Dòng sự kiện:
BoJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến lạm phát ngày càng tăng
05/06/2023 16:57:03
Thống đốc BoJ cho rằng mức tăng giá hiện nay chủ yếu do các nhân tố chi phí đẩy tạm thời; tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ, nếu sự thay đổi được cho là cần thiết.

Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đối mặt với sức ép mới trong bối cảnh giá tăng từ thực phẩm sang dịch vụ. Do đó các thị trường đang hướng sự chú ý vào số liệu việc làm sắp tới để tìm kiếm manh mối về động thái tiếp theo của BoJ.

BoJ dưới thời tân Thống đốc Kazuo Ueda đang sử dụng “chiêu bài án binh.” Trong một bài phát biểu ngày 19/5, Thống đốc Kazuo Ueda nói rằng mục tiêu lạm phát 2% của Nhật Bản cuối cùng đã trong tầm với, chi phí làm gián đoạn tiến độ bằng "những thay đổi chính sách vội vàng" sẽ "có thể rất cao."

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần sau đó, ông Kazuo Ueda đã cảnh báo rằng việc vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ "có tác động tiêu cực đáng kể đến việc làm và các lĩnh vực khác."

Sau cuộc phỏng vấn đó, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, đồng nội tệ Nhật Bản giảm xuống còn 140 yen đổi 1 USD và chỉ phục hồi nhẹ kể từ đó.

Các nhà quan sát đã đặt câu hỏi về cách tiếp cận của BoJ. Một nguồn tin chính phủ cho hay lạm phát đang tăng khá cao. BoJ cho rằng Nhật Bản đang tiến gần hơn đến các điều kiện của Mỹ và châu Âu.

Sự kiên nhẫn của BoJ đến từ giả định của ông Ueda rằng lạm phát sẽ "giảm khá rõ ràng" bắt đầu từ khoảng giữa năm tài chính 2023-2024 (kết thúc ngày 31/3/2024). Quan điểm của BoJ là mặc dù lạm phát trên 3% có thể là gánh nặng đối với người dân, nhưng cuối cùng nó sẽ giảm xuống khi giá hàng hóa giảm.

Tuy nhiên, các dữ liệu đang cho thấy sự trái ngược với kịch bản trên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản trong tháng 4/2023, không tính thực phẩm tươi sống, đã tăng 3,4% trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đã đẩy giá dịch vụ tăng cao.

Bảy công ty điện lực tại Nhật Bản có kế hoạch tăng giá điện đối với hộ gia đình vào ngày 1/6, và tốc độ tăng giá có thể được đẩy nhanh hơn nữa.

Shotaro Kugo của Viện nghiên cứu Daiwa ước tính rằng các yếu tố nhu cầu đóng góp khoảng 60% mức tăng CPI trong tháng 3/2023, so với 40% từ phía cung.

Tiền lương, một trong những mối quan tâm chính sách lớn của BoJ, đã cho thấy sự cải thiện. Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) cho biết trong các cuộc đàm phán mùa Xuân tính đến ngày 19/5, các nghiệp đoàn tại các công ty lớn đảm bảo tăng lương hàng tháng trung bình 3,91%, mức cao nhất trong 30 năm. BoJ đã thừa nhận những dấu hiệu tích cực nhưng cần thêm thời gian để đánh giá.

Các cuộc đàm phán tiền lương năm 2024 sẽ là chìa khóa. Một nguồn tin của BoJ cho biết nếu tăng trưởng tiền lương vẫn bằng với năm 2023 ngay cả sau khi lạm phát đã hạ nhiệt, thì "đó có thể được coi là lạm phát bền vững và ổn định." Ngay cả khi BoJ không trì hoãn lâu như vậy, thì ít nhất họ cũng có thể đợi cho đến khi có thể đánh giá kết quả có thể xảy ra từ các chỉ số kinh tế.

Số liệu việc làm hàng tháng dự kiến được công bố ngày 6/6 sẽ là dữ liệu đầu tiên cho thấy kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương mùa Xuân. Dữ liệu trước đó cho thấy tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm trong tháng 3/2023 và là tháng giảm thứ 12 liên tiếp.

Một số bình luận của ông Ueda cho thấy BoJ có thể bắt đầu dao động. Ông Ueda nói rằng khó để hiểu được nguyên nhân gây ra lạm phát, đồng thời thừa nhận rủi ro ngân hàng đưa ra dự báo sai “không phải không có.”

Ông Ueda vẫn cho rằng mức tăng giá hiện nay chủ yếu do các nhân tố chi phí đẩy tạm thời. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ, nếu sự thay đổi được cho là cần thiết./.

Tác giả: Minh Hằng

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến