Dòng sự kiện:
Bộ Tài chính muốn đánh thuế chuyển nhượng vốn 2%
21/01/2018 17:00:52
Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến muốn đánh thuế chuyển nhượng vốn 2% nhưng theo những người trong ngành, quy định như vậy dễ cho cơ quan quản lý nhưng lại không công bằng cho tất cả doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ

Lý lẽ của cơ quan quản lý

Đồng thời với đề xuất đánh thuế hoạt động chuyển nhượng vốn giữa các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 2% trên giá trị thương vụ, Bộ Tài chính cũng muốn đánh mức thuế tương tự với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch. Mức thuế suất 0,1% trên thu nhập như lâu nay chỉ áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán.

Giải trình cho đề xuất đánh thuế chuyển nhượng vốn giữa các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam 2% trên giá trị thương vụ, thay vì 20% của chênh lệch giá như quy định hiện hành, Bộ Tài chính cho biết, đây là cách đơn giản để kiểm soát thu thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, đa số các tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài thường kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn. Cơ quan thuế Việt Nam chưa có cơ sở để kiểm chứng kê khai nên thường chỉ thu được thuế đối trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn, không thu được thuế từ chênh lệch giá trị thương vụ.

Tương tự, đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán, việc kiểm soát giá và chi phí liên quan rất khó khăn. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp chuyển nhượng chứng khoán lách thuế bằng cách chuyển nhượng lòng vòng qua cá nhân với chênh lệch bằng 0 để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ Tài chính, cơ quan này đã ghi nhận được ý kiến từ các doanh nghiệp về việc cần có trường hợp ngoại lệ, không thu thuế nếu là tái cấu trúc nội bộ doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn vì lý do thương mại. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đề nghị bổ sung quy định trường hợp ngoại lệ trong thu thuế chuyển nhượng vốn là không hợp lý bởi nếu áp dụng có thể dẫn tới tình trạng trốn, tránh thuế của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức sắp xếp lại doanh nghiệp với quy mô toàn cầu.

Bộ Tài chính cho rằng nếu đề xuất chính sách của mình được thông qua thì tác động sẽ tích cực, không chỉ đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện mà còn hạn chế được việc chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua việc ký các hợp đồng thuê dịch vụ quản lý, tư vấn, quảng cáo... với công ty mẹ ở nước ngoài để làm giảm nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Quy định như vậy cũng phù hợp với thực tế phát sinh của các đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.

Cơ quan thuế cũng thừa nhận, việc áp dụng chính sách kể trên có thể gặp phải phản ứng của những nhà thầu nước ngoài bị lỗ khi chuyển nhượng mà vẫn phải nộp thuế (vì không có trường hợp ngoại lệ). Tương tự, các nhà thầu nước ngoài chuyển nhượng chứng khoán chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán hiện nay chỉ phải nộp thuế 0,1% trên thu nhập cũng sẽ phản đối khi phải nộp 2% trên doanh thu.

Chưa công bằng cho nhiều doanh nghiệp

Trao đổi với TBKTSG, lãnh đạo một doanh nghiệp tư vấn thuế không muốn nêu tên cho biết, đúng như Bộ Tài chính nhìn nhận, việc đánh thuế 2% trên giá trị giao dịch thay vì 20% chênh lệch giữa giá mua và giá bán như lâu nay sẽ tác động ngay đến các doanh nghiệp chuyển nhượng lỗ. “Trên thực tế, có không ít trường hợp lỗ thật sự. Nếu không có điều khoản về ngoại lệ thì rõ ràng là không đảm bảo công bằng và thỏa đáng với các doanh nghiệp này”, vị này nói.

Cũng theo vị này, ông hoàn toàn hiểu những khó khăn mà cơ quan thuế đã gặp phải trong quá trình thu thuế chuyển nhượng vốn thời gian qua. Thực tế như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính viện dẫn là có. Tuy nhiên, việc áp dụng một tỷ lệ chung cho tất cả là không nên, tuy không ảnh hưởng đến hoạt động chuyển nhượng (vì các công ty quan tâm đến lợi ích lớn mà các giao dịch mang lại trong tương lai) nhưng có thể sẽ khiến doanh nghiệp tìm cách để xử lý, chẳng hạn như lập các công ty đầu tư tại nước ngoài. Lúc đó thì lại khó cho cả hai bên. Vì vậy, vị này đề nghị, nếu được thì nên để doanh nghiệp tự lựa chọn một trong hai cách: 20% trên chênh lệch hoặc 2% trên giá trị chuyển nhượng.

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế diễn ra vào năm ngoái (thời điểm này Bộ Tài chính còn đề xuất đánh thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn là 1% trên giá trị giao dịch), ông Trần Minh Hiệp, giảng viên Tổ tài chính - thuế - ngân hàng, khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, chuyện không thu được thuế là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không nên vì thế mà đẩy khó cho người nộp thuế. Quy định về việc đánh thuế trên giá trị giao dịch thể hiện tư duy cào bằng, một người đau bắt tất cả uống thuốc, đi ngược với bản chất của thuế là có thu nhập mới nộp thuế.

Ông Hiệp cho rằng nếu nhìn một cách tổng thể hơn các chính sách thuế thì xu hướng cào bằng ngày càng rõ. Trước đây, người nộp thuế được chọn một trong hai phương án nhưng càng ngày thì càng theo kiểu tận thu - bác luôn quyền tự chọn của người nộp thuế. Tư duy này còn tiếp tục là đi ngược lại với tinh thần cải cách. 

Có ý kiến đồng tình

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại Trí Nguyễn đồng ý với đề xuất thu thuế theo giá trị giao dịch của Bộ Tài chính. Ông cho biết, thực tế làm việc cho thấy doanh nghiệp có quá nhiều cách để lách thuế. Có lời họ chạy cách này, không lời thì chạy cách kia. Vì vậy, nếu để doanh nghiệp tự lựa chọn thì chắc chắn cơ quan thuế không thể thu được gì.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ, khi xây dựng chính sách, cơ quan quản lý nên bỏ bớt các loại trừ. Doanh nghiệp thì luôn đòi hỏi nhiều. Bộ Tài chính đáp ứng tất cả là không thể. Vì vậy, nên đơn giản nhất, thống nhất các luật, bỏ bớt các loại trừ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thế giới.

Theo Thời báo kinh tế sài gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến