The Arena Cam Ranh xây trái phép
Gần đây, dư luận xôn xao với vụ việc Sở Xây dựng Khánh Hòa đã ra quyết định đình chỉ xây dựng dự án The Arena Cam Ranh vì xây dựng dự án không có giấy phép xây dựng.
Điều đáng nói, dự án này đã khởi công xây dựng gần 2 năm nay nhưng đến nay mới bị đình chỉ xây dựng, khiến dư luận đặt dấu hỏi về ông chủ đứng sau.
Theo tìm hiểu, năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP đầu tư du lịch và thể thao Trần Thái Nam Long thực hiện dự án “Khu liên hợp du lịch-thương mại-câu lạc bộ du thuyền Trần Thái Nam Long” tại các lô D14, TT9 và TT3, thuộc Khu 4 Bắc bán đảo Cam Ranh (TP. Cam Ranh) với 26,3ha trong thời hạn 50 năm.
Năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thay đổi giấy chứng nhận đầu tư trên cho CTCP Trần Thái Cam Ranh với quy mô 27,5 ha, thuê đất trả tiền hàng năm (thời hạn 50 năm), để xây dựng khu biệt thự và căn hộ để bán và cho thuê. Đồng thời, yêu cầu sau 4 năm, dự án phải xây dựng và đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, thay vì yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án như được phê duyệt, đúng tiến độ thì các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Khánh Hòa lại liên tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư và quy hoạch chi tiết cho dự án liên tục trong suốt từ năm 2012 đến cuối năm 2017.
Còn CTCP Trần Thái Cam Ranh được thành lập vào tháng 7/2009, với vốn điều lệ 212 tỷ đồng do 3 cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH bất động sản Phú An; Công ty TNHH bất động sản Trần Thái và bà Thái Ngọc Dung. Công ty này do ông Trần Minh Trí làm Chủ tịch HĐQT.
Công ty TNHH bất động sản Trần Thái là doanh nghiệp được vợ chồng ông Trần Minh Chí và bà Thái Ngọc Dung thành lập năm 2001. Cái tên Trần Thái có lẽ cũng bắt nguồn từ tên họ của hai doanh nhân này.
Trong khi, Công ty TNHH bất động sản Phú An được thành lập từ năm 1997. Công ty này do ông Chí và bà Dung làm chủ sở hữu với tỷ lệ 85%, 15% còn lại nằm trong tay cổ đông Trần Tuấn Huy.
Trở lại Công ty Trần Thái Cam Ranh, tháng 10/2016, cả 3 cổ đông sáng lập đồng loạt thoái vốn. Đồng thời, ông Trần Minh Chí cũng không còn là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Lúc này, xuất hiện cái tên hoàn toàn mới là Hà Thị Phương Thảo trở thành Tổng giám đốc/ người đại diện pháp luật. Bà Thảo được biết đến là vợ của doanh nhân Lê Anh Đức (hay còn gọi Đức “cá tầm”).
Sự thay đổi này dường như đồng nghĩa với việc “nhà” Trần Thái đã chuyển nhượng dự án The Arena Cam Ranh cho “nhà” Đức “cá tầm”.
Sau khi dự án chuyển chủ, năm 2017 The Arena Cam Ranh bắt đầu khởi công xây dựng dù chưa được cấp phép. Vậy doanh nhân Đức “cá tầm” là ai, và có năng lực ra sao? Và vì sao “nhà” Trần Thái lại từ bỏ dự án The Arena Cam Ranh?
“Hệ sinh thái” đáng nể của vợ chồng đại gia Đức “Cá tầm”
Là một trong những doanh nhân từng sinh sống và kinh doanh tại Nga, ông Lê Anh Đức được nhiều người biết đến với thành công từ việc nuôi thành công giống Cá tầm tại Việt Nam.
Chân dung ông Lê Anh Đức (Nguồn: catam.vn)
Sản phẩm trứng Cá tầm (Caviar) được ví như là "vàng đen", mang lại giá trị kinh tế cao đã tạo tiền đề cho ông Lê Anh Đức hay còn được biết đến với tên gọi Đức Cá tầm xây dựng nên cơ ngơi như ngày nay tại Việt Nam.
Không thể bỏ qua trong “hệ sinh thái” của ông Lê Anh Đức là Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam (Tập đoàn Cá tầm).
Công ty này được thành lập vào ngày 10/9/2009, đăng ký địa chỉ trụ sở tại 12B Hùng Vương, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là địa chỉ trụ sở của nhiều công ty khác mà vợ chồng ông Lê Anh Đức (SN 1978) và bà Hà Thị Phương Thảo (SN 1982) phát triển sau này.
Vị trí người đứng đầu tại Tập đoàn Cá tầm cũng thường xuyên có sự thay đổi giữa hai vợ chồng ông Lê Anh Đức trong những năm gần đây.
Cụ thể, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 7/4/2016, bà Hà Thị Phương Thảo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và người đại diện theo pháp luật, thay thế cho ông Lê Anh Đức tại Tập đoàn Cá tầm. Nhưng chỉ 1 năm sau, ông Lê Anh Đức lại đảm nhiệm vai trò của bà Hà Thị Phương Thảo.
Về lĩnh vực nuôi trồng và khai thác Cá tầm, Tập đoàn Cá tầm hiện đang sở hữu hệ thống gồm 6 công ty thành viên tại nhiều địa phương trên cả nước, có hoạt động sản xuất và kinh doanh tương đối độc lập với nhau.
Đáng chú ý, trong các công ty này Công ty Cổ phần Tầm Long Đa Mi được thành lập sớm hơn cả, từ năm 2008. Đây cũng là năm đánh dấu lứa cá tầm đầu tiên được nuôi thành công tại hồ Đa Mi (tỉnh Bình Thuận), khởi đầu cho những bước tiến mới của ông Lê Anh Đức.
Sau thành công đó, ông Đức đã thành lập nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại nhiều địa phương như Bình Định, Đắk Lắk, Sơn La, Đà Lạt để phát triển quy mô nuôi dưỡng và khai thác giống cá tầm.
Không chỉ vậy, ít ai biết Tập đoàn Cá tầm còn là công ty mẹ của Công ty Cổ phần Du lịch Cá Tầm (Du lịch Cá tầm), có ngành nghề chính là Điều hành tua du lịch (kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế).
Công ty Du lịch Cá tầm được thành lập ngày 25/11/2014, có vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam (chiếm 95% vốn điều lệ), ông Lê Anh Đức và bà Hà Thị Phương Thảo (chiếm 5% vốn điều lệ).
Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Tuấn (SN 1985), có hộ khẩu thường trú tại xóm Bắc Phong, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Ông Tuấn còn là Người đại diện theo pháp luật và Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Phát triển nhà Hà Quang 3 (được thành lập vào ngày 29/3/2016). Trong đó, có sự góp vốn của Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang (Hà Quang Land) – doanh nghiệp bất động sản cũng có mối liên hệ với các công ty trong “hệ sinh thái” của vợ chồng ông Lê Anh Đức, với tỷ lệ giảm dần từ 40% thời kỳ đầu thành lập xuống 14% vào cuối năm 2017.
Chưa đầy 1 năm sau, theo giấy phép đăng ký thay đổi được cấp ngày 16/4/2015, vị trí của ông Tuấn được thay bằng ông Phạm Quang Tùng (SN 1978).
Được biết, ông Tùng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Beluga Việt Nam (thành lập ngày 4/6/2010) chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm đồ uống có cồn, đặc biệt là hãng rượu nổi tiếng của Nga là Vodka Beluga.
Đến ngày 2/10/2015, ông Lê Anh Đức thay thế ông Phạm Quang Tùng trên cương vị Tổng giám đốc và là Người đại diện theo pháp luật của Du lịch Cá tầm.
Một công ty có tên “đậm chất" nghỉ dưỡng là Công ty TNHH Câu Lạc Bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh (CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh) cũng được ông Lê Anh Đức tiến hành thâu tóm vào đầu năm 2016.
Thực tế, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2015 với 2 cổ đông là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mefrimex và ông Đinh Đức Tuấn, vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Sau đó, theo giấy đăng ký kinh doanh cấp ngày 13/4/2016, vợ chồng ông Lê Anh Đức đã thế chỗ 2 cổ đông này, đánh dấu việc hoàn tất quá trình thâu tóm CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh.
Tới ngày 2/10/2017, vốn điều lệ của công ty này đã tăng lên mức 100 tỷ đồng và có sự góp mặt của cổ đông mới là bà Hà Vân Hiền với tỷ lệ sở hữu 2%. Đáng chú ý, bà Hiền cũng là một trong những cổ đông lớn tại một doanh nghiệp khác có liên quan tới vợ chồng ông Lê Anh Đức.
Được biết, CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh đang là chủ đầu tư của dự án “Khu đô thị Cam Ranh City Gate” với tổng diện tích 47,2 ha (7,2 ha mặt nước) tọa lạc tại vị trí đắc địa, giáp biển, nằm cạnh sân bay quốc tế Cam Ranh. Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2017 và được cập nhật tiến độ hàng tháng và phân phối độc quyền bởi Công ty Cổ phần Bất động sản Danh Khôi Việt (DKV).
Phối cảnh dự án Cam Ranh City Gate (Nguồn: camranhcitygate.info)
Tuy nhiên, mũi nhọn chính của ông Lê Anh Đức trong lĩnh vực Bất động sản phải kể đến Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang (Vịnh Nha Trang).
Công ty Vịnh Nha Trang được thành lập ngày 18/8/2014, với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư phát triển du lịch Vịnh Nha Trang với vốn điều lệ chỉ là 500 triệu đồng, người đại diện theo pháp luật bà Hà Thị Phương Thảo. Ngành nghề chính của Vịnh Nha Trang là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Quy mô vốn của công ty cũng tăng lên khá nhanh chóng, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 16/4/2015, công ty Vịnh Nha trang đã tăng vốn điều lệ lên 54 tỷ đồng. Tới tháng 5/2016, công ty này đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, nâng số vốn điều lệ từ 54 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Chiến lược phát triển tập trung vào lĩnh vực bất động sản, du lịch và nghỉ dưỡng tại các thị trường trọng điểm là Nha Trang, Cam Ranh, và Khánh Hòa.
Cơ cấu cổ đông cũng được tiết lộ, bao gồm: Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang – Hà Quang Land (120 tỷ đồng, chiếm 40%); bà Hà Thị Phương Thảo (120 tỷ đồng, chiếm 40%); bà Hà Vân Hiền (30 tỷ đồng, chiếm 10%) và ông Phạm Quang Tùng (30 tỷ đồng, chiếm 10%).
Chỉ 1 tháng sau, công ty Vịnh Nha Trang đã tiến hành khởi công dự án Panorama Nha Trang với tổng diện tích 4.483 m2, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Tới ngày 13/10/2017, công ty Vịnh Nha Trang tiếp tục khởi công dự án The Arena, một mô hình tổ hợp nghỉ dưỡng – du lịch – giải trí – thương mại quy mô 29 ha. Để có thể thực hiện dự án này, công ty Vịnh Nha Trang đã tiến hành thâu tóm Công ty Cổ phần Trần Thái Cam Ranh từ tập đoàn Trần Thái, tỷ lệ sở hữu được tiết lộ là tới 98% cổ phần.
Cập nhật theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 29/6/2018, công ty Vịnh Nha Trang đã tăng vốn lên tới 2.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tham gia góp vốn cũng có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, công ty Hà Quang Land giảm tỷ lệ sở hữu xuống 11,9%, ở chiều hướng ngược lại, cổ đông Hà Vân Hiền tăng tỷ lệ sở hữu lên 29,7%. Hai cổ đông còn lại là Hà Thị Phương Thảo và ông Phạm Quang Tùng không có nhiều thay đổi.
Ngày 30/6/2018, công ty Vịnh Nha Trang tiến hành khởi công dự án Nhà máy điện Mặt trời Phước Hữu tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án được thiết kế gồm nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp, với công suất lắp đặt 50MW và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.
Được biết, ông Lê Anh Đức còn tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Năng lượng vàng (Golden Energy) ngày 1/11/2017, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đăng ký trụ sở tại Tòa nhà Sacombank, số 757 đường Thống Nhất, phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Cơ cấu cổ đông là những cái tên quen thuộc là công ty Vịnh Nha Trang với 60 tỷ đồng (chiếm 20%), vợ chồng ông Lê Anh Đức chiếm 80% vốn điều lệ với giá trị vốn góp ghi nhần là 240 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 12/9/2018 cho thấy, công ty Vịnh Nha Trang đã triệt thoái toàn bộ số cổ phần tại Golden Energy và tỷ lệ sở hữu tập trung vào cá nhân ông Lê Anh Đức lên tới 97% vốn điều lệ.
Khánh Linh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy