Tin liên quan
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sản xuất của Volkswagen ngày 23/9/2008 (Ảnh: Getty Images)
Vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen đã làm “rung chuyển” ngành công nghiệp và chính trị nước Đức. Các nhà phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng của hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng có thể phát triển thành một mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Volkswagen là hãng sản xuất xe hơi lớn nhất nước Đức đồng thời cũng là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất nước này. Với hơn 270.000 nhân viên làm việc trong nước và thậm chí một số lượng lớn hơn nữa nhân công đang làm việc cho các nhà cung cấp, là đối tác của Volkswagen.
Giám đốc điều hành của Volkswagen ông Martin Winterkorn đã trả giá cho vụ bê bối của công ty sau khi hãng xe này thừa nhận đã gắn phần mềm gian lận để đánh lừa bài kiểm tra về khí thải trên một số mẫu xe chạy động cơ diesel của hãng ở Mỹ. Ông Winterkorn đã từ chức vào hôm qua (23/9) đồng thời các nhà kinh tế cũng đang đánh giá các tác động của vụ bê bối trên đối với nền kinh tế khỏe mạnh trước đó của Đức.
Nhà kinh tế trưởng của ING Carsten Brzeski nói với hãng thông tấn Reuters “Sự việc diễn ra quá bất ngờ, Volkswagen đã trở thành một rủi ro lớn đối với kinh tế Đức, lớn hơn cả cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp”. Đồng thời ông nói thêm: “Nếu doanh số bán hàng của Volkswagen giảm sút mạnh ở Bắc Mỹ trong những tháng tới, điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ công ty, mà còn tác động đến cả nền kinh tế Đức”
Volkswagen bán được gần 600.000 xe tại thị trường Mỹ vào năm ngoái, chiếm khoảng 6% của tổng doanh thu bán hàng toàn cầu với 9,5 triệu xe của mình.
Cơ quan Bảo vệ mội trường Mỹ cho biết công ty có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt lên đến 18 tỷ USD, lớn hơn cả toàn bộ lợi nhuận mà Volkswagen kiếm được trong năm ngoái.
Mặc dù mức phạt lớn như vậy, nhưng nó vẫn nằm trong khả năng tài chính của Volkswagen với lượng tiền mặt sẵn có của hãng là 21 tỷ Euro tương đương 24 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều lo ngại được dấy lên về khả năng công ty này sẽ mạnh tay cắt giảm lượng một lớn lao động của mình.
Mối quan tâm lớn hơn cho chính phủ Đức hiện tại đó là các nhà sản xuất xe hơi khác như Daimler và BMW cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng từ vụ bê bối của Volkswagen. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm nào từ cả hai công ty trên do vậy, các nhà phân tích cho rằng quy mô của tác động sẽ bị hạn chế.
Chính phủ Đức cho biết vào hôm qua, ngành công nghiệp ô tô sẽ vẫn giữ vững vị trí “trụ cột quan trọng” đối với nền kinh tế nước này bất chấp khủng hoảng lớn xung quanh công ty Volkswagen.
Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế cho biết: “Đấy là một ngành công nghiệp có mức độ sáng tạo và thành công cao ở Đức, tạo ra được nhiều việc làm cho nước này”.
Nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng chính sự phụ thuộc của kinh tế Đức vào ngành công nghiệp xe hơi sẽ dẫn tới nguy cơ nước này không đạt được mức tăng trưởng 1,8% trong năm nay như dự kiến. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế mạnh từ Trung Quốc.
Chuyên gia công nghiệp của DIW tại Berlin, ông Martin Gorning nói với Reuters: “ Nếu doanh số bán ô tô đi xuống, điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới các nhà cung cấp xe và toàn bộ nền kinh tế”.
Trong năm 2014, khoảng 775.000 lao động làm việc trong lĩnh vực ô tô ở Đức, chiếm gần 2% trong tổng số toàn bộ lực lượng lao động cả nước.
Không những thế, xe hơi và phụ tùng xe hơi là ngành xuất khẩu thành công nhất của Đức- trị giá hơn 200 tỷ Euro (tương đương 225 tỷ USD) vào năm 2014, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức.
Người đứng đầu của Viện kinh tế IW, Đức cho biết: “Đó là lý do tại sao vụ bê bối này là không phải là chuyện nhỏ, nó làm cho nền kinh tế Đức bị đánh vào tận cốt lõi”
Cũng nhiều người cho rằng không nên phóng đại sự tác động của vấn đề này đến nền kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng của Commerzbank ông Joerg Kraemer nói với Reuters: “Tôi không nghĩ rằng ngành công nghiệp ô tô của Đức có thể bao hàm cả nền công nghiệp” và “sẽ không có một cuộc suy thoái xảy ra chỉ vì bê bối của chỉ một công ty duy nhất”.
Hiệp hội thương mại Đức BGA cũng cố gắng trấn an công chúng bằng cách thông báo không có dấu hiệu nào cho thấy khách hàng ở nước ngoài nghi ngờ về chất lượng và độ tin cậy của các công ty Đức.
Giám đốc quản lý BGA ông Andre Schwarz nói với Reuters: “Không có một sự nghi ngờ nói chung nào chống lại các hàng hóa gắn nhãn “Made in Germany” cả”. Nhưng đồng thời ông Andre cũng thừa nhận có một mức độ quan tâm nhất định trong các doanh nghiệp tại Đức rằng vụ bê bối gian lận khí thải trong động cơ diesel tại thị trường Mỹ của Volkswagen sẽ gây ra hiệu ứng domino lên các doanh nghiệp của họ, đồng thời làm tổn hại đến uy tín của nhãn hiệu “Made in Germany”.
Một số nhà quan sát cũng nhận ra một số sự trớ trêu từ vụ bê bối này. Trong khi nền kinh tế Đức đang phải đối chọi với khủng hoảng của đồng euro, và gần đây sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến nó. Thì bây giờ nền kinh tế Đức lại đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm lớn nhất từ chính bên trong nội tại nước này. Chuyên gia Brzeski nói: “Điểm trớ trêu hiện nay là mối đe dọa đang đến từ bên trong thay vì bên ngoài nền kinh tế Đức”.
Phương Phương – Theo Reuters
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy