Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Bộ Công thương giải đáp Đại biểu Quốc hội về vấn đề nông sản
12/06/2015 17:43:39
ANTT.VN – Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề nông sản, xuất khẩu nông sản và giải pháp tránh tình trạng “được mùa mất giá” cho bà con nông dân.

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

Liên quan đến mặt hàng hành tím, đại biểu Trần Khắc Tâm đại diện cho cử tri tỉnh Sóc Trăng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong 3 năm qua những vấn đề liên quan đến xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường giá cả đối với mặt hàng hành tím được xử lý thế nào? Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay, “công tác tìm hiểu về giá cả, về thị trường, nhất là đối với hành tím chúng tôi đã làm, bởi vì thị trường xuất khẩu của hành tím chủ yếu Indonesia một năm chúng ta sản xuất khoảng được 80 - 100.000 tấn hành tím, tiêu thụ trong nước 20%, còn 80% xuất khẩu và chủ yếu Indonesia”.

Từ lâu nay Indonesia vẫn là nước nhập khẩu hành tím của Việt Nam. Tuy nhiên, vào cuối năm 2014 do họ thay đổi chính sách và đặc biệt họ cũng khuyến khích phần tự trồng ở trong nước, cho nên họ có một hạn chế về nhập khẩu, họ không công khai việc này, nhưng trong nội bộ họ có thống nhất là hạn chế nhập khẩu.

“Chính vì thế cho nên thông tin về thị trường Indonesia đến với chúng ta không kịp thời, khi đó đã vào vụ thu hoạch của mùa hành tím năm 2015. Nên ở đây cũng có phần trách nhiệm trong nguyên tắc cung cấp thông tin của chúng tôi” – Bộ trưởng Hoàng nói.

Người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng, hành tím chỉ được trồng ở một số địa phương, trong đó chủ yếu là ở Sóc Trăng mà một số tỉnh lân cận và được biết cũng có quy hoạch, do đó Bộ trưởng Hoàng cũng đề nghị lãnh đạo ở địa phương xem xét và hướng dẫn cho bà con. Trong tình hình hiện nay xuất khẩu và tiêu thụ hành tím cũng chưa phải thuận lợi thì mình cũng cố gắng làm sao duy trì quy hoạch đã được các địa phương phê duyệt, tránh tình trạng sản xuất cung vượt quá cầu sẽ dẫn đến khó khăn, Bộ Công thương cũng sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia vào trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch này.

Cũng quan tâm đến vấn đề nông sản, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói đến các giải pháp được nêu ra trong kế hoạch 5606 của Bộ Công thương, trong đó có nói đến "trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản Việt Nam. Thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". ĐB Khá hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương về sự đồng bộ của các giải pháp được đưa ra, trong khi hàng hóa Việt Nam còn tồn dư tạp chất, thương hiệu chỉ dẫn địa lý chưa rõ, thật giả lẫn lộn , công nghiệp phụ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp không đến đâu, cung vượt cầu, thương lái Trung Quốc thì tiếp tục hoành hành, trong kế hoạch thì chưa thấy rõ nét...

Trả lời chất vấn của ĐB Khá, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong kế hoạch thì có rất nhiều giải pháp như giải pháp về tiêu chuẩn chất lượng, giải pháp về bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ sản xuất trong nước liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng ... Cả một nhóm các giải pháp lớn như vậy liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, hay nói cách khác là trong từng khía cạnh quản lý nhà nước của từng bộ, từng ngành đều có liên quan. Tính đồng bộ thể hiện ở chỗ đã nêu tương đối đầy đủ các nhóm giải pháp, còn việc tổ chức thực hiện hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc vào hoạt động trong quản lý nhà nước của từng bộ, từng ngành.

“Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao là một đầu mối của những biện pháp này trong vấn đề về thị trường, vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, các ngành, các địa phương và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp của người sản xuất, người tiêu dùng để làm sao những giải pháp này đề ra phải đi vào cuộc sống, phải thực hiện được” – Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là vấn đề rất nóng và đặc biệt nó đặt ra một bài toán cho công tác quản lý nhà nước, nhiều cử tri có nói rằng hệ thống lưu thông và vận chuyển để tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ách tắc. Trong khi dưa hấu ở miền Trung chỉ bán được vài ngàn đến vài trăm đồng, thậm chí phải đổ đi. Trong khi đó người Hà Nội vẫn mua với giá 18 đến 20 nghìn đồng/1 kg. Hệ thống lưu thông phân phối tốt, tổ chức tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước thì cũng giúp cho nông dân rất nhiều. Bộ trưởng có đồng quan điểm với ý kiến của cử tri nêu trên hay không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp thắc mắc của ĐB Cương, ông cho rằng quả dưa hấu mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương có nêu lên đến 18.000 - 20.000 đồng, trong khi đó tại ruộng dưa có khi chỉ có mấy nghìn đồng, Bộ trưởng Hoàng lý giải, trước hết những loại hoa quả này là những loại hoa quả trồng rất phân tán và dễ hỏng. Hai nữa là hao hụt sau thu hoạch tương đối lớn. Theo thống kê trong nông nghiệp nói chung thì hao hụt sau thu hoạch thường khoảng 15 đến 20%, cho nên dẫn đến giá thay đổi.

Bên cạnh đó, do giữa địa bàn sản xuất với địa bàn tiêu thụ khoảng cách khá xa và liên quan đến cước vận tải, cho nên dẫn đến giá thành tăng lên. Thêm nữa, khi các thương nhân thu mua dưa ở ruộng dưa và đưa vào các chợ, đưa vào các trung tâm siêu thị để tiêu thụ phải qua quá trình phân loại và những sản phẩm không đạt yêu cầu về mẫu mã, hình thức, chất lượng sẽ bị người ta loại, còn lại những sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được tiêu thụ tại các siêu thị, các chợ. Chính vì thế có hai yếu tố này dẫn đến giá dưa thay đổi rất lớn, chênh lệch rất lớn giữa ruộng dưa với địa bàn bán.

“Chúng tôi có thống kê dưa hấu miền Trung trong thời gian vừa qua bán tại ruộng từ 2.500đ/kg đến 5.000đ/kg nhưng vào đến các chợ dân sinh lên đến 10.000đ/kg tới 12.000đ/kg và vào siêu thị lên đến 18.0000đ/kg đấy là thực tế. Chính vì thế câu chuyện liên quan đến hệ thống phân phối, câu chuyện liên quan đến xây dựng các kết cấu hạ tầng về thương mại, lưu thông phân phối tốt hơn để giảm chênh lệch giá giữa giá sản xuất và giá bán là rất cần thiết” – Bộ trưởng Hoàng nói.

Mộc Miên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến