Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Lao động: 2019 sẽ tập trung 4 vấn đề để tạo bước đột phá
05/02/2019 21:10:30
Năm 2019 là năm triển khai thực hiện các Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

PV đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu cải cách chính sách.

Thưa Bộ trưởng, để thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ triển khai như thế nào trong năm 2019?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Để cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 08/10/2018 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW.

Các giải pháp trong thời gian tới bao gồm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội. Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan. Thí điểm thực hiện chính sách về gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Trong năm 2019, Bộ sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm cơ sở hoàn thiện chính sách hỗ trợ phù hợp cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức… để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Bộ cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong đó xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là với các doanh nghiệp vi phạm về trốn đóng, nợ đọng tiền đóng kéo dài làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Một trong những nội dung quan trọng Nghị quyết 27-NQ/TW là giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào tiền lương trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, điều này đòi hỏi sẽ phải xây dựng được một mối quan hệ lao động tốt. Trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ chú trọng việc đổi mới quản lý tiền lương theo nguyên tắc thị trường, trong đó Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, bỏ các quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động.

Nhà nước sẽ giảm dần sự can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động, trả lương, thưởng gắn với năng suất và kết quả lao động, các chế độ khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Tăng cường vai trò, năng lực của tổ chức công đoàn và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.

Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng quy định thực hiện giao khoán chi phí tiền lương trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kết quả, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp. Thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương; từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.

Thưa Bộ trưởng, năm 2019, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ lựa chọn lĩnh vực nào làm khâu trọng tâm đột phá?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2019 là năm chuẩn bị hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, với phương châm hành động Chính phủ đã đề ra là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, toàn ngành Lao động-Thương binh và Xã hội với quyết tâm cao nhất, nỗ lực, bứt phá sáng tạo quyết liệt thực hiện 14 nhóm nhiệm vụ.

Mục tiêu tổng thể của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tập trung tạo bước đột phá trong xây dựng thể chế. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung triển tạo bước đột phá trên một số nhóm vấn đề về xây dựng thể chế, thị trường lao động, tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, quan tâm tới một số vấn đề xã hội bức xúc, nhất là lĩnh vực bảo vệ trẻ em chống xâm hại.

Thứ nhất, Bộ sẽ tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm hoàn thành được chiến lược phát triển ngành, Chiến lược an sinh xã hội cho 10 năm tới với tư duy đột phá và hướng tới một xã hội mọi người đều hưởng được quyền an sinh theo đúng tinh thần Điều 34 Hiến pháp và các quy định của Đảng và Nhà nước; tập trung cao độ cho việc sửa đổi và trình Bộ luật Lao động sửa đổi với những nội dung đã trình xin ý kiến Chính phủ; trình Quốc hội sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trình, sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Thứ hai, Bộ tiếp tục đột phá mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển động thực sự trong thị trường lao động, tạo nên thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh ở 3 khía cạnh: Tạo việc làm mới sẽ phấn đấu cao hơn mức năm 2018 đạt 1,65 triệu người. Tạo sự dịch chuyển lớn lao động từ phi chính thức sang chính thức với tỷ lệ phải cao hơn trong năm 2018; giảm được tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp xuống thấp hơn nữa.

Thứ ba, Bộ tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, với cách làm mới, phấn đấu để đạt mục tiêu tổng quát là: Số người học, đặc biệt là cao đẳng, trung cấp nghề phải tăng lên; ra trường phải có việc làm, có thu nhập và ứng dụng, tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần. Do đó, cung và cầu phải kết nối rất hợp lý, phải dự báo được ngành nghề thích hợp nào xã hội đang cần.

Thứ tư, Bộ quan tâm tới một số vấn đề xã hội bức xúc, nhất là lĩnh vực bảo vệ trẻ em chống xâm hại, quản lý các cơ sở cai nghiện. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến