Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại cuộc họp báo ngành tài chính diễn ra chiều nay (25/12).
Theo người đứng đầu ngành tài chính, 2020 là năm có dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, dự toán thu được tính dựa trên nền tảng thực hiện cao của năm 2019 (thu ngân sách vượt hơn 9% dự toán).
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 khi xây dựng dự toán thu ngân sách cũng vào khoảng 6,8%. Số này cộng với kế hoạch lạm phát kiểm soát ở mức 4%, tương đương con số 10,8% để tính tốc độ tăng thu ngân sách cho năm 2020. Ngoài ra, giá dầu thô tại thời điểm tính dự toán cũng là 60 USD/thùng.
GDP Việt Nam tăng 2,8%
Tuy nhiên, dịch Covid bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến nền kinh tế thế giới khó khăn, đến nay các dự báo vẫn chỉ ra kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm. Trong nước, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động khác như cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, tình hình thiên tai, bão lụt… Điều này đã tác động đến sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Dũng, trong bối cảnh khó khăn đó, điểm đáng mừng là đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn dự kiến tăng trưởng khoảng 2,8% so với năm 2019. “Trong hôm nay hoặc ngày mai sẽ có con số chính thức, nhưng GDP sẽ tăng trong khoảng 2,8% và là điểm sáng của các nền kinh tế mới nổi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, NSNN gặp nhiều khó khăn về cân đối. Trong đó, thu khó do tăng trưởng kinh tế thấp, nhưng chi lại tăng lên do phải chi phòng chống dịch, thiên tai.
Đến nay, số tiền ngân sách đã chi ra cho công tác phòng chống dịch Covid đã đạt trên 17.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, ngành tài chính đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng trong việc triển khai chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, Bộ đã cắt giảm hơn 20 loại phí và lệ phí, một số loại được đưa về 0 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực được cắt giảm nhiều nhất là chứng khoán.
Cùng với việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng thị trường chứng khoán trong nước đến nay vẫn được duy trì ổn định trong bối cảnh thị trường thế giới biến động mạnh là một điểm sáng của ngành tài chính.
“Việt Nam cũng có thời điểm trồi sụt nhưng mức độ không lớn như thế giới. Thị trường chứng khoán ổn như vậy cũng giúp thị trường tài chính ổn theo, vì đây là kênh huy động vốn quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu ngành tài chính, hoạt động huy động vốn của ngân sách cũng ghi nhận nhiều điểm tích cực khi thời gian huy động trái phiếu Chính phủ hiện bình quân ở mức gần 14 năm, lãi suất ở mức 2,88%/năm, thấp hơn rất nhiều giai đoạn 2012-2014.
Ngoài các chính sách tài khóa kể trên, Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh như gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, TNDN và tiền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp; giảm 30% thuế TNDN cho một số nhóm doanh nghiệp; tăng giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN...
Theo Bộ trưởng, tổng hợp các chính sách kể trên, ngành tài chính đã hỗ trợ khoảng 105.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp.
Giảm mạnh hụt thu ngân sách
Trong hoạt động cân đối thu ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết hồi tháng 10 ngành tài chính phải báo cáo với Quốc hội và được chấp thuận về việc giảm thu ngân sách so với dự toán 190.000 tỷ đồng, và đề nghị điều chỉnh tăng chi để đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng trước khó khăn của năm 2020, cần thận trọng trong việc xây dựng dự toán ngân sách năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà.
Tuy nhiên, nhờ các giải pháp trong quản lý thuế, thu hồi nợ đọng… đến 24/12, tổng thu ngân sách đã đạt 93,18% dự toán, tăng mạnh so với báo cáo trước đó gửi Quốc hội là 86,3%. Ngoài ra, số giảm thu dự toán báo cáo trước đó là 190.000 tỷ đến nay đã giảm còn khoảng 103.000 tỷ đồng.
“Hiện vẫn còn 4 ngày nữa để thực hiện thu NSNN, theo đó, tỷ lệ thu ngân sách dự kiến sẽ còn tăng lên và số giảm thu dự toán sẽ còn thấp hơn”, Bộ trưởng Dũng nói.
Trong cơ cấu thu ngân sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết số thu cân đối ngân sách địa phương năm nay dự kiến vượt khoảng 20.000 tỷ đồng, tuy nhiên khó khăn nằm ở cân đối thu ngân sách trung ương. Nguyên nhân do nhiều khoản thu thuộc trung ương bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh như thu từ xuất nhập khẩu, thuế, giá dầu…
Trước khó khăn của năm 2020, Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần thận trọng trong việc lập dự toán thu cho năm 2021. Trước đó, chỉ thị của Thủ tướng về xây dựng kế hoạch NSNN 2021 lập hồi tháng 2-3 đề nghị tăng thu ngân sách nội địa 12%. Tuy nhiên, sau khi tính toán, Bộ Tài chính đã báo cáo lại với Thủ tướng và được đồng ý về con số này với dự kiến chỉ tăng tối đa 7%.
Thậm chí, trong bối cảnh nền kinh tế dự kiến còn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung trong năm 2021, Bộ trưởng cho rằng mức tăng 7% cũng phải rất quyết tâm mới có thể thực hiện được.
“Suy thoái kinh tế vào giai đoạn này thì khó khăn phải kéo dài vài năm nữa. Nếu chưa thể có vaccine Covid toàn thế giới thì chưa thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Dù đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0 nhưng rõ ràng không thể mãi ngồi ở nhà để làm ăn mà phải đi lại, giao lưu thì mới có thể phát triển”, ông Dũng chia sẻ.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy