Xuất nhập khẩu đạt hơn 730 tỷ USD
Thông tin tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 chiều 26/12, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành.
Đáng chú ý, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
"Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Văn Minh).
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy vậy, Thứ trưởng Khánh cho biết, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã chậm lại từ quý IV, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ; doanh thu giảm, cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, cần tự chủ trong sản xuất cơ khí. Theo ông Sáng, dù chúng ta phát triển công nghiệp tốt, xuất khẩu trên 700 tỷ USD nhưng hơn 70% số này là thuộc về các doanh nghiệp FDI. Việt Nam đang thiếu các sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện chúng ta chưa có quy hoạch, chiến lược, lộ trình làm chủ các thiết bị liên quan đến công nghệ bauxite, đường sắt cao tốc.
“Làm sao lấy 400 tỷ USD thị trường ngành cơ khí làm nguồn động lực, tài nguyên phát triển nền kinh tế đất nước. Đề nghị Bộ Công Thương, cùng các ngành như Giao thông… khi phát triển các chương trình nên có chiến lược nội địa hóa. Thậm chí trong chừng mực nào đó nên luật hóa. Kiến nghị Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ đề nghị có lộ trình làm chủ thiết bị cơ khí của cả các bộ ngành khác”, ông Sáng nêu.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, cầu thị
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bởi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong một năm đầy khó khăn, thách thức song Bộ trưởng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho ngành cần tập trung giải quyết.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương (Ảnh: Văn Minh).
Trong đó, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm cải thiện; việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng thương mại còn hạn chế, làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh, có thời điểm còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm cạnh tranh… có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện cải cách hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song theo Bộ trưởng là nguyên nhân chủ quan chủ yếu, trong đó do kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, bộ phận, cá nhân chưa tốt.
Năng lực, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc còn hạn chế. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời...
"Đây là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của ngành trong nhiều năm qua, vì vậy chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá rất nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có các giải pháp khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dự báo về tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng năm 2023, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có dấu hiệu suy thoái ở nhiều quốc gia; các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn còn hiện hữu.
Xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sức ép lạm phát, giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, khó đoán định. Một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, tiếp cận thị trường và vốn của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn...
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy