C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Hội Bảo vệ người tiêu dùng kêu gọi người tiêu dùng lên tiếng
30/06/2016 07:47:51
ANTT.VN - Mặc dù một số lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ có lượng chì cao đã có kết luận chính thức, tuy nhiên phía Công ty URC chưa hề có động thái gì về việc xin lỗi người tiêu dùng, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng cần sự phối hợp của người tiêu dùng để khởi kiện doanh nghiệp này.

Tin liên quan

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, Vụ việc C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Hà Nội nhiễm chì đã được kết luận rõ ràng. Bộ y tế cũng đưa ra mức phạt cao hơn cả giá trị 2 lô sản phẩm. Nhưng đến nay đơn vị sản xuất vẫn im lặng là điều không thể chấp nhận được. Chuyện công ty vi phạm và bị phạt là điều đương nhiên. Phạt 5 tỷ hay 10 tỷ thì số tiền đó cũng được nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, “cái quan trọng nhất là quyền lợi người tiêu dùng lại không được xem xét” – ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng

Điều đáng nói, theo quy định của pháp luật, khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức cá nhân sản xuất, phân phối phải thông báo công khai để người tiêu dùng biết rõ điều đó. Nhưng đến thời điểm này công ty URC vẫn chưa thông báo, một lời xin lỗi cũng không và việc đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng cũng không được nhắc đến. Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin về sản phẩm, hàng hóa. Ông Hùng khẳng định: “Đưa hàng hóa lỗi ra thị trường, bị thu hồi, bị phạt nhưng đơn vị sản xuất không có lời nào đối với khách hàng là vi phạm pháp luật. Vi phạm quyền được biết thông tin của người tiêu dùng”.

Theo ông Hùng, đối với mỗi doanh nghiệp khách hàng là “sống còn” và người kinh doanh bên cạnh chấp hành pháp luật cũng rất cần phải có “văn hóa kinh doanh, tôn trọng khách hàng, xem khách hàng là thượng đế.

Việc hơn 1 triệu sản phẩm nhiễm chì của URC đã tung ra thị trường nhưng không thu hồi được nghĩa là người tiêu dùng đã mua. Khả năng người tiêu dùng đã sử dụng hết sản phẩm này là rất lớn. Ai cũng biết chì rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Trong vụ việc này, chưa bàn đến việc sản phẩm C2 và Rồng đỏ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng việc người tiêu dùng đã phải bỏ tiền ra mua sản phẩn thì Công ty cũng phải xem xét để đền bù thiệt hại kinh tế cho họ.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN rất quan tâm đến vụ việc sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì bởi ngay sau khi Bộ Y tế đưa ra quyết định chính thức Hội đã phối hợp với Văn phòng luật sư, thu thập các chứng cứ. Nếu đủ điều kiện, Hội sẽ khởi kiện công ty URC ra tòa để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là đến nay Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN vẫn chưa nhận được một đơn thư khiếu nại nào từ khách hàng. “Nếu khách hàng không lên tiếng, không cung cấp cho chúng tôi những bằng chứng, chứng cứ thì sẽ rất khó để khởi kiện. Mong rằng, người tiêu dùng sẽ lên tiếng mạnh mẽ để sự việc này không bị chìm xuống”, ông Hùng nói.

Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, Điều 8 và có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản 7, Điều 8. Theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản d, Điều 9 và được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng sản phẩm không an toàn gây ra theo khoản đ, Điều 9.

Tuy pháp luật đã quy định rõ nhưng ông Hùng cũng cho rằng, người tiêu dùng có thể khởi kiện và thắng kiện là điều rất khó. Bởi thực tế, người tiêu dùng Việt mua sản phẩm chẳng mấy khi lấy hóa đơn chứng từ. Mỗi lần mua cũng chỉ mua số lượng ít, mua lẻ và hiện đã sử dụng hết, việc đánh giá ảnh hưởng với sức khỏe từng người cũng khó khăn. Khi đã khởi kiện, người tiêu dùng có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ, chứng minh thiệt hại đó là điều không dễ dàng.

“Công ty URC Việt Nam là một công ty lớn với hàng triệu khách hàng. Một sản phẩm của họ tốt hay xấu cũng sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu người tiêu dùng và cả xã hội. Cách đây chưa lâu, một người đứng đầu doanh nghiệp đã bị “vạ miệng”, sau đó cả bộ máy lãnh đạo công ty đó cúi rạp xin lỗi người dân. URC sai phạm lớn như vậy nhưng một lời xin lỗi cũng không có. Nếu người tiêu dùng không lên tiếng nghĩa là URC có khả năng “thoát hiểm” khỏi vụ việc này rất lớn”.

Ông Hùng cũng đề nghị Công ty TNHH URC Hà Nội sẽ có thông báo chính thức kèm theo một lời xin lỗi người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và không dừng lại ở việc xử phạt. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN vẫn tiếp tục theo sát vụ việc này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng bị thiệt hại quá lớn, thiệt hại rõ ràng, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm phạm”, ông Hùng nói.

Về việc trên mạng xã hội lại xuất hiện phiếu kiểm nghiệm cho thấy kết quả sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC có lượng chì vượt ngưỡng, trao đổi với ANTT.VN, ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết “ Đối với những việc đang tiến hành thanh tra tôi không trả lời gì nữa bởi theo quy định của pháp luật khi chưa công bố, chưa kết luận không được tiết lộ”.

Trước đó, hai lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ bị phát hiện có hàm lượng chì vượt ngưỡng là lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 04/02/2016; HSD 04/02/2017); Nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/08/2016). Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu công ty TNHH URC Hà Nội thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm vi phạm nói trên. Tuy nhiên, công ty chỉ thu hồi được 1.184 thùng, vẫn còn khoảng 1,2 triệu chai không thu hồi được. Trong quá trình thanh tra, đoàn kiểm tra phát hiện doanh nghiệp có một số lỗi nghiêm trọng, nên đã xử phạt gần 5,9 tỷ đồng. Hơn 10 tấn sản phẩm  C2 và Rồng đỏ thuộc lô hàng không đạt chất lượng bị tiêu huỷ.

M.M

PV

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến