua dự án này. Bên cạnh đó, dự án đang được triển khai từ những năm 2008, các tiện ích xuống cấp nghiêm trọng… và năm 2019, dự án này đã từng được chủ đầu tư quảng cáo rao bán rầm rộ nhưng sau đó khách hàng không mua nên đã ngưng triển khai bán. Hiện bắt đầu triển khai bán trở lại.

Năm 2019, dự án Khu đô thị sinh thái Gamuda Gardens do Công ty Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư cũng được chủ đầu tư này quảng cáo là dự án đạt danh hiệu dự án đáng sống. Dự án được xây dựng trên diện tích 75 ha tại phường Trần Phú và Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội với dòng sản phẩm chung cư, nhà phố. Thế nhưng, đầu tháng 7 vừa qua, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Khu đô thị mới Gamuda Gardens phản ánh với báo chí rằng trong thời gian nhận bàn giao nhà, khách hàng nhận thấy diện tích không giống với Hợp đồng mua bán nên đã nhờ sự can thiệp của bên thứ ba (đơn vị đủ chức năng đo đạc theo quy định pháp luật). Sau khi tiến hành đo đạc thì hầu hết diện tích của 108 nhà liền kề dự án ST5 - Gamuda Gardens đều thiếu hụt diện tích mặt sàn so với trong Hợp đồng mua bán…

Sợ hai chữ “đáng sống”

Ông Nguyễn Văn Long, ngụ tại dự án H.L P.A quận 9, một dự án năm 2018 được giải dự án đáng sống và chủ đầu tư đã lấy thông tin này để quảng cáo bán nhà cho khách hàng. Thế nhưng, ông Long cho biết cuối năm 2018 dự án được bàn giao cho khách hàng, nhưng khác với hai từ “đáng sống” thì dự án lại là nỗi sợ khi sống tại dự án này và rồi người dân phải trả lại nhà cho chủ đầu tư vì dự án nằm cạnh một nhà máy sản xuất giấy, hằng ngày nhà máy sản xuất 20 tiếng, khói, mùi hôi từ nhà máy giấy xả thẳng vào khu dân cư. Cộng thêm việc cạnh dự án là một trạm trung truyển rác thải của phường Phước Long A quận 9.

“Mùi hôi thối bay vào chung cư, kết quả người dân không thể ở được đã biểu tình và hàng trăm khách hàng trả lại nhà cho chủ đầu tư để đi nơi khác sống. Từ đó, khi nghe hai từ đáng sống thì chúng tôi đều lắc đầu ngao ngán”, ông Long nói.

Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Đại Phúc Land thì dự án đáng sống phải hội tụ đầy đủ các yếu tố. Thứ nhất là hạ tầng giao thông kết nối phải hoàn thiện, không kẹt xe, ngập nước. Thứ 2 dự án phải hội tụ đủ các tiện ích như trung tâm thương mại mua sắm, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, cây xanh… để cư dân sinh sống.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên khoa Maketing trường Đại học Tài chính Maketing TP.HCM cho rằng hiện tại có khá nhiều giải cho doanh nghiệp và dự án bất động sản. Tuy nhiên, khi tham gia chấm giải thì các đơn vị tổ chức không khảo sát thực tế dự án mà chỉ chấm dựa trên các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp.

“Chính vì vậy, mới có việc dự án đang xây dựng nhưng đã nhận được giải đáng sống. Và khi dự án được bàn giao cho khách hàng thì mới vỡ lẽ rằng dự án đó không hề đáng sống. Còn phía doanh nghiệp cũng lấy cớ đó mà quảng cáo bán hàng với khách hàng, kết quả của việc có đáng sống hay không thì phải mất thời gian dài. Sau đó khi khách hàng về ở mới kiểm chứng được đó có thực sự đáng sống hay không. Và khi người dân phát hiện ra dự án không phải đáng sống thì đã quá muộn”, ông Hùng cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay có khá nhiều dự án bất động sản lớn tại TP.HCM và các tỉnh lân cận khi quảng cáo và bán hàng đều vẽ ra những tiện ích như giao thông, trường học, bệnh viện trong tương lai sẽ xây dựng. Nhưng sau khi bán được hàng, người dân vẫn không thấy giao thông, trường học, bệnh viện… được xây dựng. Kết quả, họ không thể về ở và rồi các dự án không bóng người xuất hiện mỗi lúc một nhiều.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến