- Vụ việc ở Đồng Nai này là ví dụ điển hình về vấn đề an toàn thông tin (ATTT) trên mạng mà cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ TTTT. Về mặt giáo dục, đạo đức xã hội, gia đình phải quản lý con cái, quản lý thành viên trong gia đình. Bản thân mỗi cá nhân phải ý thức được rằng những thông tin mình đưa ra phải góp phần cho xã hội tốt hơn và đưa ra những thông tin làm tổn hại người khác là hành vi cần phải xử lý về hình sự. Về mặt quản lý, chúng tôi khuyến cáo tất cả các nhà mạng khi phát hiện ra những nội dung tương tự phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật, để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như vừa qua.
Vậy, Luật ATTT mà QH vừa thảo luận sẽ luật hóa trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội như thế nào và chế tài kiểm soát việc này ra sao thưa ông?
- Quan trọng nhất là cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa thông tin tốt, phù hợp với pháp luật, đạo đức, xã hội lên mạng. Bản thân tất cả chúng ta phải có ý thức đưa thông tin tốt, tránh đưa thông tin xấu lên mạng. Khi phát hiện những tthông tin xấu gây ảnh hưởng lớn tới xã hội cần nhanh chóng thông báo tới cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn nhanh chóng, kịp thời hơn. Vì để thông tin xấu lan truyền nhanh, lượng truy cập tăng lên, đồng nghĩa với sức ép, áp lực đối với người trong cuộc tăng và nhiều khi đẩy họ đến sự bế tắc, đường cùng.
Có ý kiến cho rằng, những trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài rất khó kiểm soát, như vậy chẳng lẽ chúng ta bó tay trước thực trạng này?
- Những thông tin xuyên biên giới không chỉ là thách thức với riêng Việt Nam mà cả thế giới. Ngay cả Mỹ cũng thường xuyên phát đi những thông tin cảnh báo tấn công vào mạng lưới thông tin của mình và cả website của các nhà lãnh đạo Mỹ cũng bị tấn công. Việc có một số trang thông tin có xuất phát từ nước ngoài đang là mối đau đầu của các cơ quan an ninh, cần tìm mọi cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn, cảnh báo. Hiện chúng ta có 8 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ này, các Cty này cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, bằng biện pháp kỹ thuật và tuyên truyền. Tuy nhiên, cũng không thể nào tuyệt đối, vì hiện nay xuất hiện nhiều hacker với thủ đoạn tinh vi có thể vượt tường lửa. Đơn cử như trang tin “quan làm báo” sau một thời gian chúng ta tích cực tuyên truyền, nay người dân đã không truy cập, xem thông tin trên trang này nữa.
Chúng ta khuyến khích tự do thông tin, nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp luật. Vì thế theo quy định tại Nghị định 72 khi đăng ký cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng, buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt ít nhất 1 máy chủ ở Việt Nam để có thể quản lý được và dễ dàng giải quyết những vấn đề phát sinh. Khi chúng ta ban hành nghị định này có rất nhiều phản đối nhưng vì mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, an ninh quốc gia chúng ta vẫn phải làm và quyết tâm làm.
Có ý kiến còn đề nghị cần đưa ra quy định về việc cấm mạo danh tên người khác trên facebook (FB), ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
- FB là mạng xã hội lớn, mọi người đều có quyền mở tài khoản, truy cập mà khó có ai quản lý được. Bây giờ nói cấm mạo danh trên FB nhưng việc đưa ra chế tài cấm là một thách thức. Ví dụ bạn lên FB có thể lấy nickname của người thân đặt cho FB của mình. Ra lệnh cấm không được dùng nickname để truy cập, đăng ký trên FB hiện nay là chưa thể. Theo hiến pháp, mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và cung cấp thông tin, nhưng nếu tự do này dẫn tới phương hại tới lợi ích người khác, ảnh hưởng tới tự do người khác sẽ bị xử lý. Ví dụ, anh có quyền tự do lập FB, nhưng nếu dùng FB cá nhân đăng thông tin bôi xấu người khác là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo laodong.com.vn)