Chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, không quân Trung Quốc ngày 23/1 điều đội hình hùng hậu gồm 8 oanh tạc cơ H-6K cùng nhiều tiêm kích hộ tống áp sát đảo Đài Loan.
Ngay sau đó, hải quân Mỹ lập tức thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào khu vực Biển Đông để "thực hiện các chiến dịch thường kỳ". Theodore Roosevelt được hộ tống bởi tàu tuần dương USS Bunker Hill cùng hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Russell và USS John Finn.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trên đường tới Biển Đông hôm 22/1. Ảnh: US Navy.
Chia sẻ với VnExpress, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, cho rằng dựa vào các tuyên bố về "hoạt động thường kỳ" của Mỹ, có thể thấy việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới Biển Đông đã được lên kế hoạch từ trước khi Biden tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, Thayer đánh giá đợt triển khai lực lượng hùng hậu này thể hiện tính liên tục trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc qua các đời tổng thống.
"Rõ ràng các quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương và Hạm đội 7 cho phép tiến hành hoạt động này ba ngày sau khi Biden nhậm chức vì hiểu rằng nó phù hợp với chính sách của tân Tổng thống", Thayer nói.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất. Trong 4 tháng qua, các máy bay quân sự Trung Quốc gần như hàng ngày đều áp sát đảo Đài Loan, nhưng thường gồm biên đội một hoặc hai chiếc. Hồi giữa tháng 9/2020, Trung Quốc đã tiến hành đợt triển khai lớn nhất với 37 phi vụ trong hai ngày.
Ngày 24/1, Trung Quốc tiếp tục điều 15 máy bay quân sự vào Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Ngày 25/1, một oanh tạc cơ B-52H của Mỹ xuất phát từ nước này tới Biển Đông, sau đó đáp xuống đảo Guam trên Thái Bình Dương.
"Việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay là cuộc phô diễn lực lượng nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc và trấn an Đài Loan", Thayer nhận định. Ông liệt kê chính quyền Biden đã đưa ra 4 tuyên bố quan trọng về Đài Loan và Nhật Bản vào tháng 1 để thể hiện quyết tâm và ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các hành động khiêu khích.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 19/1 nói tại phiên điều trần trước Thượng viện rằng Trung Quốc đặt ra thách thức quan trọng nhất đối với Mỹ và ông ủng hộ can dự nhiều hơn về vấn đề Đài Loan.
Hsiao Bi-khim, đại diện ngoại giao của Đài Loan tại Washington, được mời tham dự lễ nhậm chức ngày 20/1 của Joe Biden. Sau lễ nhậm chức, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết cam kết của Washington đối với Đài Loan là "vững chắc" và "Tổng thống Biden sẽ sát cánh với bạn bè và đồng minh để thúc đẩy sự thịnh vượng chung của chúng ta và các giá trị an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan".
Ngày 23/1, phản ứng trước việc máy bay Trung Quốc tiến vào ADIZ của Đài Loan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, thay vào đó tham gia vào đối thoại có ý nghĩa với Đài Loan. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng phòng vệ đầy đủ".
Một ngày sau, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi, tái khẳng định rằng Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ Mỹ - Nhật bao gồm cả nhóm đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cam kết này đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc tấn công Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ sẽ ra tay "tương trợ" Nhật Bản. Cả hai bộ trưởng quốc phòng "nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông".
"Những hành động này của chính quyền Biden gửi một tín hiệu rõ ràng cho Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không bị phân tâm bởi các vấn đề cấp bách trong nước. Mỹ có ý chí chính trị và năng lực để đáp lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với Đài Loan và Nhật Bản", Thayer nói.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), đánh giá chính quyền Biden ngay từ những ngày đầu đã thể hiện cam kết với an ninh khu vực, trong đó có việc đối trọng với Trung Quốc.
"Những động thái quân sự gần đây báo hiệu với Trung Quốc rằng Mỹ dưới thời chính quyền Biden tiếp tục coi Bắc Kinh là một thách thức, mặc dù họ có thể giải quyết theo những cách khác với Trump. Đồng thời, họ cũng trấn an các đồng minh và bạn bè trong khu vực", ông bình luận.
Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đánh giá chính sách và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ không thay đổi dưới thời chính quyền Biden. Vì vậy, chính sách và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn như cũ.
Lực lượng vũ trang Mỹ có đủ khả năng đánh bại quân đội Trung Quốc và khả năng này sẽ không suy giảm trong tương lai, bất chấp nhiều người hay nói rằng "nước Mỹ ngày càng suy yếu". Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Tư vẫn đủ mạnh mẽ và linh hoạt để thực hiện bất kỳ hành động nào trong mọi tình huống bất ngờ và xung đột, ông Koda đánh giá.
Việc triển khai tàu sân bay Theodore Roosevelt tới Biển Đông thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc hiện thực hóa các chính sách và chiến lược nêu trên. "Do đó, sự thay đổi chính quyền của Mỹ không phải là cơ hội cho chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc", ông Koda nói.
Cựu tư lệnh cho rằng Mỹ có ý chí mạnh mẽ bảo vệ các đối tác và đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, kể cả đồng minh không chính thức như đảo Đài Loan. Đồng thời, Mỹ cũng theo dõi rất kỹ các động thái của Trung Quốc với tất cả quốc gia khác trong khu vực. Ông nhận định Mỹ có thể sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào, kể cả áp lực vũ trang, nếu Trung Quốc cho những hành động bị coi là xâm phạm lợi ích của họ trong khu vực.
"Thông điệp của Mỹ là dưới thời chính quyền Biden, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các cam kết và bảo vệ lợi ích của mình", Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói. "Trung Quốc không nên đánh giá thấp chính quyền Biden, điều có thể dẫn đến tính toán sai lầm".
"Mỹ vẫn kiên quyết duy trì vị thế dẫn đầu trong khu vực. Chính quyền Biden phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng họ không có ý định để vị trí lãnh đạo của mình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương dễ dàng rơi vào tay Trung Quốc", Tiến sĩ Andrew Phillips, phó giáo sư Chiến lược và Quan hệ Quốc tế, trường Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Queensland, nói.
Tác giả: Phương Vũ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy