Dòng sự kiện:
Bộ GD&ĐT quá chậm trễ trong việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới?
11/09/2018 16:14:25
Mặc dù chưa đầy 1 năm nữa chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đi vào triển khai, nhưng đến thời điểm hiện tại bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành chương trình, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học.

Thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2019-2020. Trong đó, đối với cấp tiểu học từ năm 2019-2020, cấp THCS từ năm học 2020-2021 và cấp THPT năm học 2021-2022.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa ai biết được “hình hài” của chương trình này sẽ ra sao, khi mà bộ GD&ĐT đã quá chậm trong việc ban hành.

Anh Ngô Kim Lộc (Thanh Hóa) có con sẽ vào lớp 1 vào năm 2019-2020 hoang mang: “Một sự thay đổi lớn như vậy tuy nhiên bây giờ vẫn chưa công bố để các địa phương, nhà trường chuẩn bị. Liệu chuẩn bị chậm như vậy có đạt hiệu quả tốt nhất khi triển khai?”.

Buổi họp báo thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra vào tháng 1/2018.

Cùng chung lo lắng, chị Nguyễn Minh Thu (Hà Nội) cho biết: “Là một giáo viên, cũng là một người mẹ tôi cảm thấy băn khoăn về lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ. Chương trình có nhiều điểm mới, ví dụ như với môn học trải nghiệm sáng tạo, đây là điểm khá mới mẻ, được giáo viên, phụ huynh và xã hội quan tâm. Nếu Bộ chậm trễ như vậy thì khi thực hiện chắc chắn sẽ không đạt được như mong muốn. Phải chăng Bộ đang thiếu năng lực, thiếu người để hoàn thành?”.

Tại địa phương, chương trình môn học chưa xong cũng gây ra sự lúng túng trong công tác chuẩn bị, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Thái Nguyên nói: “Mọi thứ mới chỉ đưa lên nhưng có vẻ nhiều ý kiến chưa thống nhất nên vẫn chưa thể ban hành, mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã lùi lại 1 năm so với dự kiến ban đầu. Về lý thuyết là phải ban hành chương trình môn học (hiện vẫn chưa ban hành – PV) sau đó mới có thể viết sách giáo khoa, thử nghiệm, bồi dưỡng và tiến hành dạy. Bộ có vẻ đang làm song song giữa các việc”.

“Chương trình tổng thể đã ban hành từ tháng 7 năm 2017, sau đó nói là sẽ ban hành chương trình môn học vào tháng 4, rồi sau đó lùi đến trước năm học mới. Nhưng tới thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn chưa có gì? Điều này khiến cho địa phương gặp khó khăn trong việc chuẩn bị để khi triển khai có thể làm tốt nhất”, ông Đức nói.

GS Lâm Quang Thiệp cho rằng một chương trình lớn như vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, làm đúng lộ trình mới có thể thành công. Ông nói: “Toàn dân đang rất quan tâm tới sự thay đổi này, từ việc công bố chương trình môn học đến việc dạy chính thức là rất dài, thời gian chỉ còn chưa đầy 1 năm. Nếu như Bộ còn tiếp tục chậm trễ thì e rằng không thể đạt hiệu quả như mong muốn”.

Ngày 1/9, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 yêu cầu bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2018 - 2019; phối hợp với bộ Nội vụ và các địa phương rà soát, sắp xếp, bảo đảm đủ giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy. Các địa phương dành kinh phí thỏa đáng để đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp học, thiết bị dạy học, cải tạo nhà vệ sinh, công trình cung cấp nước sạch trong trường học, đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Khẩn trương ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến