Bê bối nhiễm chì: Người Việt chi 14 tỷ đồng mỗi ngày mua C2, Rồng đỏ
23/05/2016 16:59:14
ANTT.VN – Doanh số của URC liên tục tăng trưởng với tốc độ cao kể từ khi đặt chân vào Việt Nam vào năm 2006.

Tin liên quan

Những ngày qua, dư luận trong nước xôn xao trước việc Thanh tra Bộ Y tế có thông báo tạm dừng lưu thông và tiến hành thu hồi 3 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC vì kết quả xét nghiệm cho thấy có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Đã hai ngày trôi qua, URC vẫn chưa có bất cứ lời xin lỗi nào gửi tới người tiêu dùng. Trong lúc này, dư luận trong nước đang băn khoăn với câu hỏi URC là ai, và người Việt đã chi ra bao nhiều tiền cho các sản phẩm nhiễm chì C2 và Rồng đỏ của URC.

Cái tên URC (Universal Robina Corporation) còn tương đối xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên trên bình diện khu vực, tập đoàn Philipine này là một trong những hãng kinh doanh nước giải khát đóng chai và đồ ăn nhanh hàng đầu Đông Nam Á.

Tháng 4/2006, URC bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam, mang theo sản phẩm chủ lực là trà xanh C2. Phân khúc trà xanh khi đó nằm chủ yếu trong tay Tân Hiệp Phát (chiếm 60% thị trường).

Từ chỗ là một tên tuổi hoàn toàn xa lạ, đồng thời không được xếp ‘ngồi chung mâm’ với những gã khổng lồ Tân Hiệp Phát, Cocacola hay PepsiCo, tuy nhiên với chiến lược marketing hiệu quả, URC đã dần tăng được thị phần trong nước, chiếm 22% thị trường trà xanh đóng chai năm 2013, chỉ chịu thua Tân Hiệp Phát.

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, URC có 3 công ty con và 4 nhà máy được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế hoạt động tại Bình Dương, một nhà máy ở Hà Nội và một nhà máy ở VSIP Quảng Ngãi.

Người Việt chi hàng chục tỷ đồng mua C2, Rồng đỏ mỗi ngày

Trong báo cáo tài chính suốt nhiều năm qua, URC luôn khẳng định Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất.

Doanh số ở thị trường Việt Nam trong Q1, Q2, Q3/2015 lần lượt tăng trưởng ở mức 10,6%; 8,6%;7,6%.

Theo BCTC năm 2013 của URC, doanh số thị trường quốc tế ở mức 527 triệu USD. Việt Nam đóng góp tới 43,9% con số trên, tương đương 232 triệu USD.

Tập đoàn Philipine nhấn mạnh: “Tăng trưởng ấn tượng ở Việt Nam được đóng góp chủ yếu bởi các loại thức uống đóng chai C2 và Rồng đỏ”.

Việt Nam chiếm gần một nửa doanh số thị trường quốc tế của URC. Nguồn: BCTC URC 2013

Như vậy, trong năm 2013, bình quân mỗi ngày người Việt dành ra khoảng 0,63 triệu USD (tương đương 14 tỷ đồng) để mua các sản phẩm của URC, chủ yếu là C2 và Rồng đỏ.

Tới năm 2015, doanh số ở thị trường nước ngoài của URC tăng đột biến lên mức 736 triệu USD, cao hơn 36,6% so với năm 2014.

Tập đoàn này cho biết: “Tốc độ tăng trưởng ấn tượng chủ yếu nhờ doanh số tăng mạnh ở các thị trường Việt Nam, Thái Lan và Indonesia”. “Thị trường Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh dựa trên doanh số mạnh mẽ của thức uống C2 và Rồng đỏ. C2 cũng là là nhãn hiệu trà xanh số 1 tại thị trường này”.

Mặc dù không có số liệu cụ thể trong các năm 2014, 2015, tuy nhiên với những đánh giá như trên của URC, giả sử Việt Nam vẫn chiếm khoảng 44% doanh thu trên thị trường thế giới của tập đoàn này, thì có nghĩa rằng người Việt dành ra khoảng 324 triệu USD trong năm 2015 (trung bình 20 tỷ đồng/ ngày) để mua các sản phẩm của URC, chủ yếu là các thức uống C2 và Rồng đỏ.

6 tháng đầu năm tài chính 2016 (bắt đầu vào ngày 01/10/2015), tổng tài sản của tập đoàn URC (mẹ) ở mức 2,3 tỷ USD. Doanh số nhích nhẹ 5,2%, cuối kì đạt 1,26 tỷ USD, tuy nhiên lợi nhuận ròng tăng mạnh tới 30% lên 178 triệu USD.

Tập đoàn URC hiện có 32 công ty con, trong đó có 3 công ty tại Việt Nam, 2 tại Maylaysia, 2 tại Thái Lan.

Đáng chú ý, URC có tới 5 công ty con ở British Virgin Islands và 1 tại Cayman Islands, những nơi nổi tiếng là 2 ‘thiên đường thuế’ trên thế giới.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến