Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ: Tấm gương về tinh thần làm việc và lòng nhân ái
17/08/2015 15:41:32
ANTT.VN – “Ở ông luôn có tấm lòng vị tha cao thượng. Công việc bận là thế nhưng ông luôn để ý và quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân dân, vui với niềm vui của dân, của cán bộ chiến sĩ, buồn với nỗi buồn của mọi người…” đó là lời chia sẻ của thiếu tướng Vũ Thanh Hoa - Chánh Văn phòng Bộ Công an về cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ

Tin liên quan

Một tấm gương về tác phong, tinh thần làm việc tận tụy, sâu sát và cụ thể

Hơn bốn năm trực tiếp làm thư ký, tôi đã chứng kiến tinh thần làm việc tận tụy, say mê của Chú. Hàng ngày tài liệu, công văn đến nhiều, có hàng trăm văn bản của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, của Công an các đơn vị, địa phương gửi đến để ông tham gia hoặc báo cáo xin ý kiến… Ông đều dành thời gian đọc, đọc kỹ, đọc hết, đọc ban ngày ở cơ quan chưa hết, mang về nhà đọc, nghiên cứu cho xong để rồi sáng hôm sau trả lại cho thư ký gửi đi; hầu hết các văn bản đều có bút tích tham gia hoặc chỉ đạo ý kiến rất rõ ràng, nhưng cách chê, cách phê bình của ông không gay gắt mà rất tế nhị sâu sắc đề người làm báo cáo rút kinh nghiệm. Để phê phán lối viết dài dòng , chất lượng kém, ông ghi: “Kính gửi anh…, các anh bắt tôi sảy cả núi thóc lép để chọn một hạt thóc mẩy hay sao?. Hoặc để phê phán tư tưởng quan trọng hóa vấn đề, cho việc làm của mình là lớn, hoặc thổi phồng sự việc, ông ghi: “cả quả núi đẻ ra con chuột nhắt”, hay cho ý kiến về việc xin đi nước ngoài cùng một doanh nghiệp của một lãnh đạo cấp cao trong ngành, ông ghi: “làm đến lãnh đạo cấp này, đi đâu phải được mời đón đàng hoàng, đi chui lủi thế này không biết có nên đi không? Mà họ mời thì cũng bằng  tiền của mình cả đấy”. Như vậy là ông để cho đồng chí đó tự xử lý lấy việc xin ý kiến của mình. Ông còn dành nhiều thời gian xem các báo, tạp chí ra hàng ngày, nhất là các tờ báo nêu những vấn đề có liên quan đến Công an rồi có bút phê yêu cầu các đơn vị, địa phương trả lời các vụ việc báo nêu, hoặc đề nghị khen thưởng cho những cá nhân có thành tích về bảo vệ an ninh trật tự; đôi khi ông còn tham gia cả những bài viết của một số đồng chí lãnh đạo Nhà nước ở trên các tờ báo… Tác phong làm việc sâu sát, cẩn thận thể hiện mọi lúc, mọi nơi. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, ông thường có một cuốn sổ điện mật riêng để khi cần trực tiếp viết chỉ đạo các vấn đề nghiệp vụ, các vụ án đối với các đơn vị, địa phương. Tuy sức khỏe yếu nhưng ông vẫn dành thời gian đến thăm các đơn vị chiến đấu như Cảnh sát cơ động, đến cán bộ chiến sĩ vùng sâu, vùng xa để thăm hỏi, động viên, tặng quà. Phát biểu với lực lượng cảnh sát bảo vệ, ông nói: “Thông thường thì đơn vị này, đơn vị khác, mỗi khi cấp trên đến thì cho là vinh dự, được ưu tiên, chiếu cố… Tôi nghĩ khác. Cấp trên thì phải có trách nhiệm đến với cấp dưới. Nơi cần đến mà chưa đến thì chưa làm tròn trách nhiệm hoặc cứ đến hoài thì không nên. Nói như thế không có nghĩa là lãnh đạo phải đi đến tất cả các đơn vị. Nhưng những cơ quan, đơn vị cần thiết, lãnh đạo nhất thiết phải đến, có đến mới hiểu được tình hình, mới làm được nhiệm vụ của mình”.

Một tấm gương về lòng nhân ái bao dung, thủy chung, nghĩa tình

Ở ông luôn có tấm lòng vị tha cao thượng. Công việc bận là thế nhưng ông luôn để ý và quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân dân, vui với niềm vui của dân, của cán bộ chiến sĩ, buồn với nỗi buồn của mọi người. Ông luôn quan tâm đến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí, đồng đội đã cùng ông chiến đấu, quan tâm đến gia đình, người thân của các đồng đội đã hy sinh. Đi công tác địa phương, ông thường dành thời gian đến thăm và tặng quà gia đình liệt sĩ Công an nhân dân như gia đình bà Hòa ở Hải Lăng – Quảng Trị có chồng là bạn đã chiến đấu với ông đã hi sinh tại chiến trường Nam Bộ; gia đình đồng chí Hoàn Thành, nguyên Cục trưởng Cục chống phản động lợi dụng tôn giáo và nhiều trường hợp khác ở Sơn La, Hải Phòng, Hải Dương… Nhiều việc khác của gia đình cán bộc chiến sĩ ở Văn phòng Bộ, tưởng như ông không thể biết nhưng ông lại biết rất rõ ai khó khăn, nhà ai có người mất và ông thường dành những khoản nhuận bút để giúp đỡ, như trường hợp đồng chí Ngũ, cán bộ Phòng Tổ chức của Văn Phòng Bộ có chồng mất phải nuôi hai con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông cũng gửi tiền nhuận bút của mình giúp đồng chí Ngũ v.v… Ông xót xa và thương cảm với cuộc sống của những người nghèo khổ, ông tâm sự: “Nhiều lúc đi đường tập thể dục sáng sớm, hay lúc đi làm về buổi chiều đông giá rét thấy những người dân, những người phụ nữ gầy gò đẩy xe đạp với những sọt bắp cải, cà chua đầy ắp, tôi dừng lại hỏi: một ca này cô bán được bao nhiêu? Cô ta trả lời là khoảng 8.000đ. Thương người dân vất vả một nắng hai sương mới trồng được của su hào, bắp cải, cà chua mà bán chẳng được bao nhiêu, chỉ được 3 đến 4 lon bia. Thế mà anh em mình uống một lúc hàng chục lon bia, ép nhau uống không hết, còn đổ lên đầu nhau…”. Ông dã phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc về việc này.

Tình thương, lòng nhân ái bao dung của ông với con người thật là rộng lớn. Tại Hội nghị “Toàn dân tham gia quản lí, cảm hóa những người lầm lỗi tại địa bàn dân cư” do tỉnh Thanh Hóa tổ chức tháng 8/1993, ông đã có bài phát biểu quan trọng  với chủ đề “Tập trung lực lượng phát động phong trào quần chúng, lấy tình làng nghĩa xóm, giáo dục người lầm lỗi ở địa bàn dân cư”. Trong bài phát biểu này ông đề cập đến nhiều vấn đề song tư tưởng bao trùm vẫn là tình thương của con người  với con người theo truyền thống đạo lí của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”. “Trong con người ta, dù kẻ có tội phạm gì đi nữa thì vẫn còn phần nào cái lương tâm của con người, điều thiện bao giờ cũng có. Khổng Tử nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, chúng ta phải hết sức trân trọng cái bản thiện còn lại để phát huy cái thiện trong con người họ”. Từ đó ông nhắc anh em Công an phải phát huy lòng nhân ái của dân tộc, đặc biệt là mỗi người phải có tâm với con người để giáo dục những người lầm lỗi, phạm tội. Vì ông cho rằng: “Trái tim nói với trái tim, ngôn ngữ thể hiện bằng tấm lòng, nếu anh chưa có tấm lòng đối với con người thì anh có diễn thuyết giỏi mấy đi cũng đố anh giảng được tội phạm nó nghe. “Về chữ Tâm”, ông đã có nhiều lần nói với cán bộ chiến sĩ Công an ở các đơn vị ông đến thăm, ông cho rằng ở đời ai cũng phải sống có tâm, có đức, “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, làm nghề Công an thì càng đòi hỏi phải có “Tâm”. Chẳng thế mà trên bàn thờ của ông lập để cúng gia tiên, ông có bức cuốn thư ghi trên cùng là chữ Tổ quốc, ở giữa là chữ Tâm.

dong-chi-bui-thien-ngo

Đồng chí Bùi Thiện Ngộ vui với cán bộ chiến sĩ

Ông luôn tôn trọng quyền con người, tôn trọng cán bộ dưới quyền, kể cả cán bộ, chiến sĩ cấp dưới. Ông nói: “Trong xã hội ta, đang tồn tại một số người cho rằng tướng tá mới oai, ông giám đốc gì đó mới to. Rồi xem đi ô tô gì,vào nhà hàng nào. Nhưng đối với anh lính thì họ coi thường. Xin lỗi các đồng chí, họ cho là “lính quèn” chẳng có gì. Với chúng ta thì khác. Quan điểm của chúng ta là phải biết quý trọng, thương yêu co người. Đã là con người thì ai cũng có nhân cách, có phẩm giá, có lòng tự trọng. Hơn thế, chiến sĩ ta tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc là có công với dân với nước, vì vậy tôi nhắc các đồng chí, dù ở cương vị nào cũng phải tôn trọng phẩm giá con người…”. Ông cho rằng: “Nếu cán bộ đối xử với chiến sĩ tốt, chân thật, quý trọng và thương yêu anh em thì chiến sĩ đối xử với cán bộ cũng như vậy; lúc hiểm nguy, chiến sĩ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cán bộ. Nếu ngược lại, khi biến cố, chiến sĩ bảo vệ mà hại lãnh đạo hết thì tránh…” (Phát biểu với cán bộ Chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ ngày 10/12/1992).

Là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng lãnh đạo cao nhất của ngành Công an, ông luôn quan tâm và tôn trọng những đồng chí có công, lão thành cách mạng, dù đồng chí đó là cấp phó hay cấp dưới của mình. Tôi nhớ có lần đi công tác địa phương, chú Ba mời đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Đức, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cùng đi (lúc này, đồng chí Đức đã nghỉ hưu). Đến thăm tại Tân Lập của Cục Quản lý trại giam Vĩnh Phú, nhà khách của trại chủ yếu là phòng tập thể nhiều giường, chỉ có duy nhất một phòng riêng khép kín, lãnh đạo bố trí riêng cho Bộ trưởng, nhưng chú đã nhường cho đồng chí Đức và ra ngủ chung phòng với anh em thư ký. Chú nói rằng, là người cao tuổi, là lão thành cách mạng, ông Đức ông Đức lại yếu hơn nên bố trí để ông ngủ ở đó v.v…

(Còn tiếp)

Trích bài viết của Vũ Thanh Hoa – Thiếu tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Nguyên Thư Ký Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ (Hà Nội, tháng 5 năm  2010)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến