Đại biểu Quốc hội góp ý việc tìm đầu ra cho nông sản
09/06/2015 17:11:17
ANTT.VN – Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và tìm đầu ra cho nông sản là mối quan tâm lớn của nhiều các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 8/6.

Tin liên quan

Ảnh minh họa (nguồn:dantri.com.vn)

Trước lo lắng của bà con nông dân về việc tìm hướng đi cho nông sản, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh vấn đề này trước phiên họp. Theo ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng), quê hương ông có củ hành tím nổi tiếng cả nước, bà con nông dân có gọi điện hỏi ông “chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không, chứ cả chục ký hành tím không đổi được tô phở thì cay mắt lắm”. Tại phiên thảo luận, ông Tâm đã đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ tới đây cần tổ chức các cuộc hội thảo thảo luận chuyên đề về tình hình sản xuất nông nghiệp, để có giải pháp căn cơ, chấm dứt câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi".

“Đã đến lúc Quốc hội cần phải trả món nợ lâu ngày với nông nghiệp” – ông Tâm nói.

Cùng mối lo ngại với ĐB Tâm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, ngành nông nghiệp của nước ta phát triển chưa ổn định cả về chất và lượng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Người nông dân vẫn đang rất chật vật với câu chuyện sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong một thị trường mở mà câu chuyện dưa, hành là một ví dụ.

Theo ông Thành, những tháng đầu năm 2015 tiêu thụ nông sản không thuận lợi còn có nguyên nhân là do sự sụt giảm nhu cầu thị trường của một số sản phẩm trên thế giới. Các sản phẩm chủ lực như lúa, gạo, cà phê, tôm bị cạnh tranh quyết liệt do giá thành sản xuất, do việc mở rộng thị trường cung cấp ở nhiều quốc gia và vấn đề ảnh hưởng của tỷ giá ở các nước.

Ông Thành cho rằng mặc dù được xác định ưu tiên nhưng lĩnh vực nông nghiệp đầu tư vừa qua còn rất thấp, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tỷ trọng đầu tư xã hội nông nghiệp trong giai đoạn 2008 - 2013 chỉ còn chiếm 5,8% và năm 2013 chỉ có 4,7%, tốc độ tăng trưởng vốn âm. Vốn ngân sách đầu tư đã thấp lại phân bổ chưa hợp lý, chủ yếu cho thủy lợi chiếm tới 75%, khoa học, công nghệ chỉ có 0,8%. Kinh phí khuyến nông cho một hộ nông dân chỉ có 50.000đ/hộ/năm, trong khi các nước trong khu vực là từ 50 - 80 đôla.

Theo ĐB Thành, cần đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, đáp ứng cả trung và dài hạn.

Cần có chính sách hữu hiệu nhằm thu hút phát triển số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là phát triển doanh nghiệp quy mô lớn và vừa, doanh nghiệp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi…

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh, vấn đề nông nghiệp và nông thôn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng hầu như năm nào cũng được nghe câu câu "được mùa rớt giá, mất mùa thì đẩy giá lên cao", khó tiêu thụ sản phẩm, gây thiệt hại và bức xúc cho người nông dân. Mặc dù có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc ban  hành các đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

Trong khi nước ta có đến 67% dân số nông thôn, 46% lao động nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp 18% GDP, "Chính phủ cần xác định ưu tiên hàng đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp. Trước mắt Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong công tác dự báo thị trường, dự báo phân khúc thị trường để người dân và doanh nghiệp không phải loay hoay tìm thị trường như hiện nay, nhằm khắc phục bằng được tình trạng được mùa rớt giá” – ông Vinh đề nghị.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến